Connect with us

Kinh doanh báo chí thời khó

Tin trong nước

Kinh doanh báo chí thời khó

Cha đẻ của cuốn tiểu thuyết Mỹ nổi tiếng “Người cuối cùng của bộ tộc Mohican” J.F.Cooper có một câu nói rất hay về báo chí: “Báo chí, cũng như lửa, là người phụng sự tuyệt vời, nhưng là một ông chủ tồi tệ”

Một điều ít ai để ý trong câu nói này: Nếu báo chí là lửa, vậy ai sẽ mồi lửa cho báo chí; hay báo chí phải tự… mồi?

Hội tụ

Trong thời khó khăn chung, báo chí không thể tránh khỏi khó khăn. Xu hướng “chịu chi” ngày càng giảm thiểu và báo chí đã phải nỗ lực nhiều hơn để vẫn đưa ra những sản phẩm hàng hóa đặc biệt, chất lượng, có thể bán được “hàng”. Báo chí Việt hôm nay đã cập nhật tốt các xu hướng truyền thông quốc tế, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của những tổ chức, cá nhân, độc giả – những nhân tố đóng vai “mồi lửa”.

Xu hướng tòa soạn hội tụ. Đó là một tòa soạn báo được xây dựng trên “lô cốt” là báo chí in ấn – một thứ “vũ khí lớn nhất trong kho đạn dược của một chỉ huy hiện đại”, theo cách nói của Lawrence xứ Ả rập (một nhà hoạt động thông thái); Từ thứ vũ khí lớn nhất, các tòa soạn khai triển ra các thứ vũ khí, đạn được nhỏ khác: Báo điện tử, truyền thông tổ chức sự kiện, tư vấn chiến lược truyền thông, phát triển và tích hợp thông tin trên các sản phẩm công nghệ thông tin…

Ở VN, có thể thấy hình ảnh này rất rõ ở hai “đế chế” làm báo lớn là Tuổi Trẻ và Thanh Niên. Theo đó, ngày nay, độc giả không chỉ quen tìm kiếm Tuổi Trẻ và Thanh Niên mỗi buổi sáng đầu ngày trên các sạp báo, còn có thể tìm xem trên Internet ở các cổng thông tin chính mang tên các măng séc báo này, thậm chí được cung cấp những phiên bản qua mạng mobile… Kéo theo đó, các kênh công nghệ khác cũng được tích hợp và phát triển. Truyền hình Tuổi Trẻ, truyền hình Vietnamnet, kênh đọc báo qua phát thanh radio… trở nên quen thuộc với người đọc và nhu cầu quảng cáo của DN. 

Một cách nôm na, báo giới trong nước với xu hướng hội tụ và tích hợp, đã mở ra một thiên đường mới cho độc giả (thậm chí đến bội thực) về thông tin qua đủ các phương tiện nghe, nhìn, đọc… trên cùng một ấn phẩm hay phiên bản. Nhưng thiên đường thỏa mãn nhu cầu cho độc giả, không có nghĩa lúc nào cũng là thiên đường cho báo chí phát triển và khai thác kinh doanh. Hai câu chuyện đó không phải lúc nào cũng là một.

Việc tích hợp tư vấn truyền thông cho DN, cho các cơ quan nhà nước cũng ngày càng phát triển tại VN. Ngay cả các cơ quan bộ, ngành nhà nước đã bắt đầu mở cửa chào đón và song hành với các hoạt động tư vấn truyền thông, bảo trợ thông tin… với báo chí. Đó là một sự tiến bộ trông thấy. Có thể lấy NHNN là một ví dụ. Các lễ ký kết thỏa thuận hợp tác thông tin giữa cơ quan này với một số đơn vị báo chí gần đây đã xác nhận các nhà lãnh đạo và quản lý chính sách tiền tệ bắt đầu nhìn nhận khác hơn về tác động và định hướng thông tin xã hội của báo chí với chính sách tiền tệ quốc gia. Đây được dự báo sẽ là xu hướng, và cũng là “đất vàng” để báo chí thực sự khai thác quyền lực của mình hiện nay và tương lai.

Phân hóa

Một xu hướng khác cũng đang ngày càng hiện hữu trong giới làm báo VN, là sự phân hóa theo chiều sâu ngày càng rõ nét. Nhiều tòa soạn báo chuyên về một vũ khí công cụ, như báo điện tử, ngày càng nhiều hơn. Một TBT báo điện tử phía Nam thuộc thế hệ những người làm báo điện tử đầu tiên ở VN chia sẻ với người viết: “Thấy nhiều vậy, nhưng không có mấy tờ báo của ta lọt vào top xếp hạng cao của Alexa. Làm báo điện tử không hề dễ, phải có nghề và tư duy riêng, không “bê nguyên” báo in qua làm báo điện tử được!”. Có lẽ vì vậy mà đối với “dân” chuyên đọc báo điện tử, sự phân hóa trong lựa chọn cũng rất rõ ràng: những người làm tài chính thường đọc CafeF, sau nữa là các báo khác như Vietstock, StoxPlus… Dân “săn” hàng khuyến mãi thì vào các trang khuyến mãi. Dân làm đẹp, muốn tìm hiểu về thời trang công sở thì chọn Eva, Làm đẹp…

Sự thay đổi và phát triển các xu hướng làm báo mới mẻ, đầy đủ, chuyên sâu như đã phác thảo ở trên, cũng khiến (và phần nào đi theo/ bị tác động/ tác động trở lại) nhu cầu, xu hướng quảng cáo, truyền thông mới của DN. Đã và ngày càng có nhiều “định dạng” quảng cáo mới xuất hiện. Đơn cử riêng lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, các xu hướng biến hóa như mua theo nhóm hay quảng cáo hiệu quả ngày càng được khai triển thành những nhánh, chi tiết, sâu hơn, với các đơn vị tham gia “tranh miếng bánh” ngày càng quyết liệt hơn. Admarket của Admicro – Vccorp, Eclick của FPT, Trueclick của VNG, hay các mạng nhỏ hơn như Ambient của Ecom JSC, Lava Network và mới đây là Adsnet của Vivas – VNPT, cùng một loạt mạng hiển thị nước ngoài mới gia nhập thị trường VN và sự tham gia của cả ông lớn Google chính thức từ tháng 5 vừa qua tại thị trường VN có thể khiến thị trường này sẽ là một “bó đuốc” lớn, sôi động và khốc liệt, chưa kể sự cạnh tranh và tham gia cùng các hình thức quảng cáo ngày càng tinh vi của/trên mạng xã hội, trong thời gian tới đây.

Việc gì cũng có hai mặt. Càng phát triển, càng nhiều cơ hội lựa chọn và lan tỏa, thông tin sẽ càng đa dạng hơn, nhưng cũng càng dễ “loạn”, khó kiểm soát hơn. Báo chí như ngọn lửa có thể phát sáng, hay “đốt đền” theo cách của một người phụng sự tuyệt vời hay một ông chủ tồi đều vẫn phụ thuộc ngòi bút của người làm báo, định hướng của các tòa soạn báo, và ngoài ra cũng còn phụ thuộc vào việc báo chí xem các nhu cầu của người mồi lửa ở góc độ ra sao –  chỉ là DN đơn thuần hay báo chí với quyền lực thứ 4 và qua đó khai thác các hoạt động kinh tế để nuôi sống, phát triển quyền lực đó.

Theo DĐDN

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

18 + nine =

To Top