Connect with us

Muôn mặt công nghệ Gameshow

Quảng bá thương hiệu

Muôn mặt công nghệ Gameshow

Ngày 1.1.2012, chương trình SV 2012 lên sóng VTV3. Khán giả, đặc biệt là những người cách đây 16 năm là sinh viên, thì cảm thấy bồi hồi và ít nhiều thú vị. Nhưng với riêng những ai quan sát sự phát triển của truyền hình ở Việt Nam thì cái mốc đó còn mang một ý nghĩa khác. 

Cú hích của sức hút truyền hình

Cùng với Trò chơi liên tỉnh (cũng được phát trên VTV3), SV 96 là một trong những chương trình giải trí trên truyền hình mà người ta quen với tên gọi gameshow đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Chỉ trong vòng năm năm tiếp theo, trên các kênh truyền hình được phủ sóng rộng rãi nhất như VTV3, đài Truyền hình Hà Nội hay đài Truyền hình TP.HCM (HTV) bắt đầu xuất hiện nhiều hơn các chương trình gameshow và tạo nên một “cú hích” không nhỏ về sức hút của truyền hình đối với khán giả trong nước. “Đó giống như thời kỳ chúng ta mày mò học cách làm gameshow ở Việt Nam vậy. Nhà đài làm quen với việc tổ chức sản xuất, cách doanh nghiệp làm quen với hình thức quảng cáo mới trên gameshow, khán giả làm quen với một cách xem truyền hình mới vừa cuốn hút hơn mà lại có thể tương tác được”, anh Mai Đức Phương, vốn là chuyên viên kỹ thuật của gameshow Đuổi hình bắt chữ trên đài Truyền hình Hà Nội nhớ lại.

Có những chương trình được nội địa hoá như Đuổi hình bắt chữ, Làng vui chơi – Làng ca hát hay Đường lên đỉnh Olympia. Cũng có những chương trình được mua bản quyền nước ngoài và “Việt Nam hoá” như Chiếc nón kỳ diệu hay Ai là triệu phú. Cũng có những chương trình ăn theo ý tưởng của chương trình nước ngoài như Sao Mai điểm hẹn, cuộc thi ca nhạc truyền hình được cho là giống với American Idol của Mỹ. Tất cả đều được xây dựng nội dung theo công thức MC – người chơi – khán giả, các gameshow có tính chất “tĩnh” – theo hình thức hỏi đáp với những tương tác vừa phải trong phạm vi trường quay. Sức hút với khán giả đến từ trải nghiệm truyền hình mới, có sự tương tác và những giải thưởng. Đến những năm 2005 – 2006, cuộc “bùng nổ” đầu tiên của gameshow trên truyền hình ở Việt Nam đã xảy ra. Khi đó giới truyền hình gọi là thời kỳ “nhà nhà làm gameshow, đài đài làm gameshow”.

Èo uột gameshow nội địa hoá

Ngay từ thời điểm đó khán giả truyền hình Việt Nam đã quen với tình trạng bật kênh nào cũng có gameshow. Nhà đài càng bận rộn hơn khi những chương trình có phần thưởng lớn đạt tới hàng ngàn người đăng ký tham gia. Ông Xuân Quang, trưởng tiểu ban các chương trình trò chơi truyền hình của HTV khi đó đã phát biểu: “Chúng tôi không ngại các đài khác tổ chức gameshow cạnh tranh với mình bởi điều quan trọng nhất không phải là tốc độ, hay số lượng mà là đường dài của chương trình”.

Chương trình gameshow mới nhất của VTV, chuyên mục Những bông hoa nhỏ, phiên bản 2012.

Nhưng đường dài quá lại khiến khán giả mệt và chán. “Các chương trình nội địa cạn vốn sáng tạo vì chúng ta chỉ xây dựng các chương trình theo công thức quá sơ khai của gameshow. Nhưng nhiều chương trình lại không bị rút khỏi sóng. Một trong nhiều lý do là công ty truyền thông vẫn ký được tài trợ và chương trình vẫn cứ chạy dù hay hay dở”, biên tập viên một đài truyền hình giải thích. Trong khi đó, rất nhiều chương trình gameshow nội địa vừa lên sóng thời gian ngắn đã phải “rút quân” như: Hát với ngôi sao, Đánh thức giai điệu… Giới trong nghề lý giải, một trong những nguyên nhân quan trọng của sự thoái trào các gameshow sản xuất trong nước là sự kém chuyên nghiệp và cách làm thiếu tính hợp tác trong quá trình sản xuất. Năm ngoái, dự án gameshow Ấn tượng Việt Nam, một chương trình quảng bá du lịch Việt Nam được truyền thông khá rầm rộ khi mới ra mắt, nhưng chỉ sau vài tuần lên sóng, gameshow này đã “biến mất một cách bí ẩn”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sự tham gia của quá nhiều đơn vị sản xuất và những bất đồng về nội dung, tổ chức… đã khiến gameshow này bị xoá sổ.

Khi SV 2012 trở lại, ông Lại Văn Sâm, trưởng ban giải trí và thông tin kinh tế của đài Truyền hình Việt Nam đã thừa nhận có quá nhiều lý do để Việt Nam chưa thể sản xuất được những gameshow nội địa hoá. “Không phải chúng ta không có những chương trình nội địa hoá tốt mà vấn đề là chúng ta không có một dạng công nghiệp sản xuất gameshow. Vì thế các chương trình làm ra rất khó đứng sóng lâu. Trong khi các chương trình mua bản quyền thì đã quá chuẩn rồi”, ông Sâm nói

Càng thêm dư luận, càng dày doanh thu

Kể từ sau thành công của chương trình Vietnam Idol mùa đầu tiên, hàng loạt chương trình truyền hình thực tế, gameshow nổi tiếng thế giới nhanh chóng bước vào thị trường giải trí Việt Nam. Và dù khán giả có bình phẩm, chê bai nặng lời, thậm chí phẫn nộ thì lợi nhuận thu được vẫn cứ tăng đều.

Bốn chương trình đang chiếm tỷ lệ rating (người xem) và thu hút quảng cáo cao nhất là Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent, Cặp đôi hoàn hảo và Bước nhảy hoàn vũ do hai “đại gia” BHD và Cát Tiên Sa nắm giữ bản quyền tại thị trường Việt Nam. Với giá tính bằng triệu đô, nhà sản xuất, bên cạnh việc tạo ra giá trị tinh thần, nghệ thuật và giải trí cho khán giả, họ cũng phải tìm mọi cách, mọi kỹ thuật để đưa số lượng quảng cáo và giá quảng cáo lên cao nhất.

Không thể phủ nhận giá trị giải trí của các chương trình truyền hình kể trên. Không thể phủ nhận nhiều nhân tố mới được phát hiện và có cơ hội toả sáng từ những cuộc thi này. Nhưng cũng còn nguyên những dấu hỏi và những bức xúc của khán giả dành cho chương trình. Câu chuyện mẹ con Quỳnh Anh – cô bé chưa qua tuổi 18 bị đám đông “ném đá”, dè bỉu; Minh Hằng hát nhép giọng của một ca sĩ khác; giám khảo ABC bị nghi ngờ bênh vực thí sinh XYZ; hoặc thậm chí những nghi án mua giải thưởng – đều là những thắc mắc không bao giờ có lời đáp bởi không ai có thể biết đó là những câu chuyện phát sinh hay là scandal tự dàn dựng.

Tất cả giá trị mơ hồ đó đều không vượt qua những giá trị nhìn thấy được, có thể cân đo đong đếm từ sau mỗi mùa giải. BHD gần đây đã hạn chế làm phim truyền hình vì ít lời, thu hồi vốn lâu. Cát Tiên Sa cũng thừa nhận, lợi nhuận là lý do thứ hai mà họ ngưng phát triển sản xuất phim truyền hình để tập trung vào các sân chơi truyền hình thực tế và gameshow.

Bước nhảy hoàn vũ đang có giá quảng cáo đến 160 triệu đồng/30 giây

180 triệu đồng/30 giây và hơn thế nữa

Chiếm lĩnh các giờ vàng trên sóng của VTV3 và HTV7 đều là những chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài: Vietnam Idol, Cuộc đua kỳ thú, Hợp ca tranh tài, Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ, The Voice, Ai thông minh hơn học sinh lớp 5 , Đồ Rê Mí… Những kênh truyền hình này đang được xem là đất vàng. Các nhà sản xuất lớn thay nhau nắm giữ giờ phát sóng cố định.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, giám đốc công ty Cát Tiên Sa, Bước nhảy hoàn vũ đã qua mùa thứ ba mà lợi nhuận, số lượng quảng cáo, lượng người xem vẫn tăng đều. Có chương trình số spot quảng cáo tăng đến gấp đôi dự kiến. Miếng bánh lợi nhuận này được chia đều cho nhà sản xuất và nhà đài.

Vietnam’s Got Talent vừa kết thúc, với chương trình khoảng một tiếng nhưng hầu hết các vòng thi cuối, chương trình đều vượt 20 phút so với ban đầu. Đối với Bước nhảy hoàn vũ, số lượng quảng cáo cũng dày đặc giữa các phần thi đến nỗi đây là chương trình được xem dài nhất hiện nay. Bước nhảy hoàn vũ hiện có giá quảng cáo lên đến 160 triệu đồng/spot 30 giây. Ước lượng trung bình, với khoảng 30 phút quảng cáo/chương trình, nhà đài và nhà sản xuất thu về khoảng 9,6 tỉ đồng! Trước đó, vòng cuối của Vietnam’s Got Talent có giá còn cao hơn: khoảng 180 triệu/spot 30 giây. Và con số nhân lên từ đây giải thích vì sao giá bản quyền lên đến triệu đô thì nhà sản xuất vẫn chấp nhận mua.

Một “giá trị cộng thêm” cho nhà sản xuất là việc nhắn tin trong mỗi cuộc thi. Với 3.000 – 5.000 đồng/tin nhắn, miếng bánh lợi nhuận phình thêm ra một chút, từ vài trăm triệu đến vài tỉ tuỳ quy mô cuộc thi và càng vào vòng trong, càng gia tăng.

Chính vì độ “hot” và lợi nhuận thu được mà ngày càng nhiều chương trình nước ngoài sẽ xuất hiện tại Việt Nam. The Amazing Race (Cuộc đua kỳ thú) đang phát sóng nhưng không ai biết trước sẽ bất ngờ “nóng” lên khi nào bởi BHD luôn là một công ty nhiều chiêu trò. The Voice (Giọng hát Việt) dự kiến sẽ chiếm lĩnh sự quan tâm trong thời gian tới. Và ít nhất có bốn chương trình sẽ chính thức xuất hiện, bắt đầu từ 1.1.2013 gồm Got to dance, The Voice Kids, X-Factor và một chương trình về DJ.

Và đó chính là lúc các chương trình “made in Vietnam” như Sao Mai, Tiếng hát truyền hình… sẽ đứng trước những thách thức phải thay đổi mình.

Theo SGTT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × 5 =

To Top