Connect with us

Doanh nhân nữ Việt Nam nhạy bén với thương mại điện tử

Tin trong nước

Doanh nhân nữ Việt Nam nhạy bén với thương mại điện tử

Theo thống kê mới nhất từ Tập đoàn Thương mại điện tử hàng đầu thế giới Alibaba, Việt Nam hiện đang đứng thứ tư toàn cầu về số lượng doanh nhân nữ đăng ký tham gia xuất khẩu trực tuyến. Ba nước có thứ hạng cao hơn là Mỹ, Úc và Malaysia. 

Đây là con số hết sức ấn tuợng đối với sự phát triển thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam nói chung và nữ doanh nhân nói riêng.

Phụ nữ Việt Nam giỏi khai thác TMĐT

Với sự bùng nổ của Internet, không ai phủ nhận sự phát triển của TMĐT đã mang lại lợi ích rất lớn cho những ai kinh doanh trực tuyến. Hiện tại, việc đăng ký mở một gian hàng qua mạng đã đơn giản hơn rất nhiều do không phải đau đầu về việc thiết kế website, mua và duy trì tên miền, bảo trì, thuê máy chủ, chi phí marketing, chiến lược tìm kiếm thị trường xuyên biên giới, giảm thiểu lưu kho tồn hàng, không cần quá nhiều kiến thức kinh doanh… nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí, đặc biệt có thể quản lý từ xa. 

Trong khoảng thời gian 3 năm trở lại đây, TMĐT, đặc biệt xuất khẩu trực tuyến đã mở ra nhiều cơ hội giao thương xuyên biên giới cho người làm kinh doanh. Tuy nhiên, việc bán hàng online trên các sàn thương mại quốc tế vẫn là một bài toán khó với các doanh nghiệp, bởi ngoài những rào cản cố hữu về ngôn ngữ, sự khác nhau về văn hóa, khó khăn về phương thức thanh toán thì kiến thức và kỹ năng giao thương trực tuyến hiệu quả vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng và cũng là thử thách, nhất là đối với các doanh nhân nữ . Mặt dù vây, chính TMĐT lại là giải pháp hữu hiệu đối với bài toán về mặt thời gian của các nữ doanh nhân khi cùng một lúc họ phải làm tốt vai trò của một nhà lãnh đạo cũng như người phụ nữ trong gia đình. Bởi hiện tại, chỉ với chiếc máy tính nối mạng tại nhà, họ đã có thể tiếp cận với các khách hàng trên toàn thế giới.  

Theo bà Daphne Lee –  Giám đốc Bộ phận Marketing và Phát triển thị trường khu vực châu Á Thái Bình Dương, Tập đoàn Alibaba.com,“Việt Nam hiện là 1 trong 4 quốc gia có lượng nữ doanh nhân đăng ký tham gia hoạt động giao thương xuyên biên giới mạnh nhất trên thế giới. Đây là con số hết sức bất ngờ, cho thấy tiềm năng và năng lực kinh doanh trực tuyến nhạy bén của phụ nữ Việt Nam”. Theo thống kê kể từ năm 2008 cho tới nay, tỷ lệ nữ giới tham gia xuất khẩu Online luôn chiếm xấp xỉ 20% và ngày càng có xu thế tăng cao.

Không chỉ là một trong 4 quốc gia có số lượng nữ doanh nhân tham gia lớn nhất, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều nữ doanh nghiệp khai thác sức mạnh của TMĐT thành công nhất. Điều này cho thấy vai trò của phụ nữ hiện đại đã thay đổi lớn. Phụ nữ Việt Nam không còn thụ động với các công việc truyền thống thông thường mà đã mạnh dạn thay đổi tư duy, bắt tay hành động. 

Những bài học thành công

Bà Cao Hoàng Thảo Ly – Giám đốc công ty Aurora chuyên xuất khẩu thủ công mỹ nghệ cho biết khách hàng của Aurora chủ yếu đến từ Mỹ, Châu Âu và một số các quốc gia khác và 70% doanh thu của công ty đến từ các đơn hàng thông qua TMĐT.

“Thời gian đầu, khó khăn lớn nhất mà công ty gặp phải là việc tìm kiếm khách hàng. Trong khi tiềm lực công ty chưa đủ để có thể triển khai các hoạt động marketing trực tiếp tai thị trường nước ngoài thì việc tham gia một số sàn TMĐT để giới thiệu sản phẩm là lựa chọn tối ưu, giúp quảng bá sản phẩm nhanh chóng và không mất quá nhiều chi phí. Ngay khi trở thành Gold Supplier trên Alibaba.com, Aurora đã rất tích cực hoạt động với việc đưa gần 1.000 sản phẩm lên gian hàng của mình trong 3 tháng. Từ đó, số lượng và chất lượng đơn hỏi hàng tăng lên đáng kể, trung bình 1 tháng công ty nhận được 100 đơn hàng đề nghị”, Bà Thảo Ly cho biết thêm.

Theo bà Lê Đặng Kim Hiếu – Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu khu vực Mekong, kể từ khi “lên sàn trực tuyến” tới nay, trung bình 1 tháng, công ty xuất đi 40 container tới 20 nước trên thế giới và được hầu hết các khách hàng đánh giá cao cả về uy tín, chất lượng và giá cả. Hiện tại chị sở hữu nhà máy sản xuất ở cả 3 tỉnh Nam Định, Bắc Giang, Ninh Bình với khoảng 500 công nhân, doanh thu bán hàng hàng năm vào khoảng 1 triệu USD và đặc biệt là giải quyết được công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động nông thôn.

“TMĐT là công cụ e-marketing duy nhất đưa chúng tôi tới thị trường thế giới. Thời gian đầu chúng tôi chủ yếu tìm kiếm khách hàng từ các cuộc triển lãm tại Châu Âu và chúng tôi đã phải trả 1 chi phí rất lớn khi tham gia vì thế việc tìm kiếm khách hàng thực sự gặp khó khăn và tốn kém. Cách đây 3 năm thông qua sự giới thiệu của 1 số đối tác thành công ở Châu Âu, tôi quyết định tham gia sàn TMĐT quốc tế. Chính điều này khiến cho việc kinh doanh của chúng tôi ngày càng hiệu quả với khoảng 120 đơn hàng mỗi tháng và khoảng 2 trong số đó trở thành các đơn hàng thực sự. Hiện nay, 40% doanh thu của chúng tôi có được là từ sàn TMĐT”, bà Nguyễn Thị Hiền Lương, Giám đốc điều hành Công ty Công ty Sababa chuyên về xuất khẩu thủ công mỹ nghệ chia sẻ.

Hơn 10 hợp đồng trong vòng 2 tháng với doanh thu doanh thu vào khoảng 10 triệu USD/năm với 80% doanh số từ Alibaba là những con số biết nói do bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Giám đốc Công ty Hải sản An toàn (Safe Seafood) tiết lộ. Bà cho biết nếu không có TMĐT thì công ty của bà khó có thể đạt được một nửa doanh thu nói trên.

Trong một hội thảo bán hàng xuyên biên giới do VCCI tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Quyền –  Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử – Bộ Công thương cho rằng hình thức bán hàng thông qua các website TMĐT có số lượng giao dịch không nhỏ. Đây chính là tiềm năng để các doanh nghiệp tận dụng và phát triển.  

Còn theo ông Trần Xuân Thủy – đại diện của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam, TMĐT tại Việt Nam đang trên đà phát triển với nhiều tiềm năng lớn. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước trong việc tiếp cận các thị trường nước ngoài một cách hợp lý và tiết kiệm chi phí. Đặc biệt là các sản phẩm được sản xuất trong nước như đồ thủ công mỹ nghệ, giày dép, thuỷ hải san, quần áo, đồ da… đều có thể trở thành những đơn hàng xuyên biên giới thu hút hàng trăm, hàng nghìn khách hàng quốc tế. Vì vậy, các cá nhân hay doanh nghiệp nếu thực sự năng động và nhanh chóng nắm bắt lợi thế thì chắc chắn sẽ có được thành công với xuất khẩu trực tuyến, không phân biệt là doanh nhân nữ hay nam.

Rõ ràng tới thời điểm này, phụ nữ Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực, khả năng ứng dụng Internet và sức mạnh của TMĐT để làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Với TMĐT, chắc chắn những câu chuyện thành công của phái đẹp sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Theo Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

20 + four =

To Top