Tình huống thương hiệu
Mô hình quảng cáo trực tuyến 24h đã đến thời?
24h, một công ty kinh doanh quảng cáo trực tuyến đã lỗ liên tiếp trong nhiều năm, gần đây mới có lãi. Bước đầu thành công của 24h phải chăng dự báo thị trường quảng cáo trực tuyến đang trở mình hay công ty này đang cố “chín ép”?“Tôi nhận ra một ngành kinh doanh có thể tồn tại hàng ngàn năm. Đó là kinh doanh theo nhu cầu cơ bản của con người. Trong xã hội hiện đại ngày nay, một nhu cầu cơ bản đang gia tăng là thông tin. Hôm nay, thông tin được truyền tải qua internet nhưng ngày mai nó có thể qua các phương tiện khác. Và dù với phương tiện nào, công cụ nào đi chăng nữa, nền tảng của chúng ta vẫn là thông tin. Vì thế, tôi chọn kinh doanh lĩnh vực này”, ông Phan Minh Tâm, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Quảng cáo Trực tuyến 24h, chủ sở hữu trang thông tin trực tuyến 24h, lý giải về điều ông đang làm trước sự lên ngôi của thông tin và thị trường quảng cáo trực tuyến đang được xem là chiếc bánh màu mỡ.
Thế nhưng, cuộc sàng lọc gắt gao gần 1 thập kỷ đã khiến những nhà kinh doanh quảng cáo trực tuyến Việt Nam nhận ra đây không phải là ngành dễ ăn. Theo một cuộc khảo sát của Kantar Media được tiến hành từ tháng 4.2010 đến tháng 3.2011, thị trường quảng cáo trực tuyến có tổng doanh thu 26,4 triệu USD (hơn 550 tỉ đồng) với 10 website lớn nhất gồm VnExpress, 24h, Dân Trí, Vietnamnet, Zing MP3, Ngôi Sao, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Nhạc Vui, Nhạc Số. Trong đó, trang thông tin điện tử 24h đứng thứ hai về doanh thu với khoảng 5,8 triệu USD (hơn 120 tỉ đồng). Tuy nhiên, để đạt đến vị trí này, 24h cũng đã rất vất vả trong hành trình phát triển của mình.
Giá trị của 24h nằm ở đâu?
Trong 4 website dẫn đầu thị trường, chỉ có 24h đi theo mô hình trang thông tin điện tử, trong khi VnExpress, Dân Trí và Vietnamnet là mô hình báo điện tử. Đây là 2 trong 3 mô hình kinh doanh trực tuyến được cấp phép tại Việt Nam, mô hình còn lại là các website thương mại điện tử. Người truy cập website thường ban tặng cho 24h cái tên không mấy thiện cảm là “trang thông tin lá cải” trong lúc 3 đối thủ của nó rõ ràng chính thống hơn.
Thế nhưng, con số hơn 120 tỉ đồng doanh thu với mức tăng trưởng đến hơn 50%/năm của 24h có lẽ là niềm mơ ước của không ít website. Công ty không công bố con số lợi nhuận cụ thể nhưng nhìn chung ở lĩnh vực này, lợi nhuận vào khoảng hơn 20%.
Website 24h ra đời vào năm 2004, cùng thời với Dân Trí, Vietnamnet và không lâu sau khi VnExpress, website thông tin đầu tiên của Việt Nam, xuất hiện. Trong khi VnExpress, Dân Trí, Vietnamnet được cấp phép làm nội dung báo chí, bao sân các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội thì 24h chỉ được cấp phép thực hiện nội dung giải trí. Vấn đề của các ông chủ 24h khi đó là “chỉ có một thứ để làm tốt”. Và họ đã làm như thế nào?
Năm 2004, trong khi nhu cầu tra cứu thông tin và giải trí trực tuyến còn nghèo nàn, 24h đã tìm thấy cơ hội tạo nên sự khác biệt cho họ. Và sự khác biệt này nằm ngay ở nội dung website.
Xác định đối tượng truy cập từ 18-40 tuổi cho cả nam lẫn nữ, các ông chủ trang web này đã đầu tư rất nhiều để xây dựng dữ liệu lớn về nội dung bóng đá trên mạng, tra cứu điểm thi, tìm việc. Nhưng sau đó, khi các website ra đời ngày càng nhiều và cạnh tranh càng khốc liệt, 24h tiếp tục xây dựng nội dung “động” trên mạng bằng cách tự thực hiện các phim video vui nhộn, độc đáo.
Những khoản đầu tư lớn của trang web này không thể thống kê trong nhiều năm. Chỉ tính riêng đầu tư tra cứu điểm thi đã tốn hơn 1 tỉ đồng/năm. Họ cũng đổ không ít tiền vào việc quản lý hàng trăm ngàn hồ sơ tìm việc trên mạng, cũng như hạ tầng, thiết bị làm phim (trung bình một tuần, 24h làm 2 phim video vui nhộn). Công ty cũng chi gần 1 triệu USD/năm (gần 21 tỉ đồng) cho các hoạt động marketing, trong đó có 2 hoạt động chính ngốn khá nhiều tiền là quảng cáo billboard ngoài trời và trong các thang máy tòa nhà.
Những nỗ lực thực hiện nội dung và quảng bá của 24h cũng cho thấy kết quả khá lạc quan. Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen thực hiện trên một số lượng lớn người truy cập internet tại TP.HCM và Hà Nội trong tháng 8.2011, có 43% người truy cập vào trang 24h, còn lại là VnExpress (38%), Dân Trí (32%) và Vietnamnet (16%). Lượng truy cập đông cũng tỉ lệ thuận với nguồn thu quảng cáo. 24h cho biết đang có khoảng 2.000 khách hàng với hơn 120 tỉ đồng doanh thu.
Áp lực 500 tỉ đồng
Các ông chủ 24h đang nhận thấy dù nỗ lực đến mấy, họ cũng khó vượt khỏi ngưỡng doanh thu 500 tỉ đồng khi chỉ sống nhờ những thứ đang có trên website 24h. Lúc này, không chỉ 24h hay các website của Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, sự sáng tạo, khác biệt về nội dung trực tuyến đang hạn hẹp dần. “Chúng tôi cảm tưởng sự sáng tạo trong lĩnh vực này dường như kém đi trong khi những đột phá, mới lạ ra đời một cách chậm hơn”, ông Tâm, Công ty 24h, nhận xét.
Hơn nữa, dù có khai thác triệt để không gian quảng cáo trực tuyến trên website 24h, doanh thu cũng không thể tăng đột biến vì ở Việt Nam, với mô hình của 24h, chỉ dừng lại ở quảng cáo banner (trên thế giới, các nguồn thu trên website đến từ quảng cáo banner, bán nội dung trên website, hoặc ăn chia từ các nhà mạng).
Mặt khác, cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt khi thị trường xuất hiện một số những nhà đầu tư chịu chi, trong đó có thể kể đến các cổng thông tin giải trí của Zing (như zingnews, zingme, zingmp3…). Zing lại trực thuộc VNG, một công ty lớn về trò chơi trực tuyến với doanh thu trên 50 triệu USD (hơn 1.000 tỉ đồng). Bản thân VNG sẵn sàng đầu tư vào Zing bất chấp các cổng thông tin trên có thể gây lỗ nhằm quảng bá thương hiệu.
24h đang nỗ lực giải quyết các vấn đề chiến lược của họ và khả năng thành công trong tương lai vẫn còn là ẩn số.
Có thể thấy rõ nhất là sau khi thành công bước đầu với 24h, Công ty đã cho ra đời 2 website khác là Eva và Nhạc Vui. Nếu 24h tập trung vào đối tượng 18-40 cho cả nam lẫn nữ thì Eva nhắm thẳng vào phân khúc phụ nữ và Nhạc Vui tập trung vào lứa tuổi teen. Mục tiêu lớn nhất khi cộng hưởng 3 website này là 24h có thể phủ rộng các phân khúc thị trường nhằm tăng lượng truy cập và tăng không gian mới cho các nhà quảng cáo.
Tuy nhiên, 24h khó mà lập lại một lần nữa lợi thế là một trong những website đi tiên phong cũng như tạo sự khác biệt với 2 website mới. Cho đến nay, sau gần 5 năm ra đời, doanh thu của cả Eva và Nhạc Vui chỉ chiếm chưa đến 20% trong cơ cấu doanh thu của công ty này.
Theo Công ty Nghiên cứu Thị trường ComScore, lượng người viếng thăm trang Eva tính đến tháng 7.2011 là khoảng 1,4 triệu người, tiếp đó là webtretho.com (khoảng 1,2 triệu người) và các website khác khoảng 400.000 người. Thế nhưng, website này cũng rất chật vật. Một lý do lớn là Eva ra đời trong bối cảnh bị cạnh tranh khốc liệt bởi hàng loạt các website ra cùng thời như webtretho, afamily, giadinh.net.vn, lamchame.com… Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa nhất lại nằm ở nội dung.
“Chúng tôi thật khó làm nội dung cho phụ nữ trên website này, vì sở thích của họ không rõ ràng lắm, trong khi đàn ông có những sở thích đặc trưng”, ông Tâm cho biết. Tuy nhiên, Công ty 24h vẫn tin rằng, tương lai của Eva sẽ sáng sủa hơn vì đối tượng phụ nữ trưởng thành sẽ nhiều hơn, tỉ lệ thuận với mức độ quan tâm của họ đối với giải trí trực tuyến.
Trong khi đó, tình hình ở Nhạc Vui cũng không khả quan hơn do gặp phải những đối thủ đáng gờm như zingmp3, nhaccuatui… 24h không tiết lộ thêm thông tin về website này nhưng họ không phủ nhận zingmp3 đang dẫn đầu thị trường và tạo một khoảng cách xa với các website khác tương tự, trong đó có Nhạc Vui.
Như vậy, trong khi Eva và Nhạc Vui vẫn còn là câu chuyện của tương lai thì mục tiêu tiến đến mốc 500 tỉ đồng doanh thu đang được công ty này tập trung vào “con gà đẻ trứng vàng” 24h. Các thế mạnh về nội dung trên website 24h vẫn được tiếp tục triển khai và trong tương lai sẽ là những đổi mới về giao diện và các chuyên mục. “Giữ chân người truy cập cũng quan trọng như giữ chân khách hàng quảng cáo. Chúng tôi muốn họ truy cập và quay lại lần sau. Điều đó cũng đồng nghĩa chúng tôi phải luôn làm mới”, đại diện 24h cho biết.
Trên thực tế, trong những năm qua, website 24h đã nhiều lần tiến hành cải tiến và quan điểm của các ông chủ website này là “đổi mới nhưng không gây sốc”. Tuy nhiên, mục tiêu 500 tỉ đồng sẽ càng là thách thức lớn khi giá quảng cáo trực tuyến vẫn chưa cao, khả năng tăng giá còn hạn chế. Và các nhà làm marketing còn xem đây là “nhóm truyền thông cộng thêm” bên cạnh các nhóm truyền thông khác đang được ưa chuộng tại Việt Nam như truyền hình, báo in… Theo thống kê của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, doanh thu quảng cáo trực tuyến chỉ bằng khoảng 2-3% tổng doanh thu khoảng 20.000 tỉ đồng của ngành quảng cáo.
Ngoài ra, tuy không chia sẻ thông tin cụ thể nhưng các ông chủ 24h cho biết, họ đang tính đường lấn sang lĩnh vực thương mại điện tử với những dự án khác nhằm gia tăng doanh thu. Song, chặng đường này lại sẽ tiếp tục mở ra nhiều rào cản mới, đặc biệt là vấn đề thanh toán điện tử.
Theo NCĐT