Tin quốc tế
Sóng gió nổi lên tại Facebook
Điều quan ngại cho Facebook là vụ bê bối xuất hiện vào lúc Hãng dự kiến phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm tới với mức định giá khoảng 100 tỉ USD.Facebook đang bị chỉ trích nặng nề vì đã gian dối trong việc sử dụng thông tin cá nhân của người sử dụng. Và đó chỉ là mở đầu của mọi rắc rối.
Cách đây vài năm, Facebook đã buộc phải từ bỏ một dịch vụ mới gọi là Beacon. Dịch vụ này chuyên theo dõi xem những người sử dụng Facebook đang làm gì trên web. Và điều đó đã gây làn sóng phản đối mạnh mẽ vì xâm phạm tính riêng tư của người dùng. Khi ấy, Facebook đã cam kết sẽ làm mọi cách để bảo vệ tốt hơn thông tin của người sử dụng.
Nhưng rõ ràng, mạng xã hội này đã không làm hết sức mình. Vào ngày 29.11, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã công bố kết quả của cuộc điều tra về Facebook. FTC phát hiện Facebook đã chuyển những thông tin cá nhân của người sử dụng cho các nhà quảng cáo, mặc dù Hãng nói rằng sẽ không làm vậy. Nhằm xoa dịu sự giận dữ của công luận, trong cùng ngày, Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook, đã xin lỗi về những sự cố và cho biết Hãng đã thuê 2 giám đốc phụ trách về vấn đề tính riêng tư.
Thế nhưng, FTC không thể trông mong vào “tinh thần tự giác” của Facebook. FTC cho biết đã ký thỏa thuận dàn xếp vụ việc với Facebook và theo đó, Facebook đã chấp nhận một số biện pháp mà FTC đưa ra. Cụ thể, ngoài việc phải tuân thủ những quy định khác, Facebook giờ sẽ phải có được sự đồng ý của người sử dụng trước khi Hãng chia sẻ thông tin của họ. Và Hãng cũng đồng ý là trong 20 năm tới, cứ mỗi 2 năm sẽ phải được một bộ phận kiểm toán độc lập kiểm tra.
Facebook không phải là trường hợp đầu tiên bị vịn vì vi phạm tính riêng tư của người sử dụng. Trong những năm qua, FTC đã từng buộc Twitter và Google chấp nhận quy định kiểm toán theo định kỳ sau khi các công ty này bị cáo buộc vi phạm tính riêng tư của khách hàng.
Sự giận dữ của hàng trăm triệu người sử dụng đối với hành vi của Facebook có thể sẽ buộc Quốc hội Mỹ phải vào cuộc để đưa ra một khung pháp lý mới về tính riêng tư. Nếu Quốc hội Mỹ nhúng tay vào, chắc chắn sẽ khiến các nhà làm chính sách tại châu Âu phải nghĩ lại, nhất là khi họ cũng đang săm soi cách thức hoạt động của Facebook. Điều này cũng có nghĩa vụ bê bối trên chưa phải là rắc rối duy nhất mà Facebook phải đối mặt trong thời gian tới.
Điều quan ngại cho Facebook là vụ bê bối trên xuất hiện vào lúc Công ty dự kiến phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm tới với mức định giá khoảng 100 tỉ USD. Để giúp cho quá trình lên sàn được thuận lợi, trước mắt Facebook phải giải quyết ổn thỏa những rắc rối với các cơ quan quản lý tại Mỹ và châu Âu. Nhưng sau đó, Hãng phải tính lại bài toán tăng trưởng khi nguồn thu chủ yếu của Facebook vẫn đến từ việc bán quảng cáo. Bởi lẽ, nếu các nhà quảng cáo không còn có được những thông tin mật về người sử dụng mà Facebook chia sẻ thì liệu họ có còn mặn mà với trang mạng này. Hơn nữa, việc Facebook được định giá cao như hiện nay là nhờ niềm tin của giới đầu tư rằng các nhà quảng cáo sẽ mạnh tay chi tiền trên trang web này.
“Zuckerberg giờ như đang đi trên sợi dây khi vừa phải cố gắng làm hài lòng người sử dụng vừa làm đẹp lòng nhà quảng cáo. Không sớm thì muộn cũng ngã đau mà thôi”, một nhà hoạt động về tính riêng tư của người sử dụng nhận xét.
Theo NCĐT