Connect with us

Khi doanh nghiệp điện tử chuyển vai

Tin trong nước

Khi doanh nghiệp điện tử chuyển vai

Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang xoay chuyển sang những lĩnh vực khác khi sản phẩm điện tử truyền thống thoái trào.

Thị trường điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng Việt Nam có quy mô 3-4 tỉ USD và tăng trung bình 25%/năm trong những năm tới (theo Công ty Nghiên cứu Thị trường GfK Việt Nam). Tuy nhiên, Belco, VTB và Hanel, 3 tên tuổi từng làm chủ thị trường nội địa thập niên 1990 với các dòng sản phẩm điện tử truyền thống, lại đang dần vắng bóng tại thành thị, trong các siêu thị điện máy lớn. Hiện nay, họ chỉ nắm 20% thị trường, phần còn lại thuộc về các hãng điện tử Nhật và Hàn Quốc như Toshiba, Sony, LG và Samsung.

Càng làm càng lỗ?

Năm 2008, liên doanh Orion – Hanel chuyên sản xuất đèn hình, phụ kiện tivi và máy tính bị phá sản. Liên doanh này đã quyết định mở rộng hoạt động sản xuất đèn màn hình màu CRT trong bối cảnh mảng công nghệ này đang thoái trào, được thay thế dần bằng dòng tivi công nghệ LCD và Plasma. Cộng với suy thoái kinh tế, khó khăn của Orion – Hanel tăng thêm bội phần và không thể tháo gỡ.

Cũng vì thế, số phận Hanel (công ty điện tử tại Hà Nội) trở nên chông chênh hơn bao giờ hết dù có tới hơn 20 công ty con, liên doanh, liên kết với nhiều sản phẩm mới. Ngoài những mặt hàng quen thuộc như tivi CRT, đầu đĩa DVD, Hanel đã có tivi LCD, máy lạnh, đầu thu truyền hình kỹ thuật số nhưng ít mẫu mã, tại nhiều siêu thị điện máy lớn không thấy hàng của Hanel.

Không biến động mạnh như Hanel nhưng VTB (Công ty Điện tử Tân Bình) cũng đang đối mặt với sự chuyển đổi của hệ thống phân phối (tập trung hơn vào siêu thị điện máy) và sự xuất hiện của các công ty bán lẻ nước ngoài. Giá xăng, dầu, điện tăng kéo theo chi phí sản xuất, vận chuyển tăng và việc tỉ giá biến động, lãi suất ngân hàng cao càng làm cho VTB thêm điêu đứng. Tính riêng 6 tháng cuối năm 2010, công ty này cho biết lỗ gần 5 tỉ đồng. Ông Ngô Văn Vị, Tổng Giám đốc VTB, nói thêm rằng nếu cứ duy trì sản xuất thì càng làm càng lỗ.

Nhưng không nên từ bỏ hẳn

Để cứu thương hiệu, các nhà sản xuất điện tử Việt Nam đang rục rịch chuyển chiến lược. Trong 3 thương hiệu kể trên, chỉ có Belco (Công ty Điện tử Biên Hòa) vẫn ưu tiên đầu tư nhóm sản phẩm truyền thống dành cho phân khúc người tiêu dùng thu nhập thấp. Trong khi đó, VTB và Hanel chuyển sang làm dịch vụ – thương mại, gia công phần mềm hay sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Tại đại hội cổ đông hồi tháng 3, VTB đã thông qua chiến lược kinh doanh năm 2011 với cơ cấu doanh thu và lợi nhuận nghiêng về thương mại – dịch vụ. Lĩnh vực cho thuê tài chính góp 50% lợi nhuận và phân phối linh kiện máy tính góp 20%. Nhưng tính đến thời điểm này, chiến lược của VTB có vẻ như đang lỡ dở.

Cách đây 1 năm, công ty này muốn liên doanh lập công ty địa ốc và dự định xây cao ốc tại quận Tân Bình (TP.HCM), nhưng các đối tác đều thoái lui vì thị trường bất động sản đã trở nên ảm đạm. VTB lại không thể tự đầu tư dự án đó với số vốn điều lệ 120 tỉ đồng, trong khi tổng vốn đầu tư dự án hơn 900 tỉ đồng, ước tính hơn 10 năm mới hoàn vốn. Sau đó, VTB đầu tư dự án quy mô vài chục tỉ đồng, nghĩa là không mua đứt lô đất mà thuê theo năm. Nhưng từ đầu năm đến nay, VTB chưa khởi công dự án nào.

Đối với Hanel, cách đây 4 năm đơn vị này đã ấp ủ kế hoạch làm gia công phần mềm và sản xuất sản phẩm công nghệ cao (máy tính để bàn tích hợp All In One, netbook và điện thoại 3G). Hiện nay, một số sản phẩm đã có mặt trên thị trường nhưng Hanel từ chối trả lời về số phận của chúng, trong khi nhận phân phối cho nhiều hãng máy tính ngoại.

Tuy nhiên, đã có 2 sự kiện đánh dấu sự chuyển hướng đột phá của Hanel. Thứ nhất, năm 2010, Hanel và Tập đoàn Công nghệ CMC đã đấu thầu tổ hợp nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao, năng suất dự kiến 2 triệu sản phẩm/năm. Thứ 2, Hanel chi 35 triệu USD xây Công viên Công nghệ Phần mềm Hà Nội (khởi công ngày 23.4) sẽ hoàn thành vào năm 2014 và có thể mang về cho Hanel 1 tỉ USD/năm.

Hanel tỏ ra tự tin đến vậy vì năm 2010, doanh số phần mềm Việt Nam cán đích 1 tỉ USD, tăng gấp 20 lần so với 10 năm trước đó và đến năm 2015 sẽ là 2 tỉ USD.

Việc chuyển hướng chiến lược của các công ty điện tử Việt Nam là một hướng đi hợp thời khi sản phẩm truyền thống thoái trào. Theo ông Phạm Thiện Nghệ, Tổng Thư ký Hội Tin học TP.HCM, một số công ty điện tử nhỏ hơn như Công ty Điện tử Bình Hòa, Công ty Điện tử Thủ Đức cách đây vài năm cũng đã chuyển qua làm gia công phần mềm và đã khá thành công, vì đi theo chiến lược phát triển công nghệ phần mềm chung của Việt Nam.

Đồng quan điểm trên nhưng ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc Điều hành Quỹ DFJ, từng có 10 năm làm Tổng Giám đốc Intel Việt Nam, lại cho rằng các công ty sẽ tốn nhiều chi phí và thời gian để tìm chỗ đứng trên thị trường.

Theo ông, các công ty phải đối mặt với 3 vấn đề. Thứ nhất là về gia công phần mềm, phải cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn đi trước như FPT Software, Global CyberSoft, TMA Solutions. Thứ hai, sản xuất sản phẩm công nghệ cao vốn là “vai chính” của các thương hiệu ngoại. Vấn đề cuối cùng và lớn nhất vẫn là con người. Bất cứ doanh nghiệp nào tham gia lĩnh vực này cũng đều chưa xử lý được vấn đề số lượng và chất lượng nhân lực.

Vì vậy, ông Phúc nhận định rằng thị trường lúc nào cũng có chỗ cho thương hiệu điện tử nội nếu họ biết khai thác thế mạnh và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chẳng hạn 2 thương hiệu điện thoại nội Q-Mobile và F-Mobile đang tập trung vào các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Và Hanel, theo ông, nên đi theo hướng này và chuyên nghiệp hóa dịch vụ, chế độ chăm sóc khách hàng, khai thác nội dung bằng tiếng Việt.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

16 + 18 =

To Top