Connect with us

Doanh nhân Việt trong dòng chảy mạng xã hội

Tình huống thương hiệu

Doanh nhân Việt trong dòng chảy mạng xã hội

Ông Nguyễn Hải Triều, GĐ điều hành Cty Pyramid Consulting chia sẻ: “Tham gia các mạng cộng đồng doanh nhân, hai lợi ích lớn nhất đối với tôi là mở rộng mạng lưới quan hệ cá nhân, chia sẻ và học hỏi từ những người xung quanh. 

Những lợi ích khác, ít quan trọng hơn nhưng không thể không kể ra đó là xây dựng thương hiệu, thể hiện bản thân và tuyển dụng nhân sự”.

Ông Hải Triều là một trong số rất nhiều doanh nhân đã và đang bắt đầu hiện diện trên thế giới tưởng là ảo nhưng lại tạo ra nhiều ảnh hưởng thật đối với xã hội nói chung: Mạng cộng đồng doanh nhân.

Mạng cộng đồng doanh nhân – dòng chảy mới

Theo số liệu tính đến hết tháng 9/2011 của Tổng cục Thống kê, số người dùng internet ở VN đã đạt đến con số 37,1 triệu, chiếm 36.4% dân số nước ta và đang có chiều hướng tăng nhanh.

Thống kê hồi tháng 12/2010 của comScore – tổ chức chuyên về đo lường truyền thông trực tuyến có uy tín nhất thế giới hiện nay, cho thấy xu hướng sử dụng mạng xã hội ở VN đang tăng nhanh. Theo báo cáo của comScore, tính đến hết tháng 12/2010, trong tổng số người dùng internet ở VN, số người sử dụng mạng xã hội ở đã lên đến 87%.  

Nguồn: Tổng Cục Thống Kê

Nếu như Facebook – mạng xã hội kết nối bạn bè, cập nhật tin tức và hình ảnh… được đông đảo người dùng internet ở VN sử dụng (gần 1,7 triệu người, tính đến tháng 6/2011, nguồn: www.internetworldstats.com) thì Linkedin – mạng xã hội nghề nghiệp lớn nhất thế giới hiện nay chỉ mới thu hút gần 100.000 người dùng ở Việt Nam (số liệu tính đến tháng 10/2011). Trên bình diện toàn cầu, LinkedIn hiện có hơn 120 triệu thành viên và ước tính bình quân mỗi giây, trang này có thêm một thành viên mới.

Tại Việt Nam, một số mạng cộng đồng định vị riêng cho giới đi làm và doanh nhân bao gồm: Anphabe.com, Motibee, Nes.vn, Caravat.com, Cyvee… trong đó, Cyvee và Caravat.com đã chính thức ngừng hoạt động. Chưa kể một số cộng đồng nhỏ hoạt động trên nền LinkedIn như VinaHR (trên 7.700 thành viên), Linkin Vietnam (trên 5.500 thành viên), Vietnam Jobs (trên 4700 thành viên)… Trên Facebook hiện cũng đang tồn tại một số nhóm nghề nghiệp đáng chú ý như Launch (trên 1.700 thành viên) – một sân chơi dành cho cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam hay Open Consultant (hơn 1.600 thành viên) – cộng đồng Công nghệ thông tin.

Nói về Anphabe.com, tuy mới ra đời chưa đến một năm nhưng số lượng thành viên của trang này đang có xu hướng tăng nhanh. Theo bà Thanh Nguyễn – CEO Anphabe.com, thành viên của Anphabe.com đã xấp xỉ con số 20.000, bao gồm các đối tượng có từ 2-3 năm kinh nghiệm làm việc trở lên cho đến các cấp quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp. Hiện trang này đang tổ chức một số cuộc thivới mục tiêu khuyến khích thành viên mở rộng mạng lưới và xây dựng nội dung, giải thưởng là vé tham dự hội thảo do diễn giả hàng đầu thế giới Brian Tracy trực tiếp huấn luyện vào tháng 12 năm nay, tổng giá trị giải thưởng lên đến 150 triệu đồng.

Nhìn chung, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông trực tuyến dự đoán mạng xã hội nói chung sẽ còn phát triển mạnh ở VN với rất nhiều tiềm năng. Trong đó, mạng cộng đồng dành cho giới đi làm và doanh nhân tuy là thị trường ngách nhưng sẽ là một mảnh đất màu mỡ.

Một thành viên trên Anphabe.comchia sẻ, tham gia mạng xã hội nói chung giúp giải quyết các nhu cầu tâm lý con người theo mô hình Maslow, bao gồm: Tầng 1: Các nhu cầu căn bản nhất. Ví dụ: Tìm một công việc hoặc một mối quan hệ có thể giúp bạn liên lạc dễ dàng hơn để thuê một căn nhà giá rẻ tại Hà Nội hoặc tham gia vào một khóa học đào tạo… Tầng 2: Nhu cầu an toàn – cần có cảm giác an toàn thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản. Ví dụ cụ thể: bạn có thể kết bạn với người bán cho bạn một căn nhà với giá tốt hoặc người giúp bạn tìm một công việc tốt hơn. Tầng 3: Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc – muốn được trong một nhóm cộng đồng nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy. Khi bạn có một ngày tồi tệ hoặc nếu bạn cảm thấy tự tin trao đổi về việc thành lập ra một công ty, bạn có một ‘gia đình’ sau lưng mình. Tầng 4: Nhu cầu được quý trọng, kính mến. Khi ba nhu cầu trên đã được thỏa mãn, nhu cầu vị thế ngày càng trở nên quan trọng. Bạn đã đạt được trình độ chuyên môn cao trong một vài lĩnh vực, nhưng công việc quá hạn hẹp, bạn không được công nhận là bạn tuyệt vời như thế nào, và bạn muốn thể hiện rằng mình không chỉ là kỹ sư của một công ty máy tính danh tiếng… Tầng 5: Nhu cầu về tự thể hiện bản thân. Đây là mức cao nhất của hệ thống phân cấp nhu cầu của Maslow. Bạn tự nhận thức, quan tâm đến phát triển cá nhân, ít quan tâm đến ý kiến của người khác và quan tâm thực hiện cơ hội của họ. Ví dụ: Bạn muốn có tất cả cái bạn có thể có được, muốn giúp VN thành lập ra nhiều doanh nghiệp tư nhân, hoặc hướng dẫn tư duy về phát triển xanh và bền vững hay giúp đỡ mọi người đạt đến thành công…

Cách lý giải này giúp ta thấy được ở góc độ cá nhân, vì sao doanh nhân càng ngày càng chủ động tham gia vào các mạng cộng đồng nghề nghiệp và chuyên môn, nơi họ có thể gặp gỡ và giao lưu với những người có cùng mối quan tâm.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Ở góc độ doanh nghiệp, mạng xã hội nói chung và mạng cộng đồng trí thức và doanh nhân nói riêng là một kênh quảng bá thương hiệu, phát triển và chăm sóc mạng lưới khách hàng khá hữu hiệu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa có nhiều DN VN thực sự hiểu và sử dụng các kênh này hiệu quả. Theo kết quả khảo sát mới đây của Vinalink (công ty chuyên về dịch vụ khảo sát, marketing trực tuyến), hiện nay mới “chỉ có 1% doanh nghiệp nội địa Việt Nam quan tâm đến mạng xã hội”.

Trong khi đó, kết quả khảo sát hồi tháng 8/2011 của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy so với mặt bằng chung của thế giới, người tiêu dùng ở Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi các mẩu quảng cáo trực tuyến, đặc biệt là các nội dung quảng cáo có định hướng tới người dùng, thông qua các mạng xã hội.

Bạn đã bao giờ “thích” hoặc “theo” một thương hiệu, công ty hoặc một người nổi tiếng trên mạng xã hội bao giờ chưa?

Nguồn AC Nielson Việt Nam

Từ bản báo cáo của Nielsen, người ta thấy có đến 69% người tiêu dùng ở Đông Nam Á đã “thích” hoặc “theo” một thương hiệu hoặc công ty, cao hơn nhiều so với bình quân thế giới là 52% và đặc biệt cao ở các quốc gia như Việt Nam (79%) và Philippines (75%). Hơn thế nữa, các trang web có nội dung được xây dựng từ người dùng là hình thức được người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á tin tưởng nhất. Nhìn chung, 54% “hoàn toàn” hoặc “một phần” tin tưởng vào ý kiến của người tiêu dùng đăng trực tuyến.

Mức ảnh hưởng của quảng cáo trực tuyến lên người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á

Nguồn AC Nielson Việt Nam

Rõ ràng, truyền thông tiếp thị thông qua mạng xã hội và các mạng cộng đồng nhắm đến đúng đối tượng mục tiêu của DN là một tiềm năng rất lớn, dự kiến trong tương lai sẽ còn phát triển mạnh mẽ. Tổng giám đốc bộ phận tiếp thị khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Châu Phi của Nielsen, ông David Webb nhận định: “Khi mạng xã hội đang nhanh chóng trở thành các hoạt động chủ đạo trong khu vực, doanh nghiệp cần phải nhanh chóng bắt kịp xu hướng am hiểu và kết nối tới khách hàng của mình khi thực hiện chiến lược quảng cáo, tiếp cận và đối thoại”. Hay nói cách khác, biết khách hàng của anh đang ở điểm A mà không tìm cách đối thoại với họ ở đúng chỗ thì chẳng khác nào DN tự ném tiền qua cửa sổ.

Thành viên mạng đang làm gì ?

Nếu như các thành viên Facebook chủ yếu kết nối và cập nhật tin tức, hình ảnh và video thì các thành viên tham gia LinkedIn chủ yếu là nhân viên và lãnh đạo các doanh nghiệp về công nghệ. Một tỷ lệ nhỏ là các giáo viên, giảng viên đại học và các nhóm đối tượng trí thức khác trên toàn cầu. Họ chủ yếu tạo bản “profile” (một dạng hồ sơ việc làm trực tuyến, cho biết những kinh nghiệm làm việc của thành viên), kết nối với những người cùng nhóm nghề nghiệp và cùng mối quan tâm, tìm kiếm cơ hội tuyển dụng và thảo luận một số đề tài chuyên môn.

Còn các hoạt động chủ yếu trên Anphabe.com – mạng cộng đồng doanh nhân dành cho giới chuyên môn và lãnh đạo doanh nghiệp lớn nhất tại VN hiện nay bao gồm các mục thảo luận giữa các thành viên với nhau và với các diễn giả khách mời của Anphabe.com. Trang này đưa ra triết lý hoạt động “Chia sẻ để thành công” và theo bà Thanh Nguyễn, CEO của Anphabe.com phát biểu thì họ đang cố gắng đa dạng hóa các kênh “Chia sẻ để thành công” thông qua diễn đàn trực tuyến, các sự kiện offline, báo in và chương trình truyền hình nhằm đem kiến thức, kinh nghiệm của các doanh nhân thành đạt đến càng gần người đi làm càng tốt.

Doanh nhân vốn bận rộn, đồng thời họ cũng là những người có nhu cầu hiện thực hóa bản thân và tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến người khác. Chính vì vậy, trong dòng chảy của mạng xã hội nói chung và mạng cộng đồng doanh nhân tại Việt Nam nói riêng, họ dường như khó có thể đứng ngoài cuộc.

Nói vui theo ngôn ngữ của cư dân mạng thì khi offline, hình ảnh của một doanh nhân thể hiện qua bộ vest lịch lãm, máy tính xách tay đời mới, chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng sành điệu, xe hơi sang trọng… Còn trong thế giới trực tuyến, hình ảnh doanh nhân thể hiện qua các dòng “Sent from my Ipad” – Gửi từ Ipad, “Sent from my Iphone” – Gửi từ Iphone, “Sent from my Blackberry” – Gửi từ Blackberry… ở cuối một bức thư điện tử. Và còn có một nơi mới, chốn các doanh nhân Việt đang bắt đầu hiện diện và khẳng định mình: Mạng cộng đồng doanh nhân.

Theo DĐDN

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

8 − seven =

To Top