Tình huống thương hiệu
Đầu tư bệnh viện: “Bắt mạch” nội ngoại
Dù được đánh giá là địa chỉ tốt để đầu tư do dân số đông, kinh tế tăng trưởng tốt, nhưng đầu tư vào lĩnh vực y tế tại Việt Nam vẫn chỉ là chiếc bánh ngọt đang treo lơ lửng mà người đứng trong thì khó với, còn người đứng ngoài lại muốn lao vào.Từ mua bán đến phá sản
Sau làn sóng đua nhau đầu tư vào bệnh viện, những năm gần đây, không ít các bệnh viện tư nhân đã bắt đầu lộ rõ sự khó khăn, thua lỗ.
Vũ Anh, Minh Anh, Hạnh Phúc, Tâm Đức đều đang gặp khó, có bệnh viện phải chuyển chủ sở hữu, sáp nhập như: FV, Hoàn Mỹ, có bệnh viện đang gõ cửa các quỹ đầu tư để chào bán như: Ngọc Linh, An Phước, thậm chí có bệnh viện đã tuyên bố phá sản như Phú Thọ và thay chủ mới như Bệnh viện đa khoa Phổ Quang…
Thực trạng này cho thấy, đầu tư vào bệnh viện không “dễ ăn” như nhiều người kỳ vọng. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng – Chủ tịch Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cho biết, thực trạng các bệnh viện tư đang chia sẻ cổ phần, quyền quản lý cho người khác có hai mục đích. Một là chia sẻ để tăng vốn, mở rộng. Thứ hai là cũng có thể do một thời gian hoạt động không hiệu quả, họ phải thoái vốn nhường lại cho công ty khác.
Song, việc thoái vốn do không hiệu quả là lý do chính. Bởi, thực tế, dù sức mua tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực y tế rất lớn, nhưng chi phí để duy trì bộ máy hoạt động của bệnh viện không nhỏ, dẫn đến lợi nhuận thấp.
Đó là chưa kể bệnh viện là lĩnh vực kinh doanh đặc thù nên phát sinh hàng trăm thứ khó khăn mà các lĩnh vực khác không có, chẳng hạn việc quản lý bệnh viện, nguồn nhân lực…, nhất là nhân lực có chuyên môn bình thường cũng thiếu chứ chưa nói đến cao cấp.
Một khó khăn khác theo đại diện phòng khám Victoria Healthcare, là vấn đề về quản lý tại các bệnh viện tư. Hiện nay, phần lớn lãnh đạo tại các bệnh viện tư hiện đều xuất phát từ đội ngũ các y bác sĩ.
Hình ảnh minh họa
Khi đi vào hoạt động, các bệnh viện tư sẽ phải giải quyết những vấn đề như tài chính, tái đầu tư, khấu hao tài sản không nằm trong chuyên môn của các bác sĩ. Nguyên nhân thứ hai là thiếu trang thiết bị y tế hiện đại và không thu hút được các bác sĩ giỏi.
Song, lý do cơ bản nhất được các nhà đầu tư phân tích, là hiện nay đầu tư của các bệnh viện hầu hết chưa phù hợp và đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân Việt Nam.
Hiện có hai mô hình: bệnh viện nước ngoài vào Việt Nam, lấy Việt Nam làm địa điểm kinh doanh và bệnh viện hoạt động giống theo tiêu chuẩn nước ngoài. Thực tế, cả hai mô hình này đều chưa khả quan vì nếu bệnh viện nước ngoài lấy Việt Nam làm địa điểm thì đối tượng bệnh nhân thuộc phân khúc rất nhỏ, thu sẽ không đủ chi.
Còn bệnh viện giống tiêu chuẩn nước ngoài như một số mô hình bệnh viện đang thực hiện theo kiểu khách sạn 3 – 4 sao thì vẫn vắng bệnh nhân vì đại số đông thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp, trong khi giá tại các bệnh viện này lại là giá… quốc tế.
Ở mô hình phục vụ cho đối tượng bệnh nhân thu nhập trung bình thấp, bệnh viện Hoàn Mỹ cũng gặp khó, tưởng chừng mất trắng vào năm 2007 với số nợ lên tới 300 tỷ đồng. Nguồn thu từ Hoàn Mỹ Sài Gòn lúc đó không thấm vào đâu so với lãi suất lên đến 20 – 21%/năm.
Tưởng chừng cơn sóng dữ 2007 đã vượt qua, nhưng tháng 8/2011, Hoàn Mỹ lại tiếp tục thực hiện thương vụ M&A đình đám khi phải bán 65% cổ phần cho Fortis Healthcare International (Ấn Độ) với giá 64 triệu USD, cũng chỉ vì lý do chính là lãi suất ngân hàng cao, mất cân đối thu, chi.
Theo DNSG