Connect with us

Hàng triệu doanh nghiệp Mỹ chật vật ‘vượt bão’ Covid-19

Tin quốc tế

Hàng triệu doanh nghiệp Mỹ chật vật ‘vượt bão’ Covid-19

Theo New York Times, hàng triệu doanh nghiệp Mỹ điêu đứng vì đại dịch, một số tìm đến các ứng dụng ảo để tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công.

Theo New York Times, John Kapon – Chủ tịch của Acker Merrall & Condit, một cửa hàng rượu vang hảo hạng 200 năm tuổi – đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh qua nền tảng Zoom. Đó là cách làm mà ông Kapon và chủ các doanh nghiệp nhỏ khác chưa bao giờ nghĩ đến trước khi đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế Mỹ.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm 16/4, tuần qua, có đến hơn 5,2 triệu người lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, chỉ trong vỏn vẹn một tháng, ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến 22 triệu người Mỹ mất việc làm.

Việc đóng cửa doanh nghiệp không thiết yếu và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khiến doanh số của các cửa hàng sụt giảm. Họ phải chật vật tìm cách tiếp cận khách hàng.

Nếm rượu ảo

Ông Kapon đã thiết lập một hệ thống cho phép các chuyên gia nếm thử rượu vang rồi chia sẻ với khách hàng.

“Mục đích chính của chúng tôi là uống và chia sẻ rượu vang với khách hàng. Ứng dụng Zoom cho phép tôi làm điều đó với 50-60 người”, ông Kapon chia sẻ.

Khi đại dịch kết thúc, ông dự định tiếp tục chương trình nếm rượu ảo và đấu giá trực tuyến hàng tuần. “Tôi nhớ không khí trong phòng đấu giá, nơi những người yêu rượu mang theo chai rượu yêu thích của mình và đấu giá các món hàng với giá hàng nghìn USD. Tuy nhiên, đại dịch khiến tôi cân nhắc về chiến lược kinh doanh trực tuyến”, ông Kapon nói thêm.

Theo ông, đơn đặt hàng trực tuyến của cửa hàng đã tăng 300% trong tháng trước. Thương mại điện tử và đấu giá trực tuyến có đóng góp lớn vào doanh thu của Acker ở quý đầu tiên. Các cuộc đấu giá tại Hong Kong và New York chiếm phần lớn doanh số công ty. Tuy nhiên, doanh thu trong những phiên đấu giá vào tháng 3 và đầu tháng 4 chỉ khoảng 7 triệu USD, thấp hơn 2 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Các lệnh phong tỏa nhằm ngăn ngừa virus corona lây lan đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Mỹ. Nếu không có sự hiện diện của thương mại điện tử, doanh số của các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và khách sạn sẽ bằng 0.

Tuy nhiên, một số doanh nhân đã tìm cách kết nối với khách hàng để duy trì hoạt động kinh doanh. “Sự nhanh nhạy là một lợi thế của các doanh nghiệp nhỏ so với những đối thủ lớn hơn”, New York Timesdẫn lời ông Josh Baron tại Trường Kinh doanh Columbia nhận định.

“Khi thời gian là yếu tố cốt yếu, khả năng chuyển đổi nhanh là một lợi thế rất lớn. Tôi không muốn vẽ một bức tranh màu hồng, nhưng sau khi giảm thiểu thiệt hại hết mức có thể, làm cách nào để chuyển nguồn lực sang phía bên kia?”, ông nói thêm.

Câu trả lời là đổi mới công nghệ có sẵn.

Sự nhạy bén

Công ty phân tích dữ liệu Digital Reasoning đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để quét kết quả xét nghiệm y tế và chẩn đoán ung thư. Hiện, nó sử dụng công nghệ tương tự để xác định bệnh nhân nhiễm Covid-19.

“Chúng tôi mất rất ít công sức để thay đổi mô hình”, Phó chủ tịch Chris Cashwell của công ty tiết lộ.

Laurel Taylor, nhà sáng lập kiêm CEO của FutureFuel, cho biết công ty mới bổ sung hai tính năng để đối phó với tình hình hiện tại. FutureFuel Cares giúp người vay tự động đăng ký vào chương trình xóa nợ miễn phí, trong khi FutureFuel GiveBack tìm kiếm khoản hoàn tiền từ việc mua hàng hóa từ 450 thương hiệu.

Sau 5 năm xây dựng công ty đồ nội thất Drift, anh Aaron Moreno đang thực hiện các dự án quy mô lớn như cung cấp bàn, cửa, tủ cho hàng loạt nhà hàng và biệt thự ở Palm Beach (Florida).

Nhưng giờ, công ty của anh đang chuyển sang xây dựng kệ và bàn coffee nhỏ. Mọi sản phẩm phải đủ nhỏ để một người làm và khách hàng có thể lắp đặt mà không cần sự giúp đỡ.

“Tôi có rất nhiều thợ thủ công chất lượng và không muốn mất họ”, anh nói.

Còn cản trở

Tuy nhiên, chiến lược này không thể thay thế những gì mà công ty làm được trước đây. Một chiếc bàn tại nhà hàng có thể thu về 7.000 USD, trong khi bàn coffee nhỏ chỉ có giá 500-1.000 USD.

Dù vậy, anh Moreno vẫn lạc quan về ngành kinh doanh mới. “Khi thế giới mở cửa trở lại, tôi không nghĩ rằng mọi thứ vẫn diễn ra như vậy. Những gì tôi hy vọng học được là làm cách nào để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng”, anh nói thêm.

Trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nhân bị shock bởi cuộc khủng hoảng và không tìm ra lối thoát. Hàng triệu doanh nghiệp nhỏ nộp đơn xin vay khẩn cấp. Nhưng Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp nhỏ đã cạn tiền vì Chương trình Bảo vệ Thu nhập trị giá 349 tỷ USD.

Phòng thể hình Gympass của ông Cesar Carvalho không có kế hoạch dự phòng. “Tất cả phòng tập thể hình mà chúng tôi quản lý trên mọi quốc gia đều đóng cửa. Yếu tố cốt lõi của mô hình nằm ở sự tham gia trực tiếp của khách hàng. Chúng tôi không có giải pháp trực tuyến nào”, ông Carvalho than thở.

Trong tháng vừa qua, ông đã bổ sung hai chương trình trực tuyến. Đó là bộ sưu tập ứng dụng chăm sóc sức khỏe và hệ thống trả tiền cho các đối tác của công ty khi thực hiện lớp học trực tuyến.

“Chúng tôi đã hướng dẫn các phòng tập về cách tính phí và khuyến khích ý thức cộng đồng”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, những thay đổi nhanh chóng như vậy không hoàn toàn suôn sẻ. Tại buổi thử rượu vang, ông Kapon thảo luận về vị của ly rượu và hỏi cảm nhận của khách hàng như thể họ đang có mặt trong phòng.

Nhưng vấn đề là phải làm gì với 4 chai rượu đã mở khi tất cả người tham dự đều là khách hàng ảo?

Theo Zing

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

9 − nine =

To Top