Connect with us

Facebook thâu tóm WhatsApp: Đắt cũng phải mua?

Tình huống thương hiệu

Facebook thâu tóm WhatsApp: Đắt cũng phải mua?

Theo ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, mức giá 19 tỷ USD mà Facebook trả để thâu tóm WhatsApp là một dấu hiệu cho thấy “sự tuyệt vọng”. Với quan điểm này, chuyên gia cho rằng, mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã “trả hớ” cho ứng dụng nhắn tin di động.

“Thật là một mức giá điên rồ. Tôi cho là họ đã trả quá đắt trong vụ này. Họ làm vậy vì họ tuyệt vọng”, chuyên gia phân tích trưởng Rob Enderle thuộc công ty Enderle Group phát biểu trênh kênh CNBC hôm 20/2.

“Họ [Facebook] quá lo ngại về việc đang đánh mất người sử dụng, đến nỗi phải cố gắng tìm cách tăng số người dùng bằng cách mua lại những công ty có số lượng người dùng đông đảo. Tuy nhiên, điều này khiến tôi nhớ đến những chiến lược trong thời bong bóng dot-com và cảm thấy lo ngại”, ông Enderle bình luận.

Cho tới thời điểm hiện tại, WhatsApp là vụ thâu tóm lớn nhất của Facebook, vượt xa vụ Facebook chi 1 tỷ USD để sở hữu Instagram. Qua đó, có thể thấy, mạng xã hội này có tham vọng lớn chiếm lấy một phần của thị trường nhắn tin di động đang phát triển với tốc độ nhanh chóng.

Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg của Facebook đã có một đôi lần tìm cách nhảy vào thị trường nhắn tin di động. Năm ngoái, tỷ phú trẻ này chào mua ứng dụng chia sẻ hình ảnh trên di động Snapchat với mức giá 3 tỷ USD nhưng bị từ chối.

Các nhà phân tích nêu rõ, dù WhatsApp là một nền tảng tin nhắn có số lượng người dùng lớn, lên tới 450 triệu người dùng hàng tháng – trong đó 70% sử dụng hàng ngày – đến nay ứng dụng này vẫn có cách kiếm tiền khá thận trọng từ dịch vụ của mình. Mức phí của WhatsApp chỉ là 1 USD/năm sau năm đầu sử dụng miễn phí.

Ban đầu, các nhà đầu tư đã cảm thấy không thoải mái khi thương vụ trên được công bố, kéo giá cổ phiếu Facebook có thời điểm giảm 5%. “Phản ứng ban đầu cho thấy thị trường nghĩ rằng, vụ thâu tóm này thể hiện sự quản lý tồi. Các nhà đầu tư không hứng thú với những công ty không đưa ra được sự đánh giá tốt”, ông Enderle nói.

“Facebook đang mất dần sự chú ý của người sử dụng, và tìm cách mua lại sự chú ý đó thông qua mua các ứng dụng. Nhưng chưa chắc họ sẽ đạt mục đích, bởi họ đang mua người sử dụng tồn tại trên một nền tảng khác. Trong khi, đúng ra họ chỉ có được người sử dụng thông qua phát triển trang mà họ đang có”.

Tuy nhiên, khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/2 tại New York, giá cổ phiếu Facebook tăng 2,3%, đạt mức 69,63 USD/cổ phiếu.

Không phải chuyên gia nào cũng có cái nhìn u ám về thương vụ WhatsApp. Ông Rober Pavlik, chiến lược gia trưởng của công ty Banyan Partners, nhận định, Facebook “đang nỗ lực tìm kiếm một công ty tin nhắn giúp đưa họ tiến xa hơn. Zuckerber tin đây là tương lai cho lĩnh vực di động. Tôi tin là có tiềm năng thực sự để họ thành công”.

“Nhiều người có thể đặt ra những câu hỏi xung quanh thương vụ này, và gây áp lực đối với giá cổ phiếu Facebook. Nhưng thực tế là Facebook đang thực sự cố gắng và thành công ở phương diện nào đó trong việc kiếm tiền từ hoạt động của mình. Mua WhatsApp là một bước đi khác theo hướng đó”, ông Pavlik phát biểu.

Cũng có một số chuyên gia cho rằng, Facebook phải trả giá cao để thâu tóm ngay WhatsApp bởi nếu họ không làm vậy, sẽ có người khác mua mất ứng dụng này. Theo ông David Williams, CEO của công ty tư vấn đầu tư Williams Capital Advisors, mua WhatsApp là một bước đi mang tính phòng thủ của Facebook, vì Facebook không muốn bị đối thủ khác “hớt tay trên” trước khi WhatsApp thực sự trở thành một “cỗ máy in tiền”. 

“Đó là mức giá cao, nhưng Facebook vẫn phải mua, vì nếu không người khác sẽ mua”, ông Williams nói.

Về triển vọng của WhatsApp trong thời gian tới, các nhà chuyên môn cho rằng, cũng giống như hầu hết các vụ thâu tóm quy mô lớn khác, phải cần tới thời gian mới thấy được hiệu quả, và điều này sẽ tùy thuộc vào chiến lược và cách điều hành. “Ngoài mặt, Facebook đang mua một dịch vụ nhắn tin di động dẫn đầu thế giới dù WhatsApp không phải là số 1 ở tất cả các quốc gia. Ứng dụng này là một tài sản giá trị xét về cơ hội kiếm tiền”, nhà phân tích Mark May của Citi viết trong một báo cáo.

Chiến lược hiện nay của WhatsApp là “nói không” với quảng cáo và bán các trò chơi để phục vụ mục tiêu tăng trưởng số lượng người sử dụng. Tuy nhiên, theo ông May, cách làm của các ứng dụng tương tự như WeChat, Kakao Talk và Line cho thấy cơ hội tìm kiếm doanh thu rất lớn ở các lĩnh vực như bán trò chơi, sticker, thanh toán, thương mại điện tử trên di động…

Chuyên gia của Citi đánh giá, nếu WhatsApp có thể kiếm tiền như tốc độ của một số ứng dụng đối thủ, mức doanh thu hàng năm có thể lên tới 1,5-2 tỷ USD dựa trên số lượng người dùng như hiện nay.

Riêng tại khu vực châu Á, WhatsApp được tờ Wall Street Journal dự báo sẽ gặp nhiều thách thức không nhỏ trong việc thu hút thêm người dùng. Hiện WhatsApp đã phổ biến ở một số thị trường trong khu vực như Hồng Kông và Singapore, nhưng Line, WeChat và Kakao đã phát triển mạnh tại châu Á trong hai năm vừa qua, tạo ra một môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt.

Theo vneconomy 

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eight + seven =

To Top