Connect with us

Cổ phần hóa Vietnam Airlines: Hấp dẫn đến đâu?

Tin trong nước

Cổ phần hóa Vietnam Airlines: Hấp dẫn đến đâu?

Một chuyên gia cho biết, chỉ khi sau cổ phần hóa, quá trình tái cơ cấu đã diễn ra, có chăng cổ phiếu Vietnam Airlines mới tạo được sự hấp dẫn nhất định.

Việc cổ phần hóa Vietnam Airlines chỉ có một điểm duy nhất hấp dẫn giới đầu tư là yếu tố độc quyền của Tổng Công ty này.

Đề án cổ phần hóa Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và một số công ty con hiện nay đang trong giai đoạn trình Quốc hội trước quý II/2012. Sự kiện này liệu có mang lại niềm vui cho giới đầu tư trong nước trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang rất ảm đạm?

Hiện giờ, nhà đầu tư chỉ biết được một số thông tin liên quan đến kế hoạch này. Đó là Nhà nước sẽ giữ trên 50% vốn điều lệ đối với công ty mẹ. Vietnam Airlines và công ty mẹ sẽ giữ trên 50% vốn điều lệ của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một Thành viên Xăng dầu Hàng không (Vinapco) khi công ty này cổ phần hóa. Đồng thời, Tổng Công ty Hàng không cũng quyết định tỉ lệ cổ phần nắm giữ tại 3 xí nghiệp, gồm Xí nghiệp Thương mại mặt đất Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, bao nhiêu công ty sẽ được cổ phần hóa, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược sẽ được mua bao nhiêu phần trăm… là những điều vẫn còn đang được xây dựng.

Cho đến khi thông tin này đến được với nhà đầu tư trong nước, điểm hấp dẫn duy nhất của đề án vẫn là yếu tố độc quyền.

Tuy nhiên, lợi thế độc quyền có vẻ chưa đủ để hấp dẫn mạnh đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ông Louis Nguyễn, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư SaiGon Asset Management (SAM) cho biết đã từ lâu và đến bây giờ ông vẫn muốn mua cổ phần của Vietnam Airlines. “Ai cũng muốn mua được cổ phần của một doanh nghiệp độc quyền, nắm phần lớn thị phần trên thị trường”, ông cho biết. Tuy nhiên, để kích thích thị trường tốt hơn, ông Louis cho rằng Nhà nước cần phải kết hợp thực hiện một số yếu tố khác nữa. Thứ nhất là nên đưa ra mức giá hợp lý. Thực tế, sau những đợt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với mức giá trên dưới 100.000 đồng/cổ phiếu, không ít nhà đầu tư, trong đó có SAM, đã phải nếm trái đắng vì cổ phiếu giảm giá sau đó. Ông Louis cũng đề nghị mở room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn cùng việc cổ phần hóa nhiều hơn nữa các tổng công ty nhà nước. Theo ông, hai điều này sẽ góp phần thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn.

Đối với các ngành độc quyền của Nhà nước, có ảnh hưởng lớn đến an ninh kinh tế, Chính phủ thường không muốn bán quá 30% cổ phần. Chẳng hạn như ở Vietcombank, trong lần cổ phần hóa lần đầu tiên, ngân hàng này chỉ bán 10% cổ phần. Mới đây, Vietcombank bán cho đối tác chiến lược là Ngân hàng Mizuho 15% trên số cổ phần phát hành thêm. Hiện Nhà nước vẫn còn nắm gần 70% cổ phần tại Vietcombank. Vị chuyên gia này cũng cho biết, rất có thể Nhà nước cũng sẽ không bán ra quá 30% cổ phần tại Vietnam Airlines. Và ngay trong lần đầu cổ phần hóa, 20% là tỉ lệ phần nhiều được nhắm đến để bán cho nhà đầu tư.

Một chuyên gia về tài chính trong nước cho rằng chỉ khi sau cổ phần hóa, quá trình tái cơ cấu đã diễn ra, có chăng cổ phiếu này mới tạo được sự hấp dẫn nhất định. Đó là lý do vì sao ông cân nhắc mua cổ phiếu Vietnam Airlines sau khi Tổng Công ty này cổ phần hóa xong chứ không mua trước.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

two × 4 =

To Top