Connect with us

Sáp nhập và liên minh – xu hướng của ngành ô tô thế giới

Tin quốc tế

Sáp nhập và liên minh – xu hướng của ngành ô tô thế giới

Volkswagen vẫn quyết tâm biến Porsche thành 1 trong 10 thương hiệu nhánh vào cuối năm nay.

Fiat có kế hoạch kiểm soát 46% cổ phiếu của Chrysler vào tháng 6-2011, Volkswagen vẫn quyết tâm biến Porsche thành 1 trong 10 thương hiệu nhánh vào cuối năm nay, liên minh Renault-Nissan đang trở thành liên minh kiểu mẫu với những thành công nổi bật… sáp nhập và liên minh đang là xu thế phổ biến của thế giới xe hơi toàn cầu.

Những cuộc thâu tóm đình đám

Tờ Automotive News Europe ngày hôm qua đưa tin, hãng sản xuất xe hơi Italy Fiat có thể sẽ tăng cổ phiếu của mình tại Chryler từ 30% lên tới 46% vào tháng 6 tới. Hiện tại, đại diện của Fiat chưa đưa bất cứ bình luận nào về thông tin này nhưng tờ Corriere della Sera của Italy đã đưa ra những chứng cứ khẳng định, Fiat chắc chắn sẽ mua thêm 16% cổ phiếu nữa của Chryler cho đến cuối tháng 6.

Thông tin này được đưa ra không lâu sau, Fiat chính thức thông báo đã nắm 30% cổ phiếu của hãng Chrysler, qua đó được nắm quyền điều hành và kiểm soát Chrysler.

Thông qua hai công ty của Fiat là Magneti Marelli và Shell Lubricants, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Italy sẽ cung cấp các bộ phận bảo trì và dầu bôi trơn cho các xe trong các đại lý của Chrysler.

Bên cạnh đó, Magneti Marelli còn phân phối 26 dòng sản phẩm từ các đại lý và hơn 3.000 bộ phận trong các kho của Chrysler tại Bắc Mỹ.

Trước khi giành quyền kiểm soát Chrysler, Fiat đã đã chi 304 triệu đô la Mỹ để xây dựng và nâng cấp cơ sở Chrysler từ tháng 6 năm 2009. Bản thân Chrysler đang có kế hoạch sẽ chi khoảng 500 triệu đôla Mỹ từ năm 2010 – 2015 để xây dựng hệ thống đại lý.

Không được suôn sẻ như Fiat nhưng Volkswagen vẫn quyết tâm biến Porsche thành 1 trong 10 thương hiệu nhánh vào cuối năm nay.

Ở thời điểm hiện tại, Porsche Automobil Holding SE đang chiếm khoảng 51% cố phẩn của thương hiệu Porsche trong khi Volkswagen AG, công ty mẹ của Volkswagen Group sở hữu 49% cổ phần và có quyền để mua lại số cổ phiếu còn lại.

Lý do quan trọng để Wolkswagen tự tin có thể thâu tóm Porsche đó là tình hình kinh doanh cực kỳ thuận lợi của hãng. Không chỉ thành công trên thị trường truyền thống như Hoa Kỳ và châu Âu, Volkswagen còn đạt được lợi nhuận lớn trên các thị trường đầy tiềm năng là Trung Quốc, Ấn Độ… Lợi nhuận cuả hãng năm 2010 là 6,84 tỷ euro, một con số mà Volkswagen cho là “thành công nhất từ trước đến nay”.

Thâu tóm Porsche, Wolkswagen đặt mục tiêu doanh số 10 triệu xe vào năm 2018 và vượt Toyota trở thành nhà chế tao ô tô số 1 thế giới.

Liên minh nhưng không sát nhập

Bắt đầu được hình thành từ tháng 3 năm 1999, liên minh Renault-Nissan là một trong liên minh sản xuất ô tô lớn nhất trên thế giới với doanh số bán hàng là 7,2 triệu xe trong năm 2010, xếp vị trí thứ ba trong các nhà sản xuất ô tô có doanh số bán ra lớn nhất.

Renault-Nissan được coi là một liên minh “kiểu mẫu”, thành công và ổn định nhất trong ngành công nghiệp ô tô. 2010 là một năm đáng nhớ của Renault-Nissan, với doanh số kỷ lục chính xác là 7.276.398 xe tiêu thụ toàn cầu, tăng 19,6% so với năm 2009. Liên minh sản xuất ô tô Pháp-Nhật này cho biết doanh số trên chiếm thị phần 10,3% tiêu thụ toàn cầu. Liên minh bao gồm 5 thương hiệu lớn mang tính toàn cầu: Dacia, Infiniti, Nissan, Renault và Renault Samsung và được điều hành bởi hai công ty riêng biệt là Renault SA và Nissan Motor Nhật Bản.

Cuối năm 2010, liên minh đã ra mắt chiếc Nissan LEAF, chiếc xe hoàn toàn chạy bằng điện giá cả phải chăng đầu tiên trên thế giới dành cho thị trường đại chúng. Nissan LEAF là chiếc xe đầu tiên trong ít nhất 8 chiếc xe điện khác nhau của Liên minh nhắm tới cuộc cách mạng hóa việc di chuyển với tiêu chuẩn khí thải bằng không.

Tuy có mối quan hệ rất khăng khít, song hãng xe Pháp Renault lại không mặn mà với việc sát nhập.

Ông Carlos Ghosn, CEO Renault cho biết: “Renault và Nissan chưa nghĩ đến việc sáp nhập. Việc sáp nhập hai công ty chỉ gây ảnh hưởng đến sự khác biệt về văn hóa. Bên cạnh đó, cả hai hãng đều muốn duy trì sự độc lập. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mối liên minh giữa Renault và Nissan sẽ chấm dứt. Thay vào đó, hai hãng xe đến từ những châu lục khác nhau còn lên kế hoạch tiếp tục hợp tác và mở rộng liên minh trong những phân khúc chưa khai thác”.

Tháng 2-2011, hãng xe Pháp đã trình làng kế hoạch mang tên “Renault 2016 – Drive the Change” (Renault 2006 – Tiến tới thay đổi) với 2 mục tiêu chính dự định hoàn thành trong vòng 5 năm tới. Theo đó, Renault sẽ giới thiệu một số mẫu xe mới tại những thị trường đang nổi, bao gồm Ấn Độ với một tân binh dòng SUV ra đời vào năm 2012. Ngoài ra, Renault còn bắt đầu phân phối Fluence và Koleos tại Ấn Độ trong năm nay.

Không đình đám như Renault-Nissan, liên minh Hyundai-Kia đang âm thầm tiến những bước rất vững chắc.

Đại diện tập đoàn Hyundai tại Mỹ cho biết, lượng xe bán ra của thương hiệu này trong tháng Ba là 61.873 xe, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán ra trong quý I năm 2011 của Hyundai là 142.620 xe, tăng 28% so với năm ngoái và là mức cao nhất tính theo cả tháng và quý.

Ngày 3-4-2011, đại diện của thương hiệu Kia tại Mỹ cũng cho biết, doanh số bán ra của thương hiệu này đạt 44.179 chiếc xe, tăng 44,7% so với năm ngoái và là mức bán ra theo tháng cao nhất kể từ sau khi Kia tiến vào thị trường Mỹ.

Trước đó, trong công bố ngày 15-1-2011, Hyundai-Kia đã bán được 620.911 xe tại châu Âu trong năm 2010, tăng 4,6% so với năm 2009, qua đó vượt mặt nhà sản xuất ô tô số 1 thế giới Toyota tại thị trường châu Âu.

Theo TBKTSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seventeen − 3 =

To Top