Connect with us

Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản

Tin trong nước

Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản

Hơn 300 doanh nghiệp lớn nhỏ trên địa bàn TPHCM đã tham dự buổi gặp mặt với lãnh đạo thành phố vào chiều ngày 19-7 để phản ánh những khó khăn trong sản xuất kinh doanh và kiến nghị các biện pháp hỗ trợ. Vì hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Khó khăn được các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng nêu lên là việc lãi suất ngân hàng lên quá cao cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp bất động sản.

Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố, nếu gọi vốn là máu của doanh nghiệp thì hiện nay, doanh nghiệp đang bị khô máu khi không tiếp cận được vốn vay của ngân hàng hoặc tiếp cận được thì với lãi suất không thê chấp nhận được. Ông Minh dẫn lại số liệu từng được một số ngành cung cấp như có đến 30 – 40% doanh nghiệp trên cả nước ở ngành may mặc phá sản.

Đại diện Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố, ông Huỳnh Văn Hạnh nêu thực trạng các doanh nghiệp thành viên trong hiệp hội này đang đánh mất lợi thế cạnh tranh về giá sau khi giá tất cả các mặt hàng nguyên vật liệu để sản xuất, từ gỗ cứng nhập khẩu, gỗ tràm, gỗ cao su trong nước đến bao bì, dầu màu… đều tăng, ít nhất là 15% so với cuối năm ngoái. Nguyên nhân là các khách hàng của Mỹ, Nhật, châu Âu chỉ chấp nhận tăng giá 5 – 7%, mức tăng đầu ra không đủ trang trải mức tăng đầu vào.

Bên cạnh đó, theo ông Hạnh, doanh nghiệp còn gặp khó với quyết định chứng minh nguồn gốc của gỗ nguyên liệu trong khi hàng năm, Việt Nam nhập hàng triệu mét khối gỗ. Đứng trước bài toán đặt ra của các thị trường nhập khẩu hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng tìm kiếm những nguồn gỗ hợp pháp nhưng đồng nghĩa với việc giá thành tăng lên rất cao.

Theo ông Hạnh, những khó khăn trên cộng với việc vay vốn khó, lãi suất cao đã đưa đến nhiều nguy cơ cho doanh nghiệp. “Doanh nghiệp chúng tôi hiểu những vấn đề vĩ mô và đang chấp hành chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ với sức đề kháng kém. Nếu cứ thắt chặt theo kiểu cào bằng này mãi thì e rằng khi bình ổn kinh tế vĩ mô xong, không còn doanh nghiệp nào sống sót”, ông Hạnh than.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố cho hay, các doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước nguy cơ phá sản khi thị trường sụt giảm thê thảm, một số phân khúc như văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp cung vượt cầu, không ai mua, nhiều doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ khó khăn thông qua phân khúc căn hộ giá thấp (mức 15 triệu đồng/mét vuông) và chấp nhận bán dưới giá thành để cắt lỗ lớn.

Ông Phan Đình Tuệ, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TPHCM cho rằng, chính sách mà Chính phủ đang áp dụng dường như không cân đối, giống như việc cho người bệnh dùng kháng sinh liều cao nhưng không có thêm thuốc bổ hỗ trợ dẫn đến mệt mỏi, rã rời. Ông Tuệ cho rằng, vấn đề lo lắng là với chính sách này, doanh nghiệp không phát triển, đồng nghĩa với việc nguồn cung hàng hóa không đảm bảo, nguy cơ thiếu hàng, tăng giá rình rập.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã nêu ra nhiều kiến nghị với chính sách để UBND tập hợp trình Chính phủ hoặc dùng những nguồn lực hiện có để hỗ trợ kịp thời.

Ông Minh của Hiệp hội doanh nghiệp thành phố đề nghị thành phố có huớng để Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ngay thời điểm khó khăn này phát huy được vai trò thông qua việc tăng quy mô của quỹ, nới lỏng cơ chế chính sách giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận hơn.

Bà Lý Kim Chi, Phó chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho rằng UBND thành phố nên kiến nghị với Chính phủ về việc có những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực thiết yếu, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.

Trong khi đó, ông Tuệ lại cho rằng Chính phủ có thể cho phép giãn thuế giá trị gia tăng (VAT) để doanh nghiệp dùng số tiền thuế được gia hạn này đưa trở lại vào sản xuất kinh doanh. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Tuệ nêu cơ sở của kiến nghị trên nằm ở việc: thuế VAT (với tỷ lệ 10%) đánh trên sản phẩm được tiêu thụ, doanh số bán ra càng cao thì thuế VAT càng lớn. Do vậy, phần thuế được gia hạn chậm nộp trong năm nay khi đưa trở lại vào sản xuất kinh doanh sẽ thực sự lớn và phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, cũng theo ông Tuệ, Nhà nước cũng có thể xem xét đến phương án cho doanh nghiệp xuất khẩu được ứng trước khoản tiền thuế VAT sẽ được hoàn lại sau khi xuất hàng đi, tạo thêm nguồn vốn để doanh nghiệp xoay vòng. “Chính sách giãn thuế VAT hay ứng trước khoản hoàn thuế, nếu được áp dụng sẽ mang lại ý nghĩa thiết thực cho doanh nghiệp. Còn chính sách giãn thuế thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng, kinh doanh khó như thế này thì lấy đâu lời mà nộp thuế”, ông Tuệ nói.

Ông Châu của Hiệp hội bất động sản kiến nghị cần tính toán lại chính sách trong những tháng cuối năm bởi “sức người có hạn, kéo dài thêm nữa thì sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường” và bất động sản liên quan đến nhiều ngành sản xuất khác, như sắt thép, xi măng, gạch và sử dụng số lượng lớn lao động.

Ông Châu đề nghị cần có lộ trình giảm lãi suất cho vay, về mức 12%/năm. Đồng thời cần sàng lọc đối tượng vay, nghĩa là vẫn cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản có uy tín, đã triển khai dự án được 70 – 80%, thực hiện các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp

Theo TBKTSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ten − 1 =

To Top