Tin trong nước
Mất dần hợp đồng xuất khẩu đồ gỗ
Trong 6 tháng đầu năm 2011, giá nguyên liệu cho ngành gỗ đã tăng trung bình từ 15-20% trong khi giá sản phẩm tăng chưa đến 3%, khiến nhiều doanh nghiệp không muốn ký những hợp đồng xuất khẩu mới trong thời gian tới vì sợ thua lỗ.Vì vậy, nhiều nhà nhập khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ đã chuyển sang ký hợp đồng với doanh nghiệp Indonesia thay vì với Việt Nam.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biết tại hội thảo về giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ do Hawa cùng công ty D&B tổ chức ngày 14-7 tại TPHCM.
Theo ông Thắng, thời gian qua do thương nhân Trung Quốc mua gỗ với khối lượng lớn khiến một số loại gỗ để làm nguyên liệu cho chế biến thủ công mỹ nghệ tăng từ 30- 50% so với mức trung bình chung. Cụ thể, hai loại gỗ có mức tăng mạnh nhất là gỗ cao su, tăng từ hơn 4.000.000 đồng/mét khối lên 6.000.000 đồng/ mét khối, gỗ tràm từ 3.200.000 đồng/mét khối lên 4.000.000 đồng/mét khối.
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Kiến Phúc (Đồng Nai) cho biết, để đáp ứng đơn hàng đã ký từ đầu năm 2011 và giữ uy tính với khách hàng, ông Thành phải chấp nhận mua gỗ nguyên liệu với giá cao hơn 30% so với năm ngoái nhưng không thể tăng được giá bán vì hợp đồng đã ký. Với giá đầu vào tăng cao như hiện nay thì doanh nghiệp chế biến đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ nào ký càng nhiều đơn hàng xuất khẩu thì càng lỗ nhiều.
Hiện cả nước có 2.526 doanh nghiệp, cơ sở đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, trong đó, chiếm 75% là cơ sở có số công nhân dưới 10 người. Vì vậy, theo một số doanh nghiệp tham dự hội thảo thì thời gian tới số cơ sở nhỏ này sẽ tự động giải tán vì không chịu được chi phí đầu vào tăng cao. Do đó, nhiều khả năng năm nay kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ sẽ không đạt mục tiêu 4 tỉ đô la Mỹ như đã đề ra từ đầu năm.
Theo TBKTSG