Connect with us

Khi bà Lệ ra tay

Tình huống thương hiệu

Khi bà Lệ ra tay

Sóng gió nổi lên và bà Lệ đã vào cuộc, trực tiếp tham gia điều hành Nutifood. Đang lỗ, Công ty nhanh chóng có lãi trở lại. Bà Lệ cho rằng khủng hoảng là cơ hội và để đón đầu cơ hội mới, Nutifood sẽ đầu tư mạnh, nhất là bộ phận nghiên cứu và phát triển.

Nutifood đã rơi vào khủng hoảng và lỗ lên tới 148 tỉ đồng vào năm 2008. Bà Trần Thị Lệ đã vào cuộc, lèo lái Nutifood trở về quỹ đạo.

Tại sao tăng trưởng liên tục nhưng đến năm 2008 Nutifood lại lỗ?

Tôi làm Tổng Giám đốc Nutifood từ cuối năm 2000 đến 2007. Sau đó, Công ty thuê CEO bên ngoài. Đến ngày 25.9.2007, Công ty Cổ phần Kinh Đô và Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood đã hợp tác toàn diện. Kinh Đô nắm giữ 24,7% cổ phần của chúng tôi và cùng xúc tiến các hoạt động kinh doanh đa ngành, kể cả bất động sản. Tuy nhiên, cái bắt tay này không mang lại hiệu quả. Năm 2008, kinh tế Việt Nam gặp khó khăn và Nutifood cũng bị ảnh hưởng. Trong năm này, chi phí vận hành đã tăng từ 5 tỉ đồng lên 53,6 tỉ đồng, chi phí bán hàng tăng từ 108,2 tỉ đồng lên 137,2 tỉ đồng. Kết quả, lần đầu tiên sau 8 năm hoạt động, Nutifood lỗ tới 148 tỉ đồng.

Và bà đã quyết định ngồi lại ghế điều hành để cứu lỗ?

Tháng 6.2008, theo yêu cầu của Hội đồng Quản trị, tôi quay lại điều hành Công ty trước muôn vàn khó khăn. Tôi bắt tay tái cấu trúc các phòng ban, bộ phận theo thứ tự ưu tiên từ việc lớn đến việc nhỏ. Đây là thời điểm thử thách nhất đối với Nutifood. Chiến lược tái cấu trúc của tôi dần phát huy tác dụng và sang năm 2009, Nutifood có lãi 51 tỉ đồng.

Vậy có thể nói, bà thất bại trong việc thuê CEO ngoài?

Câu này tôi không nên trả lời có được không?

 

Bà từng nói ngồi vào vị trí CEO của Nutifood chỉ là tình cờ, bà nghĩ mình có tố chất làm lãnh đạo tốt không?

Tôi xuất thân là một bác sĩ nên ít nhiều có chuyên môn trong ngành dinh dưỡng và đây cũng là một lợi thế để điều hành một doanh nghiệp sữa. Sau khi Nutifood thành lập năm 2000, tôi làm trợ lý Tổng Giám đốc và sau đó được giao nắm giữ vị trí này vì Tổng Giám đốc cũ chuyển sang làm việc khác. Về tố chất lãnh đạo, tôi cho rằng, phải được tích lũy theo năm tháng chứ không thể có ngay được. Tất nhiên, tỉ lệ tăng trưởng bình quân từ 35%/năm hiện nay của Nutifood so với mức chung của ngành là 10% đã phần nào trả lời cho câu hỏi này.

Triết lý kinh doanh của bà là gì?

Được kinh doanh ngành yêu thích nhằm phục vụ nhu cầu dinh dưỡng cho cộng đồng là niềm vui và hạnh phúc lớn. Đây cũng là triết lý kinh doanh của tôi. Vì vậy, mỗi lần tung ra sản phẩm mới, chúng tôi đều lồng vào một chương trình cộng đồng. Năm nay, Nutifood có chương trình cộng đồng khá lớn với ngân sách vài chục tỉ đồng.

Bà làm CEO từ năm 2008 thì tới tháng 5.2011, quỹ đầu tư Nhật mua 37% cổ phần Nutifood. Dường như Công ty có thay đổi chiến lược?

Chiến lược của Nutifood vẫn là tập trung sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng. Riêng thương vụ Quỹ DI mua cổ phần Nutifood hoàn toàn khác so với Kinh Đô. Chiến lược của DI là nhắm vào các công ty tư nhân Việt Nam trong 3 lĩnh vực hàng tiêu dùng, dược phẩm và bán lẻ với số vốn đầu tư cho mỗi công ty khoảng 13 triệu USD. Năm 2011, Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen đã xếp Nutifood vào top 5 thương hiệu điển hình của Việt Nam và dẫn đầu về thị phần các mặt hàng sữa bột nguyên kem và sữa trẻ em. Với tiềm năng tăng trưởng khoảng 35%/năm, Nutifood đã lọt vào mắt của DI.

DI có can thiệp vào chiến lược của Nutifood?

Quỹ DI có một người tham gia Hội đồng Quản trị Nutifood và sẽ kêu gọi các nhà đầu tư mới trong ngành thực phẩm Nhật và các nước khác hợp tác với Nutifood. Năm 2012, với sự tham gia của đối tác Nhật, Nutifood đặt mục tiêu lợi nhuận khoảng 30% trên vốn điều lệ.

 

Còn kế hoạch tung ra sản phẩm mới và niêm yết cổ phiếu?

Chúng tôi sẽ giới thiệu một số sản phẩm mới trong năm 2012. Nutifood vẫn tập trung vào các kênh bán hàng chính là bệnh viện, trường học, siêu thị, tiệm tạp hóa… Chi phí cho tiếp thị sẽ tăng khoảng 15% so với năm 2011. Với tình hình kinh tế hiện nay, Nutifood chưa có kế hoạch niêm yết. Nhưng chúng tôi tiếp tục theo đuổi kế hoạch này trong năm sau. Khủng hoảng cũng là cơ hội và nếu biết tận dụng để tiếp tục đón đầu là một điều tốt. Vì vậy, Nutifood sẽ đầu tư mạnh trong năm nay, nhất là nghiên cứu và phát triển (R&D).

Cụ thể mức đầu tư cho R&D là bao nhiêu?

Điểm mạnh của Nutifood là các sáng lập viên và ban lãnh đạo đều xuất phát từ ngành y nên có chuyên môn về dinh dưỡng. Vì vậy, chúng tôi chủ trương đi trước và nghiên cứu để tung ra các sản phẩm mới. Hiện bộ phận R&D đã lên kế hoạch cho các sản phẩm mới trong 2-3 năm tới. Ngân sách R&D năm 2012 của Nutifood sẽ tăng khoảng 200% so với năm 2011 và là mức cao nhất từ năm 2000 đến nay.

Lãi vay hiện là vấn đề thế nào với Nutifood?

Năm 2012 chúng tôi sẽ hạn chế tối đa việc vay vốn ngân hàng, sử dụng nguồn lực tự có. Bộ phận lên kế hoạch kinh doanh phải hạn chế chi phí tồn kho, đồng thời yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu cho chúng tôi trả chậm trong 45 ngày.

Trong tương lai, bà có định tìm người thay mình?

Tôi đã cam kết với Quỹ DI sẽ làm Tổng Giám đốc Nutifood ít nhất là đến năm 2015.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eight − two =

To Top