Connect with us

“Kinh tế Internet” Việt Nam đang phát triển như thế nào?

Tin trong nước

“Kinh tế Internet” Việt Nam đang phát triển như thế nào?

Mặc dù được coi là một quốc gia có tốc độ phát triển khá nhanh về Internet nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp Internet và cơ quan quản lý cho rằng, “nền kinh tế Internet” Việt Nam vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng.

Nhiều con số phác họa bức tranh toàn cảnh Internet Việt Nam được Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đưa ra tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam 2013 do VIA tổ chức tại Hà Nội, ngày 4/12, như tính tới thời điểm hiện tại Việt Nam có khoảng 31 triệu người dùng Intetnet, gần 19 triệu người dùng Internet qua mobile, tốc độ tăng trưởng Internet của Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới… 

Theo số liệu được bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện trong số 55 giấy phép cung cấp dịch vụ Internet thì đã có 47 doanh nghiệp chính thức triển khai cung cấp dịch vụ, 16 doanh nghiệp có báo cáo thường xuyên với Cục Viễn thông về hoạt động cung cấp dịch vụ. Có 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet di động là Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnam Mobile.

Thị phần truy nhập Internet cố định hiện nay chủ yếu tập trung vào 5 doanh nghiệp lớn gồm VNPT, FPT, Viettel, CMC, SCTV. Đến tháng 10/2013, thị trường băng rộng cố định có khoảng hơn 5 triệu thuê bao, trong đó 87,5% sử dụng ADSL. Ở lĩnh vực di động hiện có khoảng 19 triệu thuê bao, với thị phần tới 98% thuộc về ba nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone.

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cố định đến hết năm 2012 theo thống kê đạt khoảng 10.000 tỷ đồng và từ dịch vụ 3G khoảng 5.000 tỷ đồng.

Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty VNG cho rằng, năm 2004, doanh thu nội dung, dịch vụ Internet chỉ là 70 tỷ đồng nhưng đến năm 2009, con số đã là 2.600 tỷ đồng và năm 2013, mức doanh thu của dịch vụ, nội dung Internet dự báo sẽ leo lên 20.400 tỷ đồng. Trong đó, dịch vụ nội dung di động chiếm 8.000 tỷ đồng, trò chơi trực tuyến là 6.000 tỷ đồng, thương mại điện tử là 4.200 tỷ đồng và quảng cáo trực tuyến là 2.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Minh, trong 3 năm qua, trong khi tốc độ người dùng Internet trên mobile tăng rất nhanh thì tốc độ tăng trưởng người dùng Internet trên PC (máy tính) đang chậm lại rõ rệt với tốc độ trung bình dưới 10%/năm và chỉ đạt ở mức trung bình của thế giới. 

Với doanh thu 15.000 tỷ đồng năm 2012 đối với dịch vụ, nội dung trên Internet, Cục phó Cục Viễn thông Lê Thị Ngọc Mơ và một số chuyên gia cho rằng đây thực sự là con số đáng phải suy nghĩ, nếu như coi Internet là một thị trường, vì mức doanh thu này khá khiêm tốn so với cơ hội và tiềm năng thị trường Internet đã và đang mang lại. 

Đặc biệt, theo đại diện nhiều doanh nghiệp Internet, cơ hội “kinh tế Internet” còn được cộng hưởng khi các ngành dịch vụ, các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội đang dịch chuyển mạnh mẽ lên Internet, vì vậy tiềm năng của “kinh tế Internet” là vô cùng lớn.

Theo tính toán của vị Tổng giám đốc VNG, đến năm 2018, doanh thu về nội dung, dịch vụ Internet sẽ vươn tới 100.000 tỷ đồng, bằng 6,6 lần doanh thu tại thời điểm hiện nay. Trong đó, thương mại điện tử chiếm vị trí cao nhất với 60.000 tỷ đồng; nội dung di động 20.000 tỷ đồng, online game là 12.000 tỷ đồng và quảng cáo trực tuyến đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 4 lần so với 2.200 tỷ đồng hiện nay. 

Tất nhiên, cơ hội và tiềm năng trên Internet có được khai thác như kỳ vọng hay không còn phụ thuộc vào sự tác động của nhiều yếu tố như chính sách quản lý của Nhà nước, khả năng cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp Internet, doanh nghiệp dịch vụ, nội dung, mức độ phổ cập, sử dụng Internet của người dân…

Theo vneconomy

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 × 3 =

To Top