Connect with us

Điện thoại di động và giấc mơ thương hiệu Việt

Tin trong nước

Điện thoại di động và giấc mơ thương hiệu Việt

Cái chết của các nhãn hiệu điện thoại trong nước cận kề không chỉ là hậu quả của việc kinh tế khó khăn, sức mua giảm sút...

Thất bại với phân khúc giá cao, từ năm 2010, Nokia “đánh mạnh” vào nhóm sản phẩm giá rẻ. Năm 2011, đến lượt LG cũng đánh mạnh phân khúc này..

Sức ép từ các ông lớn

Theo đánh giá của giới kinh doanh, yếu tố thương hiệu đã giúp các hãng lớn như Nokia, LG chiến thắng trong cuộc đua phân khúc giá rẻ – phân khúc chính của điện thoại nhãn hiệu Việt.

Vì không tiên liệu được sức mua giảm và sức ép của các hãng lớn, ngay từ đầu năm nhiều nhà sản xuất điện thoại di động Việt nhập hàng với số lượng lớn. “Có hai nhà sản xuất hiện còn tồn trong kho tới 400.000 máy”, một nguồn tin tiết lộ. Ông Nguyễn Quang Minh, giám đốc ABTel, chủ thương hiệu Q-Mobile xác nhận tình hình thị trường khó khăn nên nay chỉ nhập số lượng hạn chế. Còn ông Lê Trung Thành, tổng giám đốc FPT Tradings (FPT)̃ từ chối trả lời chuyện này vì “những lý do tế nhị và chưa cập nhật số liệu”. Ông Nguyễn Quốc Bảo, giám đốc Thành Công Mobile, chủ nhãn hiệu Bavapen cũng xác nhận từ đầu năm tới nay nhập khoảng 10.000 máy. “Lúc này không có lãi, nhập càng nhiều càng lỗ nặng. Chỉ nhập chừng đó mà đã lỗ vài tỉ đồng”, vị giám đốc này chia sẻ. Cũng theo giới kinh doanh nhóm hàng này, đã có một nhà sản xuất hiện đang lỗ khoảng 50 tỉ đồng vì “quyết ăn thua với Nokia giá rẻ và các nhãn hiệu Việt khác” nên nhập hàng nhiều, không bán được.

Kém đủ thứ

Ông Minh của ABTel thừa nhận, nhóm sản phẩm nhãn hiệu Việt nhiều, nhưng không có sản phẩm để tạo ra điểm nhấn như các hãng lớn. ABTel là nhà sản xuất từng có sản phẩm mang tính “chiến lược” là S10 – chạy trên mạng 3G, hệ điều hành Android 2.2 nhưng thất bại khi vừa chào đời vì giá cao: 4,29 triệu đồng/cái. Ở phân khúc giá này, người dùng sẽ chọn các sản phẩm của những thương hiệu lớn như Samsung, LG, HTC, Acer… hơn là chọn S10. Theo xu hướng “hiện đại hoá sản phẩm”, FPT có F5 với những ưu thế về giá: 2,75 triệu đồng/cái, chạy hệ điều hành Android 2.2, có wifi, nhưng sản phẩm này chỉ chạy được trên mạng GPRS, trong khi rất nhiều ứng dụng của Android chạy tốt hơn trên nền 3G.

Ông Vũ Quốc Việt Nam, giám đốc tiếp thị của Viễn Thông A nói: “Để vực dậy những nhãn hiệu nội địa, các nhà sản xuất cần nâng cấp, bổ sung nhiều tính năng, tiện ích mới, kết hợp với các nhà cung cấp nội dung như game, âm nhạc, phim, sách, truyền hình…”

FPT với F-Store và ABTel với Q-Store đang xây dựng, phát triển kho nội dung số để chiêu dụ khách hàng sử dụng. Nhưng với nhóm khách hàng sử dụng nhóm sản phẩm giá thấp, kho nội dung đó sẽ khó được khai thác như mong đợi chỉ vì nhóm khách hàng này chỉ cần khai thác những chức năng cơ bản: nghe gọi, nhắn tin, chụp hình, nghe nhạc MP3… Nếu có chơi game hay những nội dung số khác, dễ dàng cập nhật bằng thẻ nhớ hơn là vào kho ứng dụng của nhà sản xuất vì các dòng máy giá rẻ khó, nếu không muốn nói là không thể truy cập internet để vào kho nội dung.

Nhiều nhà sản xuất cho đến giờ này vẫn chưa tìm thấy lối thoát nào cho nhãn hiệu mà họ đã dầy công xây dựng. Một vòng tròn luẩn quẩn. Không làm chủ công nghệ. Không nhiều vốn để chấp nhận cuộc chơi “dài hơi”..

Theo SGTT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × three =

To Top