Connect with us

LienVietBank và đích ngắm 10.000 điểm giao dịch ở “km số 0” vào năm 2018

Tin trong nước

LienVietBank và đích ngắm 10.000 điểm giao dịch ở “km số 0” vào năm 2018

Vietnam Post sẽ góp vốn bằng giá trị DN của VPSC tương đương 360 tỷ đồng và góp vốn nhiều lần bằng tiền mặt để tăng tổng vốn là 997 tỷ đồng - gần 15% cổ phần LienVietPostBank.

Tại lễ ra mắt tên gọi mới, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT, cho rằng lợi thế lớn nhất của Vietnam Post khi tham gia góp vốn vào LienVietPostBank là hệ thống mạng lưới giao dịch rộng khắp cả nước.

Chiều 29/7, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank) chính thức tổ chức lễ ra mắt tên gọi mới: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Sự thay đổi này là điểm đến chính thức sau thương vụ sáp nhập kéo dài trong hai năm qua.

Tên gọi mới gắn với sự tham gia của cổ đông mới – Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (Vietnam Post). Cụ thể, Vietnam Post sẽ góp vốn bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) tương đương với 360 tỷ đồng – con số chính thức về giá trị doanh nghiệp sau khoảng hai năm định giá, và góp vốn nhiều lần bằng tiền mặt để tăng tổng số vốn là 997 tỷ đồng, tương đương với gần 15% cổ phần của LienVietPostBank.

Trong thông cáo gửi đi, cũng như trong phát biểu của lãnh đạo hai bên, một giá trị được nhấn mạnh là: với sự kết hợp trên, LienVietPostBank sẽ trở thành ngân hàng có hệ thống mạng lưới rộng nhất, có mặt tại những xã vùng sâu, vùng xa nhất của Việt Nam với hơn 10.000 điểm giao dịch trên cả nước.

Giá trị của 10.000 điểm giao dịch đó được ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, giải thích rằng, nếu không có sự sáp nhập và kết hợp đó, với tốc độ phát triển mạng lưới như hiện nay thì cần phải mất cả trăm năm mới thiết lập được. Hơn nữa, đó là những bưu cục mà Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Vietnam Post đã xác lập với vị trí hầu hết nằm ở trung tâm, ở “km số 0” của các địa bàn, đặc biệt là sự rộng khắp đến cả các xã vùng sâu, vùng xa.

Và cụ thể hơn, ông Hưởng nói rằng, quan điểm của LienVietPostBank là tận dụng lợi thế của hệ thống các bưu cục đó thành các điểm giao dịch ngân hàng, huy động lượng tiền gửi trong dân cư, cũng như mở rộng các dịch vụ mới.

“Quá trình khảo sát thực tế khi tiến hành dự án này, chúng tôi thấy rằng tại tỉnh nghèo nhất, một huyện của tỉnh Cao Bằng thì lại chính là điểm có được số dư tiền gửi lớn nhất. Đó là những khoản tiền nhỏ của những người nông dân tích cóp lại. Cho nên, quan điểm của chúng tôi khi tiếp cận hệ thống này là góp ít để thành nhiều”, ông Hưởng cho biết.

Theo kế hoạch, LienVietPostBank dự kiến sẽ hoàn tất việc vận hành hơn 10.000 điểm giao dịch này vào năm 2018.

Dĩ nhiên, bên cạnh giá trị trên, cả hai đối tác cũng tính đến những ưu điểm của sự liên kết về thương hiệu, về triển vọng của một mô hình mới tại Việt Nam – ngân hàng bưu điện – và lợi thế về nhân sự sẵn có của hệ thống tiết kiệm bưu điện qua 13 năm hoạt động, về khả năng tích hợp công nghệ mà đối tác ở đây là VNPT…

Có thể, những giá trị đó và kỳ vọng thành công của mô hình mới là lý do chính để LienVietBank mua lại VPSC với giá cao hơn hẳn khi so với các “mức chấm” của thị giá cổ phiếu các ngân hàng đang niêm yết, mà ông Hưởng nói là “ích nước, lợi dân”. Bởi đây là vụ sáp nhập đầu tiên giữa hai đối tác là tổng công ty nhà nước với một doanh nghiệp cổ phần bằng giá trị doanh nghiệp và cả tiền mặt.

Có thể, những giá trị đó cũng là lý do để có khoảng 20 ngân hàng (theo lời ông Hưởng) xếp hàng “cầu hôn” với VPSC, còn LienVietBank là thành viên đến sau.

 “LienVietBank đến muộn, nhưng ngay từ đầu định hướng của chúng tôi là phát triển chính sách tam nông, và đây là ưu điểm được Chính phủ xem xét. Về định hướng phát triển trong thời gian tới, với mô hình mới, chúng tôi xem nông dân là ân nhân của ngân hàng”, ông Hưởng nói thêm.

Về phía Vietnam Post, Tổng giám đốc Đỗ Ngọc Bình cũng đã chính thức trở thành một thành viên trong Hội đồng Quản trị LienVietPostBank cùng ngày ra mắt 29/7.

Và sự kiện này cũng gợi nhớ, cách đây đúng 5 năm, phương án thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện đã được tính tới trong kế hoạch điều chỉnh cơ cấu tổ chức VNPT, trên cơ sở chuyển đổi Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC).

Cho đến năm 2008, tiến độ thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện vẫn thu hút sự chú ý của giới đầu tư, nhưng trở ngại lúc đó là sự chuyển đổi mô hình sang ngân hàng thương mại và vấn đề nhân sự cho cả hệ thống.

Nay, VPSC chính được chuyển giao nguyên trạng vào LienVietBank, một phần của vốn góp từ Vietnam Post, là kết quả cuối cùng mà ông Đỗ Ngọc Bình phát biểu là một dự án thành công và có nhiều hứa hẹn…

Theo vneconomy

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

13 − thirteen =

To Top