Connect with us

Ngân hàng rút vốn, bất động sản “lạnh”

Tin trong nước

Ngân hàng rút vốn, bất động sản “lạnh”

So với chứng khoán thì bất động sản sẽ suy thoái nặng hơn vì vốn đầu tư khá lớn với cả ông chủ dự án và nhà đầu tư.

Ngày 30-6 là thời điểm cuối để các ngân hàng đưa dư nợ tín dụng phi sản xuất về mức 22%/tổng dư nợ. Sức ép của việc rút vốn này đang phơi bày mặt trái vừa nóng vừa lạnh của kênh tài chính và bất động sản (BĐS).

Kiểm tra ngân hàng từng ngày

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục làm việc với từng ngân hàng thương mại về lộ trình giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất về mức 22%/tổng dư nợ. Phía ngân hàng chịu áp lực từng ngày vì phải giải trình hàng loạt con số như dư nợ, tỉ lệ cho vay an toàn trên vốn, phương án giảm tín dụng…

Lộ trình giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất như trên ban đầu cứ ngỡ là áp lực nhưng cuối cùng lại là cuộc chơi tính toán của từng ngân hàng. Nói là tính toán vì có ngân hàng tích cực thu hồi nợ nên chưa đến hạn đã đạt mục tiêu nhưng vẫn còn nhiều ngân hàng không thể giảm nổi. Con số còn 23 ngân hàng có dư nợ tín dụng phi sản xuất từ mức 23% đến 50% được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết ngày 18-6 là ví dụ.

Tại buổi gặp gỡ báo chí tuần trước, ông Giàu cho biết sẽ kiên quyết xử lý bất kỳ ngân hàng nào không chấp hành. “Trong thời gian qua có một số ngân hàng thương mại vẫn giải ngân cho vay chứng khoán, BĐS, thậm chí gần đến ngày phải giảm dư nợ lĩnh vực này về mức 22% thì có ngân hàng dư nợ còn ở mức xấp xỉ 50%” – ông Giàu nói.

Thống đốc cũng thông tin có nhiều ngân hàng thương mại nhỏ kêu là việc giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất NHNN đưa ra quá đột ngột nên không thể giảm được. Tuy nhiên, thống đốc khẳng định lộ trình đưa ra có thời gian đủ để các ngân hàng giảm dư nợ vì trước đó NHNN đã có bốn văn bản mang tính quy phạm pháp luật chỉ đạo việc này.

Ông Giàu cũng thông tin sắp tới đây, ngân hàng thương mại nào không thực hiện đúng Chỉ thị 01 thì NHNN sẽ xử phạt tùy theo mức độ như công bố thông tin, phạt hành chính, nâng dự trữ gấp đôi…

Thông điệp điều hành thị trường tài chính năm 2011 được NHNN phát ra mạnh mẽ, rõ ràng và điều này đang khiến một số ngân hàng thương mại lỡ cho vay quá tay ở lĩnh vực phi sản xuất hiện nhấp nhổm.

BĐS đồng loạt giảm giá

Chuyện ngân hàng giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất cuối cùng được dư luận quan tâm nhất là diễn biến ở hai thị trường là chứng khoán và BĐS. Ở chứng khoán trong tháng 4 và 5, thị trường đã chịu áp lực giải chấp mạnh và bước đầu tạm thời ổn định. Lý giải cho chuyện này, các chuyên gia chứng khoán nhận định do các khoản cho vay đầu tư chứng khoán rất ngắn từ một đến ba tháng và tài sản thế chấp là cổ phiếu có tính thanh khoản nên khi ngân hàng siết đều thu hồi nợ nhanh.

Còn lại sốc thật sự là BĐS. Khi bị rút vốn lập tức thị trường nguội lạnh. Không còn lẻ tẻ mà các phân khúc nhà ở đồng loạt thay đổi chính sách, phải giảm giá dưới nhiều hình thức để bung hàng lấy tiền.

Ở thị trường sơ cấp (chủ đầu tư bán hàng), một số dự án căn hộ cao cấp buộc phải đưa ra hàng loạt chiêu thức bán hàng “lạ đời”. Như trong tháng 6 này Công ty BĐS Phát Đạt mở bán căn hộ The Everich 2, trong đó cho khách hàng thanh toán đến 49 đợt, hay trước đó Công ty Novaland bán căn hộ cao cấp Sunrise (quận 7) dưới hình thức cho thuê kèm quyền mua…

Sự thật từ việc khát vốn được lộ ra trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I của một số doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn như Sacomreal, Phát Đạt… Với các cụm từ hàng tồn kho, nợ vay… cho thấy mức độ khó khăn của doanh nghiệp quá lớn. Công ty Phát Đạt có tổng giá trị hàng tồn kho lên tới 3.300 tỉ đồng, số nợ khoảng 2.642 tỉ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ hơn 1.414 tỉ đồng.

Ở phân khúc trung bình (giá 10-18 triệu đồng/m2), một phân khúc sát nhu cầu mua ở thật thì thị trường gần như vắng bóng người mua. Như trong tháng 6, chủ đầu tư chung cư Thanh Nhựt (quận 8) rao bán căn hộ ở cuối đường Phạm Thế Hiển giá chỉ 11,3 triệu đồng/m2 và còn giảm giá thêm 3%, cho nhận nhà ngay nhưng cũng ít hút khách. Thậm chí ở một số dự án đang triển khai có tình trạng khách hàng chấp nhận lỗ để bán lại căn hộ góp vốn. Riêng đất nền, người mua cũng chuyển hướng và có giao dịch ít. Thời gian trước đất nền diện tích nhỏ, có sổ đỏ ở khu vực Bình Dương, Đồng Nai, Long An khá hút khách thì nay muốn bán hàng, doanh nghiệp cũng phải giở đủ chiêu khuyến mãi, tặng quà.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nhận định thị trường BĐS lúc này khốc liệt đến mức là cuộc chiến tồn tại của doanh nghiệp địa ốc.

Sắp tới còn khốc liệt

Việc ngân hàng rút vốn phi sản xuất mới đi được nửa chặng đường mà lĩnh vực BĐS và chứng khoán đã hụt hơi. Vì thế với chỉ tiêu rút tín dụng chứng khoán, BĐS về mức 16%/tổng dư nợ vào 31-12-2011 đang dự báo hai thị trường này sẽ có thêm các đợt điều chỉnh nữa.

Tổng giám đốc một công ty BĐS ở khu nam TP nói so với chứng khoán thì thị trường BĐS sẽ suy thoái nặng hơn vì vốn đầu tư BĐS khá lớn với cả ông chủ dự án và nhà đầu tư. Một dự án thường vài trăm tỉ đồng trở lên và kéo dài nhiều năm, còn nhà đầu tư cũng mất tiền tỉ chôn vốn vào góp mua nhà ở xây theo tiến độ. “Với tình hình thị trường trầm lắng, cung ngày càng nhiều hơn cầu, thêm đó ngân hàng không cho vay thì chắc chắn BĐS sắp tới còn suy giảm nữa” – ông này phân tích.

Thực tế này hiện đang được báo trước khi tại nhiều dự án căn hộ, các nhà đầu tư thứ cấp (mua đi bán lại) đang tìm cách bán tháo hàng ra, thậm chí còn dự án ở khu nam Bình Chánh nhà đầu tư không dám nhận căn hộ và chấp nhận bán hóa giá vốn mua.

Theo Lao Động

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 × 5 =

To Top