Tin trong nước
Ngành du lịch mất trắng khách lớn
Ngành du lịch VN gần như mất trắng những thị trường khách lớn nhất vào tay các công ty du lịch nước ngoài ngay trên sân nhà.Làm thuê
Từ năm 2004, con số khách Hàn Quốc tới VN tăng đột biến, lên đến 332.000 lượt. Từ đó đến nay, khách Hàn Quốc luôn dẫn đầu trong nhóm 5 thị trường khách quốc tế lớn nhất VN. Năm 2012, du lịch VN đón 700.917 lượt khách Hàn, tăng 30%; riêng 5 tháng đầu năm 2013 có tới 331.000 lượt khách Hàn vào VN, giữ mức tăng ổn định trong khi hàng loạt thị trường khách quốc tế khác suy giảm mạnh.
Khách Hàn Quốc tăng mạnh một phần nhờ chính sách miễn visa đơn phương của VN. Chính sách này cũng áp dụng cho cả 6 thị trường khách khác, gồm Nhật Bản, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Nga và Phần Lan. Trước mắt VN thất thu mỗi năm khoảng 50 triệu USD, đổi lại VN có được các nguồn thu khác như tăng xuất khẩu tại chỗ, tăng thu ngoại tệ…
Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn khách quan trọng là Nhật, Hàn, Nga vào VN chủ yếu “qua tay” các công ty liên doanh có góp vốn của đối tác là những doanh nghiệp bản xứ chứ không phải qua các công ty du lịch trong nước. Đơn cử như khách Hàn Quốc, dù số lượng vào VN rất đông nhưng hầu như ai trong ngành du lịch cũng biết, hầu hết đều qua các hãng lữ hành Hàn Quốc, hoạt động một cách âm thầm ở VN.
Các công ty du lịch “chui” của Hàn Quốc (chưa thực hiện điều kiện kinh doanh lữ hành theo quy định của luật Du lịch và chưa có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế do Tổng cục Du lịch cấp) đang thực hiện tour cho khách trọn gói ở VN (ví dụ ăn nhà hàng Hàn, ngủ khách sạn Hàn…), nên du lịch VN chẳng được hưởng lợi được mấy.
Nhiều chuyên gia trong ngành du lịch đặt nghi vấn về tình trạng “chuyển giá” trong lĩnh vực này. Chẳng hạn các công ty du lịch nước ngoài núp bóng ở VN sẽ ký hợp đồng thẳng với công ty mẹ ở Hàn Quốc của hệ thống khách sạn, nhà hàng trong nước đặt ở nước ngoài rồi chuyển tiền cho công ty mẹ. Các công ty mẹ này sẽ chuyển tiền lại cho công ty con ở trong nước với giá thấp hơn giá hợp đồng thực tế.
Quản lý lúng túng
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM, cho biết hiện nay, các công ty lữ hành báo cáo kết quả kinh doanh cho Tổng cục Du lịch và Sở VH-TT-DL theo định kỳ 6 tháng và cả năm với các nội dung như: khách nội địa; khách quốc tế vào VN (inbound); khách VN ra nước ngoài (outbound). Phần này, doanh nghiệp phải nêu rõ tổng số lượng khách đã phục vụ, ngày khách ở trung bình, giá tour trung bình/khách, phân chia giới tính, độ tuổi của khách… Trong khi trước đây, các công ty báo cáo khách (quốc tịch, số lượng) theo tháng.
Ông Khánh cho rằng, việc áp dụng chế độ báo cáo theo định kỳ 6 tháng và cả năm giảm bớt khối lượng công việc phải báo cáo của doanh nghiệp cho Sở (từ 12 lần/năm xuống còn 2 lần/năm) và Sở cũng nhập liệu thống kê đơn giản hơn. Tuy nhiên, quy định báo cáo khách theo châu lục và vùng lãnh thổ mà không phải theo quốc tịch là mấu chốt của các phức tạp hiện nay trên thị trường khách inbound ở VN.
Khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan đến VN nói chung và TP.HCM nói riêng rất đông, nhưng cơ quan quản lý không biết được hiện những công ty du lịch nào đang đón được lượng khách này. Vì thế, công tác quản lý hầu như bỏ ngỏ. Thỉnh thoảng, Thanh tra sở bất ngờ kiểm tra, phát hiện vài ba vụ hướng dẫn viên chui nước ngoài đang dẫn đoàn trái phép ở VN nhưng phạt cũng chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”. Song, mọi việc đâu lại hoàn đấy.
Các công ty du lịch chui, núp bóng vẫn cứ thế hoạt động, dù theo ông Khánh, Sở cũng đã phối hợp Thanh tra Bộ VH-TT-DL kiểm tra, xử phạt một số văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại VN (quốc tịch Hàn Quốc) và các doanh nghiệp lữ hành kinh doanh đưa khách Hàn Quốc vào VN trái phép.
Ông Lã Quốc Khánh cho biết thêm: “Chúng tôi đề xuất thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường đón khách Hàn Quốc, Trung Quốc vào VN để tập trung công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết chống lại những trường hợp tiếp tay cho doanh nghiệp du lịch nước ngoài đưa khách vào VN không đúng theo quy định của pháp luật”.
Theo Thanh Niên