Tin trong nước
Ngành bán lẻ Việt Nam hấp dẫn trong khu vực
Doanh số bán lẻ tại Việt Nam trong những tháng đầu năm 2014 này vẫn tăng khá ấn tượng so với các nước trong khu vực.Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor International, doanh số bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương khoảng 4.000 tỉ USD trong năm 2012 thì top 500 nhà bán lẻ hàng đầu là 1.000 tỉ USD, chiếm 24% tổng doanh số. Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn, nhiều tiềm năng dù cho kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn.
Giảm giá thường xuyên
Theo nhận định từ giới chuyên môn, thị trường bán lẻ đang chuyển dịch từ thị trường chín muồi sang thị trường hậu hiện đại. Thị trường đang dần tập trung và số lượng công ty giảm, một số nhà bán lẻ lớn thất bại, bất động sản bão hòa. Loại hình siêu trung tâm chiếm phần lớn khi ngành công nghiệp bán lẻ tiến hóa trong giai đoạn hậu hiện đại, kết thúc tăng trưởng sẽ là một thay đổi quan trọng trong thị trường bán lẻ cho cả các nhà bán lẻ và cung cấp.
Các nhà bán lẻ tìm kiếm sự tăng trưởng tương lai do không có kênh bán lẻ nào chiếm ưu thế tăng trưởng. Một phần sự phát triển đó thuộc các đại siêu thị trong giai đoạn chín muồi sẽ tập trung vào kênh giảm giá. Theo xu hướng, kênh giảm giá sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn hậu hiện đại. Các nhà bán lẻ hiện nay cũng như sắp tới nỗ lực, thường xuyên tung ra các chính sách, chương trình giảm giá để thu hút khách hàng.
Những nhân tố tác động đến thị trường phân phối toàn cầu là tốc độ thay đổi công nghệ, thay đổi về nhân khẩu học, hành vi mua sắm đòi hỏi trong suốt thông tin kết nối lâu dài và mua hàng dựa vào tri thức. Do đó, nhà bán lẻ phải chăm sóc khách hàng thường xuyên, với dịch vụ tốt nhất.
Sức ép
Năm 2015 là năm cơ hội và thách thức với ngành bán lẻ Việt Nam. Từ ngày 11/1/2015, Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo cam kết WTO và cũng là năm khu vực kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực. Lúc này, các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn, nhân lực dịch chuyển tự do và thuận lợi hơn trong nội khối. Thời điểm này, 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn về thuế quan.
Theo khảo sát cho thấy phần lớn các thương hiệu bán lẻ trong năm 2014 chọn Việt Nam ngang bằng với Hồng Kông, Singapore, thậm chí cao hơn cả Indonesia và Malaysia. Ba TP lớn Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng thuộc top 10 thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương do có dân số đông và trẻ, mức thu nhập sau thuế tăng trưởng mạnh, mạng lưới bán lẻ chất lượng nên hấp dẫn các doanh nghiệp đa quốc gia.
Năm 2013, Việt Nam có 8.546 chợ, 1 triệu cửa hàng nhỏ. Tính đến tháng 7/2014 vừa qua có 724 siêu thị, 132 trung tâm thương mại và hơn 400 cửa hàng tiện ích. Hiện nay, thị trường nông thôn với gần 70% dân số nhưng gần như bị bỏ ngỏ. Theo quy hoạch đến năm 2020, sẽ phát triển lên 1.200-1.300 siêu thị (cần thêm 550 siêu thị so với hiện tại), 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm (cần thêm 200 trung tâm). Điều này cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam rất hấp dẫn để các nhà sản xuất, kinh doanh và nhà bán lẻ xâm nhập.
Thị phần bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Indonesia chiếm 43%, Thái Lan 46%, Malaysia 53%, Trung Quốc 64%, EU trên 70%. Bảy tháng đầu năm, tuy kinh tế còn khó khăn nhưng tổng mức bán lẻ đạt khoảng 1.655.000 tỉ đồng, tăng 11,42% so với cùng kỳ năm ngoái (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3%). Dự báo đến 2020 tỉ trọng bán lẻ qua mạng siêu thị, trung tâm thương mại chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội.
Theo Lao Động