Connect with us

“Made in China” thất bại, Trung Quốc lén lút thâu tóm thương hiệu ngoại

Tình huống thương hiệu

“Made in China” thất bại, Trung Quốc lén lút thâu tóm thương hiệu ngoại

Không thể xóa mối ác cảm của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa “Made in China”, việc bỏ tiền làm các thương hiệu Trung Quốc là vô vọng nên họ đang làm cách khác: Mua đứt các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.

Theo nguồn tin của tờ Globe (Israel), tập đoàn dược phẩm Fosun Pharma vừa thâu tóm thành công Alma Laser – một hãng chuyên sản xuất thiết bị y tế hàng đầu của Israel. Trị giá của bản hợp đồng này là 240 triệu USD và nó sẽ mở ra cơ hội cho Trung Quốc chiếm lĩnh gần 15% thị trường chăm sóc sắc đẹp cao cấp trên thế giới. Không chỉ có vậy, Fusan Pharma sẽ có cơ hội tiếp cận các công nghệ sản xuất thiết bị laser, quang học và siêu âm y tế… điều mà các doanh nghiệp khác của Trung Quốc “có mơ cũng không thể nghĩ mình làm được”.

Cũng mới đây, ngày 24/4/2013, một công ty Trung Quốc là China Haidian đã gây ngạc nhiên cho giới tiêu dùng hàng xa xỉ thế giới bằng việc mua lại hãng đồng hồ Corum của Thụy Sỹ với giá 86 triệu franc Thụy Sĩ (90,9 triệu USD).

Hãng đồng hồ Corum, được thành lập năm 1955, hiện có hơn 600 cửa hàng bán lẻ trên khắp thế giới. Hãng nổi tiếng với các loại đồng hồ khảm vàng và đá quý có giá từ hơn 4.000 euro đến hàng triệu euro. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn với tay với một biểu tượng của nước Anh là xe taxi sơn đen. Công ty Zhejiang Geely Holding Group (Triết Giang) đang tiến hành đàm phán để mua lại Manganese Bronze Holding – nhà sản xuất của dòng xe lịch sử này.

Trước đó, Trung Quốc đã từng “nuốt chửng” 2 thương hiệu ô tô cũng khá nổi tiếng khác của thế giới là Rover và Volvo. Một thương vụ khá đình đám và tiêu tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông thế giới trong thời gian qua là việc hãng dầu khí Trung Quốc CNOOC đã thành công trong việc mua lại công ty dầu khí Nexen của Canada.

Phát biểu trên tờ RUVR (Đài tiếng nói nước Nga), nhà phân tích chính trị Sergei Markov khẳng định đây là một xu hướng đang phát triển mạnh trong cộng đồng các doanh nghiệp Trung Quốc nhằm từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới. Với nguồn tài chính ngày càng mạnh mẽ, sự bành trướng của Trung Quốc trên thị trường các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu sẽ còn tiếp tục trong một thời gian dài nữa. Đây cũng chính là một bước chuyển hướng khôn ngoan của Trung Quốc bởi họ đã rút ra được bài học về việc xây dựng các thương hiệu “Made in China” tốn kém mà hiệu quả lại rất thấp bởi ấn tượng xấu của người tiêu dùng rất khó bị loại bỏ.

“Trung Quốc đang chuyển sang chiến lược mua trọn các doanh nghiệp nước ngoài đã xây dựng thương hiệu thành công. Nếu trước kia họ thu hút công nghệ và cho phép đối tác phương Tây xây dựng nhà máy ở Trung Quốc, thì lúc này chiến lược của họ là mua lại các công ty uy tín và tận dụng tối đa công nghệ mới phục vụ nền kinh tế nội địa”, ông Sergei Markov nhận định.

Không chỉ tấn công vào thị trường sản phẩm hữu hình, Trung Quốc cũng đã bắt đầu “khai chiến” trên mặt trận sản phẩm dịch vụ và giải trí mà cụ thể nhất là việc Tập đoàn Dalian Wanda Group đã nắm quyền kiểm soát 346 cụm rạp chiếu phim ở Mỹ với khoảng 5.000 phòng chiếu sau khi mua lại mạng AMC Entertainment Holdings với giá hơn 2,6 tỷ USD.

Theo tiết lộ, bước tiếp theo sẽ là hai chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Tây Âu thuộc sở hữu của các công ty Odeon & UCI Cinemas Holding và Vue Entertainment hiện đang hoạt động ở 7 quốc gia châu Âu (Odeon & UCI) và Vue Entertainment – ở 5 nước với tổng số khoảng 3.300 màn hình lớn.

Điều đáng chú ý là song song với trào lưu mua lại các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu của các doanh nghiệp Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp trong nước của họ lại đang phải gánh chịu những thất bại rất nghiêm trọng. Theo kết quả kiểm toán năm 2012, riêng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã thâm hụt đến 8 tỷ USD. Hai năm liên tiếp, China Cosco Holdings Co đứng đầu danh sách các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ. “Chúa Chổm” đứng thứ 2 trong danh sách này Tổng công ty nhôm Trung Quốc (Aluminium Corp of China). Tiếp nối bảng xếp hạng thảm hại là tổng công ty luyện kim Metallurgical Corporation of China Ltd…

Theo Infonet

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

16 − 6 =

To Top