Connect with us

Một Apple mới dưới thời Tim Cook

Tình huống thương hiệu

Một Apple mới dưới thời Tim Cook

Tháng 2.2012, một nhóm khoảng 15 nhà đầu tư đã họp mặt tại văn phòng làm việc của Apple ở Cupertino, California. Buổi họp bắt đầu bằng bài thuyết trình dài 45 phút do Peter Oppenheimer, Giám đốc Tài chính của Apple, trình bày.

Và các nhà đầu tư đã bị sốc khi thấy Tổng Giám đốc (CEO) Tim Cook bước vào phòng họp ngay giữa buổi thuyết trình. Ông lặng lẽ tiến đến cuối phòng, ngồi xuống và làm một điều rất không bình thường đối với một vị CEO của Apple: Lắng nghe. Ông không một lần chen ngang phần trình bày của Oppenheimer.

Sau khi Oppenheimer trình bày xong, Cook – khi ấy mới là CEO được 5 tháng – bắt đầu đứng lên, sải những bước chân rất tự tin lên phía trước và trả lời rành rọt mọi câu hỏi của các nhà đầu tư. “Ông ấy trả lời một cách thẳng thắn, không hề né tránh bất kỳ vấn đề nào”, một nhà đầu tư tham dự buổi gặp mặt hôm đó cho biết.

Đó là điểm khác biệt giữa Cook với CEO huyền thoại Steve Jobs, người ít khi nào chịu gặp mặt các nhà đầu tư. Sự thay đổi này dù nhỏ nhưng rất quan trọng, vì lần đầu tiên sau nhiều năm trời, các nhà đầu tư mới được CEO để mắt đến, lắng nghe ý kiến của họ.

Những thay đổi dưới thời Tim Cook

Khi Jobs qua đời, đã có không ít lời xì xầm lo ngại cho tương lai của Apple. Nhưng giờ nhìn lại quãng đường đã qua có thể thấy con thuyền Apple không có Jobs vẫn lướt sóng băng băng.

Phố Wall đặc biệt có nhiều lý do để hoan hỉ với triều đại Apple dưới thời của Cook. “Bản thân các con số đã nói lên điều đó”, Katy Huberty, chuyên gia phân tích về Apple thuộc Ngân hàng Morgan Stanley, cho biết. Chẳng hạn, giá trị thị trường của Apple đã tăng thêm khoảng 140 tỉ USD. Và với giá trị thị trường khoảng 500 tỉ USD hiện nay, Apple còn đáng giá hơn cả hãng dầu mỏ Exxon Mobil (khoảng hơn 100 tỉ USD). Đặc biệt, trong 3 quý kể từ khi Cook trở thành CEO, Apple đã lãi 31 tỉ USD và bán được 89 triệu chiếc iPhone cùng 38 triệu chiếc iPad.

Tim Cook và Steve Jobs

Tuy nhiên, xét một cách công bằng, Cook không thể một mình lĩnh hết lời khen. Ông đảm nhận chức CEO giữa lúc Apple đang như một quả tên lửa đã rời khỏi bệ phóng. Hơn nữa, Cook cũng chưa đưa ra một sản phẩm mới đặc biệt nào và đây là điều mà các nhà quan sát luôn quan tâm. Đợt giới thiệu sản phẩm lớn và duy nhất cho đến nay của Apple là iPhone 4S có kèm theo “trợ lý” nhận dạng tiếng nói Siri và một chiếc iPad có màn hình với độ phân giải cao hơn, nhưng cả 2 đều là sự lặp lại của các thiết bị trước đó.

Thế nhưng, Apple vẫn đang thay da đổi thịt. Điều đáng nói là những thay đổi này mang đậm dấu ấn của CEO mới. Cook là vị tướng tài ba. Ông gia nhập Apple vào năm 1998 để tái cấu trúc hệ thống các nhà máy, kho hàng và nhà cung cấp đang bị rệu rã. Đây là một trong những yếu tố chính làm nên thành công của Apple trong thập kỷ qua nhưng lại bị bỏ quên vì mọi sự chú ý đều dồn vào các mẫu thiết kế đẹp và những chiêu thức marketing. Còn nay, Cook sẽ đưa tính hiệu quả trong hoạt động của Apple lên một mức độ cao hơn, đặc biệt khi Công ty đang ngày càng lớn mạnh và trở nên phức tạp hơn.

Dấu hiệu rõ nhất là việc Cook cho phép các bộ phận quản lý dự án và quản lý chuỗi cung ứng can thiệp vào công việc sáng tạo của các kỹ sư trong khi đây là điều cấm kỵ đối với Steve Jobs.

Đối với các mối quan hệ bên ngoài, Cook cũng cho thấy một hình ảnh đối lập với Jobs. Tháng 1 vừa qua, tờ New York Times đã đăng một bài báo giật gân chỉ trích các điều kiện làm việc ở Trung Quốc tại hãng gia công hàng điện tử cho Apple là Foxconn. Phản ứng của Cook đã cho thấy một thay đổi rất đáng chú ý so với Jobs, vốn hay phớt lờ tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Vị CEO mới không chỉ đi thăm Foxconn, mà còn cho phép người khác chụp hình ông trong chuyến đi này. Không chỉ thế, Apple cũng đã gia nhập Hiệp hội Lao động Công bằng có trụ sở tại Washington (Mỹ). Đây là tổ chức đấu tranh vì sự công bằng cho người lao động.

Thế nhưng dù Cook có làm gì đi chăng nữa thì điều các nhà quan sát quan tâm nhất vẫn là ông có duy trì được chất lượng sản phẩm như khi Jobs còn sống hay không. Ai cũng biết Jobs là người cầu toàn. Nhưng Cook thì sao? Rất không may là các nhà quan sát đã tìm thấy thiếu sót ở ứng dụng Siri. Thời gian phản hồi của Siri khá chậm, nghĩa là các máy chủ và phần mềm hỗ trợ cho ứng dụng này đã hoạt động không hiệu quả.

“Apple vẫn mãi là Apple”

Không ai nói chắc Jobs sẽ phản ứng thế nào với những gì đang diễn ra tại Apple nhưng Cook dường như đã cảm thấy rất hài lòng với cách Công ty đang được điều hành. Chẳng hạn, Jobs xưa nay luôn chống đối việc chia cổ tức và mua cổ phiếu quỹ. Nhưng Cook thì không. Vào ngày 19.3, Apple cho biết sẽ bắt đầu trả mức cổ tức hằng quý 2,65 USD/cổ phiếu và sẽ mua cổ phiếu quỹ với tổng giá trị lên tới 10 tỉ USD.

Dù Apple đang thay đổi thế nào, thông điệp mà Cook muốn gửi tới nhà đầu tư là Apple vẫn mãi là Apple. Vào giữa tháng 4, Công ty đã chọn khu resort Carmel Valley Ranch để tổ chức sự kiện “Top 100”, cuộc họp tuyệt mật giữa các nhà điều hành lần đầu tiên kể từ ngày Jobs mất. Cuộc họp là cơ hội hiếm hoi để các nhà quản lý cấp cao của Apple nắm được định hướng phát triển sản phẩm/dịch vụ trong 1 hoặc 2 năm tới. Theo thông lệ, Cook yêu cầu các nhà quản lý đi cả quãng đường gần 130 km từ Cupertino đến Resort bằng xe bus do Công ty thuê. Ông cũng yêu cầu nhiều nhà điều hành phải thuyết trình tại buổi họp, giống như cách Jobs từng làm.

Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là không khí cuộc họp rất sôi nổi và thú vị. Cook luôn pha trò và rất vui vẻ, hoàn toàn khác với phong cách nghiêm trang, nặng nề của Jobs. Những người tham gia đã rất phấn khởi về triển vọng ngắn hạn của Apple. Một nhà điều hành lâu năm tại Apple cho biết ông rất phấn khích vì những gì được nhìn thấy tại cuộc họp. Không chỉ cấp lãnh đạo, hầu hết nhân viên đều cảm thấy thoải mái hơn với vị CEO mới. Cook hay ngồi ăn trưa chung với nhân viên tại căn-tin Công ty, trong khi Jobs chỉ ngồi ăn với Giám đốc Thiết kế Jonathan Ive. Chi tiết nhỏ này đã nói lên được sự khác biệt rất lớn trong cách 2 vị CEO giao tiếp với nhân viên. Đó là lý do đối với Jobs, nhân viên vừa kính, vừa yêu nhưng cũng vừa sợ. Còn Cook cũng đòi hỏi, yêu cầu cao đối với nhân viên, được họ kính trọng nhưng lại không được sùng bái như Jobs.

Khi bước vào giai đoạn mới, nhiều thách thức hơn, có lẽ Apple không cần một CEO được tôn kính như một vị chúa, mà chỉ cần một người trần mắt thịt nhưng biết cách điều hành doanh nghiệp.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

twelve + 10 =

To Top