Connect with us

Nhà sản xuất Mỹ hết chuộng châu Á

Tin quốc tế

Nhà sản xuất Mỹ hết chuộng châu Á

Do chi phí lao động tăng cao ở các thị trường mới nổi châu Á, các nhà sản xuất Mỹ đã tính đường quay về quê nhà.

Khi đứng trước câu hỏi “Nên xây dựng nhà máy sản xuất ở đâu?”, Trung Quốc, Việt Nam hay một nước đang phát triển có nguồn nhân công rẻ nào khác, các doanh nghiệp Mỹ cho biết họ còn một sự lựa chọn khác. Đối với họ, giải pháp “về tắm ao nhà” cũng có nhiều lợi ích về mặt kinh tế, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay.

Ao nhà vẫn hơn

Trào lưu thuê ngoài đã thuộc về dĩ vãng khi giá nhân công ở các quốc gia như Trung Quốc hay Việt Nam không còn rẻ như trước. Phân tích của hãng tư vấn Mỹ Boston Consulting Group (BCG) cho thấy giá nhân công ở Trung Quốc tăng 69% chỉ trong 5 năm từ 2005-2010 và dự báo sẽ còn tăng thêm 17% trong năm nay. Điều đó đã bào mòn đáng kể lợi nhuận của các công ty.

Danh sách các công ty rủ nhau về “tắm ao nhà” của BCG hiện có những cái tên như Caterpillar, chuyên sản xuất các loại xe công nghiệp, đã lui quân về Texas; hay Wham-O đã dời các cơ sở sản xuất đồ chơi ở Trung Quốc và Mexicô về Mỹ.

Ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia nhận ra lợi ích của việc đặt cơ sở sản xuất ở quê nhà. Khi giá dầu thô tăng cao, chi phí vận chuyển cũng trở nên đắt đỏ. Ngoài ra, giảm chi phí lưu kho cũng là bài toán đau đầu của các doanh nghiệp Mỹ.

Chính vì những lý do trên, các công ty tìm mọi cách nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng. Quốc gia có chi phí nhân công thấp nhất thế giới hẳn không còn là lựa chọn duy nhất.

Đường về còn xa

Ngày 10.5.2011, hãng ôtô Mỹ General Motors (GM) tuyên bố đầu tư 2 tỉ USD để mở rộng và nâng cao hoạt động sản xuất 17 nhà máy của Hãng tại Mỹ, tạo thêm 4.000 công ăn việc làm cho người dân. Động thái của GM được đánh giá là dấu hiệu tích cực, củng cố cho xu thế “về quê làm ăn” của các doanh nghiệp Mỹ.

Dù có nhiều tín hiệu khả quan nhưng hành trình trở về không phải lúc nào cũng dễ, nhất là với các công ty sản xuất hàng điện tử tiêu dùng. Sau nhiều thập niên ồ ạt đi thuê ngoài mà không đầu tư trong nước, các công ty đang phải đối mặt với cơ sở hạ tầng thiếu thốn, chưa sẵn sàng đón nhận làn sóng trở về. “Họ không nhận ra rằng hành trình trong quá khứ của họ là một đi không trở lại”, Giáo sư Gary Pisano thuộc Đại học Harvard nhận xét.

Quá trình chuyển đổi cần có thời gian. Trong lúc này, kế hoạch của các công ty đa quốc gia là tiếp tục xây dựng nhà xưởng mới ở các thị trường mới nổi một cách có chọn lọc và có chiến lược rõ ràng hơn. Đối với họ, những thị trường này không còn là nơi có thể tận dụng giá nhân công rẻ để sản xuất sản phẩm rồi chuyển về nước tiêu thụ. Hơn bao giờ hết, đây còn là những thị trường có nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng với tốc độ cao nhất thế giới mà họ không thể bỏ qua, dù hàng hóa được sản xuất tại Mỹ hay tại chính nền kinh tế mới nổi đó.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

five × 4 =

To Top