Tin quốc tế
Bong bóng dotcom và “bóng ma ngày cũ”
Chỉ trong vòng nửa năm trở lại đây, hàng tỷ đô la đang được “bơm” vào các công ty Internet trên toàn thế giới.Quy mô của làn sóng đầu tư vào các công ty Internet lần này lớn hơn rất nhiều so với thời những bong bóng dotcom bùng nổ cách đây chục năm.
Điều này lại làm dấy lên lo ngại về sự lởn vởn của những “bóng ma ngày cũ”.
Làn sóng bơm tiền
Các ngân hàng đang ùn ùn rót tiền vào các quỹ đầu tư công nghệ, những người giàu có cũng đua nhau kiếm một phần trong các công ty Internet mới. Cùng với sự háo hức của giới đầu tư, kỳ vọng của thị trường chứng khoán vào các công ty Internet bắt đầu tăng.
Với sự háo hức của giới đầu tư, giá trị và sức hấp dẫn của các công ty Internet mới đang tăng nhanh chóng. Đầu tư vào Facebook và Zynga đã tăng hơn 5 lần so với giá trị của mỗi công ty cách đây 2 năm. Trang mua sắm cộng đồng Groupon đang cân nhắc bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và hiện được định giá tới 25 tỷ USD. Chưa đầy một năm trước, công ty này được định giá có 1,4 tỷ USD.
Hàng loạt quỹ đầu tư danh tiếng đã và đang rót lượng vốn khổng lồ các công ty Internet. Goldman và JPMorgan Chase đã đầu tư vào các công ty Internet như Facebook và Twitter. Các quỹ đầu tư lớn khác như Fidelity Investments và T.Rowe Price đang đặt kỳ vọng lớn vào các công ty Internet mới như Groupon và Zynga.
Thomas Weisel, người sáng lập ngân hàng đầu tư Thomas Weisel Partners Group, giàu lên trong lần bùng nổ dotcom đầu tiên, nói ông rất “sửng sốt” bởi số tiền đang tràn ngập thị trường Internet. “Tôi nghĩ làn sóng đầu tư Internet hiện giờ lớn hơn nhiều”, ông nói. “Số lượng quỹ đầu tư đang tìm đến những công ty Internet hiện tại lớn hơn nhiều so với những gì bạn thấy vào năm 2000”.
Thế nhưng một số nhà đầu tư chưa thể quên nổi sự đổ vỡ thị trường Internet, được gọi với cái tên bong bóng dotcom, cách đây một thập kỷ đang băn khoăn liệu sự bùng nổ đột biến hoạt động đầu tư vào các công ty Internet hiện nay có gây nguy hiểm đến ngành Internet một lần nữa.
Sự khác biệt?
Tuy nhiên, có những khác biệt giữa bùng nổ dotcom vào thời điểm chuyển giao thế kỷ và hiện nay. Một trong những điểm khác biệt đó là thị trường chứng khoán hiện nay không tràn ngập các công ty IPO. Trong năm 1999, có 308 công ty công nghệ tiến hành IPO, chiếm nửa số công ty thực hiện IPO trong năm đó, theo số liệu của Morgan Stanley. Nhưng trong năm 2010, chỉ có 20 công ty công nghệ IPO, theo số liệu của Thomson Reuters.
Một điểm khác biệt khác quan trọng hơn là các công ty Internet mới hiện được nhiều nhà đầu tư quan tâm đều đang kinh doanh thực sự, không chỉ là ý tưởng khả thi như những năm 1999 và 2000. Các công ty như Facebook có doanh thu đang tăng trưởng nhanh và bắt đầu có lợi nhuận từ tháng 6/2009. Mạng xã hội này được dự báo đạt hàng tỷ USD doanh thu trong năm nay. Bên cạnh đó, vào năm 1999, cả thế giới chỉ có 248 triệu người dùng Internet (chưa đầy 5% dân số thế giới). Trong khi đó, hiện nay Internet băng rộng và điện toán cá nhân hiện nay đã trở nên phổ biến. Trung bình một trong 3 người trên thế giới đang sử dụng Internet, khoảng 2 tỷ người, theo số liệu của Internet World Stats, công ty thu thập những số liệu về Internet.
“Trước đây, các công ty rất nhỏ có kế hoạch kinh doanh là đã có thể thu hút vốn đầu tư”, Stefan Nagel, giáo sư tài chính ở đại học Stanford nói. “Hiện nay, giới đầu tư đang tập trung vào một vài công ty và đó đều là những công ty đã có mặt trên thị trường toàn cầu và có doanh thu.”
Một số nhà đầu tư cho rằng với việc nguồn vốn đầu tư chỉ dồn vào một số ít công ty có chất lượng, khả năng đổ vỡ thị trường Internet sẽ hạn chế hơn rất nhiều so với cách đây chục năm. “Đúng là chúng ta lại đang điên cuồng trở lại với thị trường Internet”, Lise Buyer, chuyên gia của công ty chuyên tư vấn IPO Class V Group nói. “Nhưng sự điên cuồng của giới đầu tư hiện nay tập trung vào một nhóm công ty rất chọn lọc”.
Với giới tài chính phố Wall, sức hấp dẫn với các công ty Internet trong những năm 1990 là cơ hội để kiếm lời từ việc đưa các công ty ra thị trường, cụ thể là IPO. Nhưng vào thời kỳ đó, giới đầu tư ồ ạt nhảy vào các công ty liên quan đến công nghệ. Các ngân hàng đua nhau lập quỹ đầu tư công nghệ. Vào năm 1998, ngân hàng Goldman Sachs đã ra mắt quỹ đầu tư 2,8 tỷ USD tập trung rót tiền vào các cổ phiếu Internet. Trước khi ra mắt quỹ đó, ngân hàng này đã đầu tư không dưới 30 chục dự án công nghệ trong thời gian từ năm 1992 đến năm 1998, theo tài liệu của Goldman Sachs. Và chỉ trong hai năm, 1999 và 2000, ngân hàng này đã bơm tiền vào 56 dự án liên quan đến công nghệ, trung bình 27 triệu USD với mỗi dự án. Tổng cộng, Goldman Sachs đã đầu tư 1,7 tỷ USD vào các công ty công nghệ và mất trắng khoảng 40% sau khi bong bóng dotcom nổ tung vào cuối năm 2000.
Những “bóng ma ngày cũ”
Philip A. Cooper, phụ trách đầu tư vào các công ty công nghệ của Goldman Sach vào năm 1999 kể lại, khi đó các nhà đầu tư rất háo hức với các dự án Internet. “Chúng tôi muốn tập trung cho công nghệ, càng nhiều càng ít”, ông nói.
Các công ty tài chính khác ở phố Wall, như JPMorgan Chase và Morgan Stanley, cũng rót khá nhiều tiền vào các công ty công nghệ vào thời kỳ đó. Vào năm 1999, Morgan Stanley phối hợp cùng Goldman Sachs và nhiều nhà đầu tư khác đã bơm 280 triệu USD vào CarsDirect.com, công ty đã từ bỏ kế hoạch IPO khi thị trường Internet đổ vỡ vào năm 2000.
“Chúng tôi đã nghĩ chúng tôi sẽ nhân đôi số tiền đầu tư của mình chỉ trong vài tuần”, Howard Lindzon, giám đốc quỹ đầu tư Lindzon Capital Partners và từng là nhà đầu tư vào CarsDirect.com nói. “Không ai có bất kỳ sự do dự nào khi đầu tư vào công nghệ thời đó”. Ông Lindzon đã mất hơn 200.000 USD vào CarsDirect.com.
Cũng trong năm 1999, quỹ đầu tư Chase Capital Partners (sau này trở thành một phần của JPMorgan Chase) đã đầu tư vào Kozmo.com, dịch vụ giao vận trực tuyến đã thu hút được hàng trăm triệu USD đầu tư mạo hiểm. Ở thời điểm đó, Chase Capital Partners đã gọi Kozmo.com là “một nguồn lực thiết yếu với người tiêu dùng”. Ở thời điểm đỉnh cao, mạng lưới nhân viên tham gia vào hoạt động đầu tư công nghệ của quỹ này đã lên tới hơn 1.000 người. Đến năm 2001, quỹ này ngừng hoạt động.
Webvan, hệ thống bách hóa trực tuyến, là một trong những thương vụ IPO được đánh giá cao nhất trong thời kỳ dotcom. Doanh nghiệp này đã thu hút được gần 1 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm như Softbank của Nhật, Sequoia Capital và cả Goldman Sachs. Goldman đã đầu tư khoảng 100 triệu USD vào công ty này. Vào những ngày đầu, các nhà đầu tư đã rất hồ hởi khi định giá thị trường của Webvan tăng khoảng 65% và đạt ở mức 8 tỷ USD vào năm 1999. Chưa đầy 2 năm sau, Webvan phá sản.
Vào thời kỳ đó, các quỹ đầu tư công nghệ mọc lên như nấm sau mưa. Từ chỗ chỉ có vài quỹ đầu tư vào đầu năm 1999, chỉ sau một năm đã có tới hơn 40 quỹ đầu tư công nghệ mới xuất hiện. Quỹ Merrill Lynch Internet Strategies ra đời vào tháng 3/2000, gần thời điểm đỉnh cao của thị trường Internet, với 1 tỷ USD tài sản. Khoảng một năm sau, giá trị tài sản của quỹ này đã giảm mất 70% và sau đó bị đóng cửa để sáp nhập vào quỹ khác.
“Tất cả chúng tôi khi đó đều thấy mọi thứ liên quan đến công nghệ rất nóng bỏng và hấp dẫn”, Paul Meeks, người quản lý quỹ Merrill Lynch Internet Strategies nói. Ông Meeks đã mở 6 quỹ đầu tư công nghệ cho tập đoàn tài chính Merrill Lynch từ năm 1998 đến năm 2000.
Có tránh được “vết xe đổ”?
Chính vì cái dớp của quá khứ quá lớn, sự xuất hiện của làn sóng ngân hàng và nhà đầu tư phố Wall đang rót vốn vào các công ty Internet đã gây ra lo ngại đi vào “vết xe đổ” đối với một số nhà đầu tư. Trong vòng 5 tháng vừa qua, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm đã gây được những khoản vốn khổng lồ. Accel Partners, một trong các nhà đầu tư vào Facebook vừa gây được 2 tỷ USD vốn để đầu tư vào Trung Quốc và Mỹ, trong khi Bessemer Venture Partners cho biết họ đang chuẩn bị thành lập quỹ đầu tư công nghệ với khoản vốn 1,5 tỷ USD. Greylock Partners, Sequoia Capital, Andreessen Horowitz và Kleiner Perkins Caufield & Byers cũng đã gây được hơn 3 tỷ USD trong 6 tháng vừa qua để đầu tư vào các dự án công nghệ.
Một số nhà đầu tư lo ngại khi lượng vốn quá lớn đổ về một số ít công ty Internet thành danh điển hình như Facebook, Zynga hay Groupon sẽ khó phát huy hiệu quả sinh lời hoặc dẫn đến định giá quá cao. Lo ngại này không phải không có cơ sở khi mà cả những công ty đang thua lỗ như Twitter cũng được định giá tới cả chục tỷ USD.
Theo ICT News