Connect with us

Dồn dập đơn hàng từ Nhật

Tin trong nước

Dồn dập đơn hàng từ Nhật

Có nhiều tín hiệu cho thấy quan hệ làm ăn giữa Việt Nam với Nhật Bản đang trở nên sôi động. Từ sau thảm họa động đất ở đất nước mặt trời mọc, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh lượng hàng xuất khẩu vào đây.

Cơ hội đưa hàng sang thị trường Nhật Bản đang mở rộng khi nhu cầu hàng hóa của người dân nước này tăng cao cộng với hàng rào thuế quan được dỡ bỏ dần.

Tăng gấp 3-4 lần

Anh Nguyễn Minh Việt – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Greensun- Asoft, một công ty chuyên gia công phần mềm ở TP.HCM – hồ hởi: “Từ tháng 6 đến nay công ty phải làm hết công suất vì đơn hàng từ Nhật về quá nhiều. Điều này trái với thông lệ hằng năm bởi năm tài chính của đa số công ty Nhật bắt đầu từ tháng 4 nên qua tháng 6, tháng 7 công việc vẫn còn thủng thẳng”. Theo anh Việt, hoạt động gia công phần mềm cho Nhật trong các lĩnh vực sản xuất, tài chính, ngân hàng… giảm sút nhưng gia công phần mềm các loại trò chơi, đọc sách dùng trên máy tính bảng iPad hay điện thoại thông minh iPhone và thương mại điện tử lại tăng mạnh. Anh Việt dự kiến tăng trưởng năm nay sẽ gấp 3-4 lần năm ngoái, thời điểm thị trường đi xuống nghiêm trọng.

Tương tự, bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc Sài Gòn Food, cho biết 70% hàng xuất khẩu của công ty là sang thị trường Nhật Bản với khoảng 350 tấn hải sản thành phẩm, kim ngạch xuất khẩu 1 triệu USD. Từ tháng 4 đến nay, tình hình xuất khẩu sang thị trường này tăng nhẹ do nhu cầu nhập khẩu thực phẩm sau sự cố động đất, sóng thần cao hơn. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng hàng xuất khẩu tăng 10%. Đáng lưu ý, vòng xoay giao hàng rút ngắn lại còn dưới một tháng.

Không chỉ mặt hàng thủy hải sản, các mặt hàng xuất khẩu chính của VN sang Nhật Bản còn có hàng dệt may; gỗ và các sản phẩm gỗ; dây cáp điện; máy móc, thiết bị, sản phẩm điện tử và linh kiện; gạo; dầu thô… Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu dệt may sang thị trường này đã tăng trưởng 20% nhờ Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản đem lại và sau đó là hiệp định VJEPA (Hiệp định đối tác kinh tế Việt – Nhật). Những năm gần đây, xuất khẩu dệt may của VN vào Nhật tăng bình quân 12%. Thị trường Nhật có mức tiêu thụ quần áo hằng năm tới 3,7 tỉ USD, trong đó chỉ có 5% được sản xuất tại Nhật, còn lại được nhập khẩu từ Trung Quốc, EU, Mỹ…

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), ngoài việc giảm thuế thì một số ngành như quảng cáo, nghiên cứu thị trường, tư vấn quản lý và kiểm định kỹ thuật phía Nhật Bản cũng không hạn chế các nhà cung cấp dịch vụ của VN. Tuy nhiên, đầu tư lĩnh vực này của VN còn khá hạn chế.

Cốt lõi là chất lượng

Trưa 24-7 những hành khách chuẩn bị rời sân bay Narita (Nhật Bản) về TP.HCM một phen ngạc nhiên khi có hai người đàn ông trong bộ đồng phục tương tự nhân viên thú y ở VN tiến lại cúi chào rồi hai tay trao tặng mỗi người một bao nilông đựng khăn giấy. Sau phút ngỡ ngàng, nhiều người mở ra xem mới phát hiện bên trong là tờ rơi thông báo những loại trái cây không được phép nhập vào Nhật Bản. Tờ rơi này ghi những hướng dẫn chủ yếu bằng tiếng Nhật do Bộ Nông nghiệp, rừng và hải sản Nhật phát hành. Một du khách Nhật giải thích tờ rơi này nhắc nhở người Nhật sau khi xuất ngoại trở về không được mua theo những loại trái cây như thanh long, chuối, táo, đu đủ, măng cụt… vì bị cấm nhập khẩu vào nước này.

Biện pháp đề phòng từ xa này của Nhật cho thấy thị trường của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này không hề dễ đối với hàng nhập khẩu.

Không giống thị trường châu Âu chỉ tập trung vào sản phẩm cuối cùng, các doanh nghiệp nhập khẩu Nhật rất coi trọng quá trình sản xuất, họ giám sát xuyên suốt quá trình, phải thấy được hàng hóa, sản phẩm được làm ra như thế nào. Theo bà Lâm, nếu doanh nghiệp tự chủ nguồn nguyên phụ liệu, chủ động giới thiệu mẫu mã cho đối tác Nhật cũng là cách để chiếm thêm thị phần. Nhưng nguyên tắc cốt lõi vẫn là phải xây dựng được sự tin cậy lẫn nhau.

Ông Cao Tiến Vị, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Giấy Sài Gòn, chia sẻ kinh nghiệm: chỉ cần một sản phẩm trong lô hàng bị lỗi về nhãn mác như mép keo bong ra thì toàn bộ lô hàng đó sẽ bị trả lại. Làm ăn với Nhật giá cả có thể đàm phán chứ không bao giờ đàm phán chất lượng. Bài học mà các doanh nghiệp VN phải học thuộc, theo các chuyên gia ngoại thương, là chất lượng kém không chỉ bị trả hàng, mà sau đó là một hàng rào quản lý chất lượng khắt khe được dựng lên. Người Nhật chấp nhận mua giá cao nhưng họ muốn giá phải được duy trì ở một mức ổn định trong một khoảng thời gian.

Mặc dù số liệu hàng hóa VN xuất khẩu vào Nhật tăng qua các năm, nhưng qua khảo sát cho thấy sự xuất hiện của hàng hóa VN trên quầy kệ trong các siêu thị ở Tokyo rất khiêm tốn. Một vài mặt hàng may mặc, mỹ phẩm có ghi “made in VN” nhưng mang thương hiệu Nhật. Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), một trong những điểm yếu hiện nay là các doanh nghiệp VN vẫn chưa hiểu thấu đáo về thị trường Nhật Bản. Sắp tới, ITPC sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hỗ trợ các ngành hàng thực phẩm chế biến và thủ công mỹ nghệ, quà tặng.

Theo Tuổi Trẻ

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 + 6 =

To Top