Tin trong nước
Kinh doanh trực tuyến: Từ nhà ra chợ
Hiện đứng đầu về doanh thu trong số các website đang hoạt động là chodientu.vn chiếm 29%, lazada.vn chiếm 22%, vatgia.com chiếm 15%... Với tốc độ phát triển cao cộng thì việc các nhà bán lẻ đầu tư mạnh cho thương mại điện tử là xu hướng tất yếu.Big C vào cuộc
Giữa tháng 4, trang bán hàng trực tuyến Cdiscount.vn của Big C Việt Nam đã chính thức ra mắt người tiêu dùng trên cả nước. Ông Laurent Zécri, Tổng giám đốc Big C Việt Nam, cho biết, việc ra đời của Cdiscount.vn vào thời điểm này là một quyết định chiến lược. Với tiêu chí hướng đến sự đa dạng hàng hóa, giá hấp dẫn và dịch vụ tốt, Cdiscount.vn kinh doanh 7.000 sản phẩm ở các ngành hàng khác nhau gồm: công nghệ, nhà cửa và đời sống, sắc đẹp và sức khỏe, mẹ và bé.
Người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm theo nhu cầu và được giao hàng tận nơi với hình thức thanh toán trực tuyến khi nhận hàng hoặc trả tiền bằng thẻ thanh toán. Mục tiêu mà nhà đầu tư này đặt ra là từ nay đến cuối năm, Cdiscount.vn sẽ tăng từ 7.000 lên 25.000 sản phẩm.
Ngay khi ra mắt, nhà đầu tư này đã không ngần ngại đặt tham vọng trở thành một trong những trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam trong vòng 2 năm tới cũng như mang đến trải nghiệm mua sắm trực tuyến thực sự cho người tiêu dùng Việt Nam.
Theo các chuyên gia, Cdiscount.vn có lợi thế hơn các trang thương mại điện tử ra trước nhờ được thừa hưởng hạ tầng kinh doanh của chuỗi siêu thị bán lẻ Big C. Trong đó, đơn vị này có nguồn tiêu dùng khổng lồ (40.000 mặt hàng) với mức giá cạnh tranh và kinh nghiệm phân phối đa kênh cộng với hệ thống giao nhận nhiều kinh nghiệm. Tận dụng khối hậu cần sẵn có, Cdiscount.vn sẽ tốt ưu hóa chi phí vận hành.
Trước Cdiscount.vn, Tập đoàn VinGroup cũng không bỏ lỡ mảng kinh doanh hứa hẹn gặt hái nhiều thành công này khi quyết định đầu tư gần 750 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH VinE-Com chuyên về thương mại điện tử. Mục tiêu của VinGroup là tiến tới xây dựng một cổng thương mại điện tử lớn như Alibaba, Taobao…
Và VinE-Co sẽ tạo ra kênh bán lẻ trực tuyến cho tất cả các sản phẩm, dịch vụ không chỉ của Tập đoàn mà còn của các đối tác là những khách hàng đang thuê diện tích trong trung tâm thương mại của Vingroup và cả khách hàng bên ngoài.
Với việc bỏ ra cả ngàn tỷ đồng để thành lập VinE-Com là bước thâm nhập sâu hơn của Vingroup vào lĩnh vực bán lẻ sau khi đã khá thành công trong lĩnh vực bất động sản. Bởi thương mại điện tử đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các nước phát triển. Các công ty thương mại điện tử lớn trên thế giới có giá trị trường lên đến hàng tỷ USD trong khi thương mại điện tử ở Việt Nam chưa có những “thương hiệu đình đám”.
Xu thế tất yếu
Sự gia nhập mạng lưới thương mại điện tử của Big C hay Vingroup là xu thế tất yếu của thị trường. Bởi, mua sắm online giúp người dùng tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức và giảm các chi phí giao dịch so với hình thức kinh doanh truyền thống. Báo cáo trong tháng 4 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), cho thấy, năm 2013, doanh thu toàn lĩnh vực cả nước đạt trên 46.000 tỷ đồng, tương đương với việc mỗi người dân chi 2,5 triệu đồng cho hình thức mua sắm này trong một năm.
Hiện cả nước có hơn 30 triệu người dùng internet và đến năm 2015, Việt Nam sẽ có 40-45% dân số sử dụng mạng. Cũng theo báo cáo này, với tốc độ phát triển kinh tế và xu hướng hạ tầng dịch vụ, thanh toán ngày càng được quan tâm, đến năm 2015 mỗi người Việt sẽ chi trung bình trên 3 triệu đồng cho thương mại điện tử mỗi năm, doanh thu ước tính lên khoảng 80.000 tỷ đồng.
Thực tế thị trường đã cho thấy, lĩnh vực thương mại điện tử trong nước đang bùng nổ. Và mặc dù thị trường đã có các thương hiệu chuyên nghiệp như lazada.vn, chodientu.vn, vatgia.com, 123mua.vn, senco.vn… nhưng mức tăng trưởng vẫn khá cao.
Đại diện senco.vn, cho biết, người tiêu dùng đã và đang hình thành thói quen mua sắm online, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Thống kê của senco.vn, cho thấy, những tháng đầu năm nay, doanh số bán hàng của Công ty đã tăng 50% so với trước. Hiện, trang mạng này đã nhận chuyển hàng hóa tới khách hàng ở 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Cùng với tốc độ tăng của thương mại điện tử, trước Big C, hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam Co.opmart cũng đã đầu tư vào lĩnh vực này. Năm 2003, Co.opmart đã công bố bán hàng trực tuyến tại địa chỉ http://www.saigon-coopmart.com và http://saigoncoopmart.com.vn. Sau nhiều năm tăng trưởng chậm, cuối năm 2012, Saigon Co.op (cơ quan chủ quản của hệ thống siêu thị Co.opmart) đã đẩy mạnh hình thức kinh doanh này.
Hiện hai trang web bán hàng này có 4 nhóm hàng chính, gồm: thực phẩm, may mặc, đồ dùng điện và hóa mỹ phẩm với hơn 1.000 mặt hàng. Cùng với hai trang mạng bán hàng trực tuyến, Saigonco.op cũng giới thiệu trang fanpage Co.opmart (www.facebook.com/hethongcoopmartvn) với mục đích tạo một kênh truyền thông có khả năng tương tác cao với khách hàng.
Cùng lúc đó, đơn vị này còn cho ra đời kênh bán hàng qua truyền hình. Đại diện Saigon Co.op, cho biết, sức mua thông qua kênh này tăng khoảng 40% mỗi năm. Trong thời gian tới, Saigon Co.op sẽ đầu tư mạnh hơn, bởi đây là xu hướng phổ biến trong tương lai.
Cũng theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), hình thức mua sắm trực tuyến của Việt Nam đang tăng mạnh. Trong đó, mua sắm thông qua website bán hàng và dịch vụ tăng 61%, website mua hàng theo nhóm tăng 51% và diễn đàn mạng xã hội tăng 45%.
Hiện đứng đầu về doanh thu trong số các website đang hoạt động là chodientu.vn chiếm 29%, lazada.vn chiếm 22%, vatgia.com chiếm 15%… Với tốc độ phát triển cao cộng thì việc các nhà bán lẻ đầu tư mạnh cho thương mại điện tử là xu hướng tất yếu. Và nói như một chuyên gia trong lĩnh vực này thì “Sự ra đời của Cdiscount, VinE-Com hay các trang thương mại điện tử chuẩn bị sắp ra mắt là dấu hiệu cho thấy thương mại điện tử sẽ vo cùng sôi động”.
Theo DNSG