Connect with us

Mạng di động: Tìm phương trời mới

Tình huống thương hiệu

Mạng di động: Tìm phương trời mới

Thị trường viễn thông di động Việt Nam sắp cán ngưỡng bão hòa. Vì vậy, các công ty viễn thông đã mạnh mẽ đầu tư ra nước ngoài để có thể tiếp tục phát triển.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhận định rằng dù tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước hiện không mấy thuận lợi do bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài. Tuy nhiên, vốn đầu tư ra nước ngoài dự kiến vẫn sẽ tiếp tục tăng. Theo thống kê mới nhất của Cục, 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam có thêm 26 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép với vốn đăng ký 1,74 tỉ USD. Tổng số dự án đầu tư ra nước ngoài có hiệu lực đến nay lên gần 600, vốn đăng ký hơn 10 tỉ USD trong khi vốn giải ngân đã được hơn 2 tỉ USD. Doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư tới 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường lớn như Tây Âu, Mỹ và Úc.

Cùng với việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư như dầu khí, điện lực, khai khoáng, thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp, sản xuất thương mại và viễn thông. Trong đó, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang tích cực triển khai các dự án với số vốn lên tới hàng trăm triệu USD tại 10 thị trường khác nhau.

 

Tham vọng 1 tỉ dân

Năm 2007, Viettel đã thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) với số vốn 3.000 tỉ đồng nhằm đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Sau đó, tháng 2.2009, Viettel đã chính thức khai trương mạng di động tại Campuchia với thương hiệu Metfone sau hơn một năm rưỡi xây dựng hạ tầng mạng. Hơn 8 tháng sau, Viettel lại tiếp tục khai trương mạng di động mang tên Unitel tại Lào. Đến tháng 4.2010, tập đoàn này đã hoàn tất thủ tục đầu tư 59 triệu USD mua lại 70% cổ phần của Công ty Viễn thông Teleco tại Haiti. Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Viettel, cho biết, Viettel đang hợp tác và lên thiết kế tổng thể cho hệ thống hạ tầng, đồng thời nâng cấp mạng điện thoại cố định ở Haiti. Viettel cho biết sẽ đầu tư xây dựng trên 1.000 trạm thu phát sóng di động tại đây. Trong quý II/2011, Viettel đã chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại thị trường này. “Chúng tôi có kế hoạch sẽ rót khoảng 300 triệu USD vào Haiti trong tương lai”, ông Trung, Viettel, nói thêm.

Viettel cũng cho biết, năm 2010, Viettel đã đầu tư 300 triệu USD mua lại hơn 60% cổ phần của một công ty quản lý mạng di động Teletalk của Bangladesh. Đầu tháng 11.2010, Movitel, một đơn vị của Viettel liên doanh với nhóm nhà đầu tư Mozambique, đã trúng thầu cung cấp dịch vụ điện thoại di động tại đây. Theo kế hoạch trong 5 năm tới, Movitel sẽ đầu tư hơn 400 triệu USD tại quốc gia Đông Nam Phi này với cam kết cung cấp dịch vụ cho khoảng 85% dân số. Viettel cho biết thêm, hãng cũng đã được phép cung cấp dịch vụ tại Peru.

“Viettel phấn đấu tới năm 2020 sẽ cung cấp dịch vụ cho khoảng 1 tỉ dân, doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn gấp 5 lần trong nước”, ông Hùng, Viettel, nói. Đến nay, cả 2 mạng di động của Viettel tại Lào và Campuchia đều đã vươn lên dẫn đầu về hạ tầng mạng và đứng thứ 2 về lượng thuê bao (6 triệu và 1,5 triệu). Năm 2010, tổng doanh thu từ các dự án đầu tư ra nước ngoài của Viettel đạt 4.285 tỉ đồng và lợi nhuận 652 tỉ đồng.

Cũng như Viettel, Tập đoàn VNPT cũng đã chính thức khởi động một số dự án đầu tư ra nước ngoài thông qua Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế VNPT (VNPT Global) được thành lập vào tháng 1.2008 với số vốn 200 tỉ đồng. 4 cổ đông sáng lập là VNPT (39%), MobiFone (5%), Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (5%) và Singapore Telecom (51%). Đến nay, VNPT Global đã triển khai được một số dự án đầu tư thông qua 5 công ty con đặt tại Mỹ, Hồng Kông, Singapore và Cộng hòa Séc. Các dự án này cung cấp dịch vụ cáp ngầm, mạng di động ảo, VoIP, IPLC, IPTV, Internet băng thông rộng. Ông Lê Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc VNPT kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị MobiFone, cho biết MobiFone có tham vọng sẽ vươn ra thị trường nước ngoài để trở thành 1 trong 10 mạng di động hàng đầu Châu Á và phục vụ cho thị trường khoảng 200 triệu dân. “Để đạt mục tiêu này, MobiFone đã xây dựng kế hoạch hành động tổng thể để tiếp tục duy trì tốc độ phát triển 25-30%/năm”, ông Minh cho biết.

Luật số 3

Theo Bộ Thông tin Truyền thông, Việt Nam có khoảng 98,2 triệu thuê bao di động, tương đương 113,4 thuê bao trên 100 dân. Nếu tính cả lượng thuê bao di động ảo thì con số này có thể lên tới 130 triệu. Thị trường viễn thông di động Việt Nam sắp cán ngưỡng bão hòa. Vì vậy, các công ty viễn thông đã đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, để những công ty mạng này có thể tồn tại và đạt hiệu quả kinh doanh trong dài hạn nơi xứ người là điều không đơn giản. “Viettel hiện xếp thứ 2 về lượng thuê bao ở Campuchia, nhưng sắp tới Metfone sẽ phải đấu với 10 công ty mạng còn lại để có thể giữ vững ngôi vị của mình hoặc phải chấp nhận việc mua bán, sáp nhập. Sắp tới, tại thị trường này sẽ có ít nhất 4-5 công ty mạng bị thôn tính”, ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn Robenny (Canada) dự báo.

Tại Việt Nam, tình hình cũng đang diễn biến tương tự. 3 công ty mạng dẫn đầu là Viettel, VinaPhone, MobiFone hiện vẫn chiếm hơn 90% thị phần thuê bao và 4 mạng S-Fone, VietnamMobile, Gtel, EVN Telecom tiếp tục loay hoay trong chiếc áo chật chội. Do vậy, mua bán, sáp nhập có thể sẽ là giải pháp mà các mạng nhỏ này phải tính tới. S-Fone và EVN Telecom đã quyết định để cho các công ty khác mua lại. Tuy nhiên, cả hai vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp.

Hồi đầu năm nay, ông Hùng, Viettel, cho rằng trong ngành viễn thông có tồn tại một luật bất thành văn gọi là “Luật số 3”. Theo đó, tại một thị trường có nhiều công ty viễn thông cùng hoạt động, thường chỉ có 3 công ty đứng đầu, chiếm từ 90-95% thị trường. Các công ty ở vị trí thứ 4 trở đi thường có thị phần rất nhỏ và khó phát triển. “Đi ra nước ngoài, muốn có lãi và tồn tại lâu dài, Viettel bắt buộc phải đặt mục tiêu đứng trong top 3, nếu không sẽ phải bán lại hoặc sáp nhập”, ông Hùng cho biết.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

one × 2 =

To Top