Connect with us

MySpace lạc lối

Tình huống thương hiệu

MySpace lạc lối

Những người từng gắn bó với MySpace không khỏi ngạc nhiên với số phận của một trang web từng có số lượng truy cập cao hơn cả Google và YouTube.

Ra đời năm 2003, MySpace (Mỹ) từng là mạng xã hội phổ biến nhất thế giới, một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hàng chục triệu người. Tại thời điểm cực thịnh vào tháng 12.2008, MySpace đã thu hút 75,9 triệu lượt truy cập mỗi tháng chỉ riêng ở Mỹ và có hơn 200 triệu thành viên trên thế giới. Tuy nhiên, đến tháng 5 năm nay, 2 con số trên đều sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn 34,8 triệu lượt truy cập mỗi tháng và chưa đến 30 triệu thành viên. Doanh thu của MySpace cũng rơi từ 470 triệu USD năm 2009 xuống còn khoảng 184 triệu USD trong năm 2011, theo ước tính của Hãng nghiên cứu Thị trường EMarketer.

Cuối tháng 6.2011, NewsCorp (Úc) đã đồng ý bán MySpace cho Công ty Quảng cáo Kỹ thuật số Specific Media (Mỹ) với giá 35 triệu USD, thấp hơn nhiều so với 580 triệu USD NewsCorp đã bỏ ra để mua MySpace vào năm 2005. Trong số các đối thủ ra đời sau, mạng xã hội Twitter được định giá 4,5 tỉ USD (theo Ngân hàng JP Morgan), mạng mua chung Groupon 25 tỉ USD (theo Bloomberg), mạng xã hội Facebook đến 50 tỉ USD và hứa hẹn đạt 100 tỉ USD nếu chào bán cổ phiếu ra công chúng thành công vào đầu năm 2012 (theo Ngân hàng Goldman Sachs).

Vậy do đâu MySpace thất bại?

 

Đánh mất văn hóa doanh nghiệp

Tờ BusinessWeek đã phỏng vấn gần 20 cựu nhân viên của MySpace và nhờ đó, những rạn nứt trong mối lương duyên 6 năm giữa MySpace và News Corp của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đã dần được hé lộ.

Khi mới mua lại MySpace, Murdoch trao toàn quyền định hướng và phát triển cho Chris DeWolfe và Tom Anderson, 2 người đã sáng lập ra MySpace. Theo đó, MySpace phải trở thành một thế lực của thế giới mạng, có hơn 400 triệu người dùng và giá trị hàng tỉ USD trước năm 2015. Nhưng rồi mọi chuyện dần diễn ra theo chiều hướng xấu. “Sau khi được News Corp. mua lại, xung đột văn hóa bắt đầu xuất hiện. Chúng tôi dành phần lớn thời gian cho hội họp và báo cáo, chờ sự phê duyệt của 3 cấp độ quản lý khác nhau. Và hậu quả khó tránh khỏi là ngày càng mất tập trung khỏi định hướng ban đầu”, DeWolfe chia sẻ. Mọi việc còn tồi tệ hơn sau khi DeWolfe và Anderson từ chức. Những người thay họ chưa bao giờ là người thấu hiểu MySpace. Các tổng giám đốc cứ đến rồi đi chỉ trong vài tháng.

“Ngày thứ Sáu hạnh phúc” là một nét văn hóa gắn kết mỗi thành viên của MySpace, khoảng thời gian mà mọi nhân viên quây quần quanh chiếc máy ép nước hoa quả hay thưởng thức các suất ăn uống tại quán cà phê của Công ty. Năm 2009, khi tình hình kinh doanh bắt đầu khó khăn, News Corp đã tăng giá thức ăn, nước uống tại quán. Thậm chí, News Corp còn bán đấu giá chiếc máy ép hoa quả trên trang eBay. Như giọt nước tràn ly, MySpace rơi vào tình huống không thể cứu vãn khi không còn những người tâm huyết sẵn sàng chung tay vượt qua khó khăn.

Tự biến thành tiệm tạp hóa

Trong lúc các mạng xã hội Facebook, Tumblr và Twitter nhận được vốn từ các quỹ đầu tư thì MySpace phải đứng trước áp lực về chỉ tiêu doanh thu quảng cáo. “Có những điều chúng tôi nghĩ sẽ có ích cho khách hàng nhưng lại không thể thực hiện vì những giải pháp này có thể làm giảm số lượt xem trang web, dẫn đến giảm doanh thu quảng cáo,” Shawn Gold, Cựu Giám đốc phụ trách Tiếp thị và Nội dung của Myspace, cho biết.

Việc ồ ạt tăng doanh thu từ quảng cáo cũng khiến những tiêu chuẩn xét duyệt nội dung và đối tác quảng cáo của MySpace trở nên lỏng lẻo. Hậu quả là người sử dụng phải chịu đựng một giao diện đầy những quảng cáo phiền toái.

Mải mê tìm mọi cách để gia tăng số lượng người dùng khiến MySpace tự biến mình thành một tiệm tạp hóa với đủ các món họ nghĩ người dùng cần. Họ tự thiết kế các ứng dụng như nhắn tin, video, karaoke, sách do MySpace giới thiệu… Trong khi đó, facebook xây dựng một nền tảng vững chắc, cho phép các nhà phát triển độc lập tự do xây dựng những ứng dụng theo ý họ.

“Chúng tôi muốn tự mình tạo ra mọi thứ với tư duy, nếu chúng ta làm được thì việc gì phải thuê bên thứ ba?”, DeWolfe cho biết. Chính vì thế, nguồn lực ở MySpace bị phân tán, họ chạy theo những công việc không phải thế mạnh của mình trong khi bỏ lỡ cơ hội phát triển những thị trường ngách như ứng dụng karaoke trực tuyến hay giúp người dùng cập nhật danh bạ.

Phân tán nguồn lực cũng khiến MySpace mất đi văn hóa kiểm tra sản phẩm trước khi đưa chúng đến tay người sử dụng. Năm 2006, Tòa án bang Connecticut, Mỹ, chính thức điều tra MySpace vì nhiều thành viên đã lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý nội dung của trang này để truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Danh tiếng MySpace bị giảm một cách thê thảm và facebook đã nhanh chân bắt lấy cơ hội này để gieo trong đầu người sử dụng thông điệp: “Bạn hoàn toàn an toàn khi tham gia facebook.”

Lạc nhịp thời đại

Áp lực tăng trưởng nóng khiến MySpace phải lựa chọn một ngôn ngữ lập trình đơn giản và dễ dùng là ColdFusion. Theo đánh giá của giới tin học, ngôn ngữ này giống như một trò chơi của trẻ con. Nhưng MySpace bị ru ngủ khi có thời điểm, công cụ này giúp họ phát triển khá nhanh và thách thức nhiều đối thủ. Với con số tăng trưởng 300.000 người sử dụng/ngày, khó có ai tại MySpace chịu chấp nhận một thực tế, đó là mọi chuyện đang dần vuột khỏi tầm kiểm soát của họ.

Khi mã nguồn mở trở nên thịnh hành, MySpace nhận thấy đã quá muộn để từ bỏ ColdFusion bởi quá trình chuyển đổi sang mã nguồn mở có thể khiến trang này đóng cửa vài năm và đánh mất danh tiếng. Giải pháp dễ nhất là chuyển sang nền tảng .NET của Microsoft, được đánh giá là kém linh hoạt và ít được lựa chọn.

Khi đã mất hết những người tâm huyết, khi vấn đề không chỉ ở sản phẩm và khi chính Murdoch không còn mặn mà với MySpace thì mạng xã hội này khó tránh khỏi kết cục xấu. “MySpace sẽ trở lại nếu như có người lãnh đạo dám viết lại ước mơ,” DeWolfe, 1 trong 2 người sáng lập MySpace, nhận xét.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

6 − six =

To Top