Tình huống thương hiệu
Dairy Farm: Thua keo này bày keo khác
Bỏ Wellcome song Dairy Farm không định rút khỏi Việt Nam mà tiếp tục đa dạng hóa chiến lược kinh doanh tại đây.Tuần qua, thương hiệu Wellcome đã chính thức biến mất khỏi thị trường Việt Nam bằng việc hoàn trả mặt bằng và hoạt động kinh doanh của chuỗi 3 siêu thị tại quận 1 (TP.HCM) Kiên Giang và Cần Thơ cho Công ty Đông Hưng, chủ sở hữu Citimart. So với chuỗi hàng trăm siêu thị Wellcome dày đặc hiện nay tại Hồng Kông và một số nước châu Á, mức độ đầu tư chỉ 3 siêu thị này tại Việt Nam trong 5 năm qua là khá khiêm tốn. Giờ phải rút lui, dễ thấy rằng Wellcome không thể vượt qua được ngưỡng thử thách 5 năm để tiến tới điểm hòa vốn như quy luật kinh doanh của các chuỗi siêu thị.
Việt Nam vẫn hấp dẫn với các nhà bán lẻ
Phân tích sâu vào mô hình kinh doanh này, các nhà bán lẻ có thể nhận thấy những rủi ro ẩn chứa bên trong.
Hãy lấy siêu thị Wellcome ở quận 1, TP.HCM làm ví dụ. Mặt bằng tại đây chỉ khoảng hơn 300 m2, trong khi Co.opMart có siêu thị rộng gần gấp đôi chỉ cách đó vài trăm mét trên đường Cống Quỳnh. Các mặt hàng bày bán tại Wellcome không có gì nổi bật. Trong khi đó, Co.opMart ngày càng đẩy mạnh chiến lược đầu tư các nhãn hàng riêng của mình. Wellcome trong 5 năm qua vẫn chỉ có 3 siêu thị tại Việt Nam trong khi Co.opMart mở thêm 10 siêu thị/năm.
Bỏ Wellcome song công ty mẹ Dairy Farm không định rút khỏi Việt Nam. Tháng 9.2011, Công ty Thương mại và Đầu tư Liên Á Châu, đại diện thương mại của Dairy Farm tại Việt Nam, đã đưa vào hoạt động cửa hàng Guardian đầu tiên chuyên bán lẻ các mặt hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp tại TP.HCM. Vốn đầu tư ban đầu là khoảng hơn 2 tỉ đồng/cửa hàng có diện tích tối thiểu 80 m2.
Hiện chuỗi Guardian đã phát triển được 10 cửa hàng tại TP.HCM và dự kiến mở thêm 2 trong những tháng cuối năm nay để thực thi chiến lược phát triển 1 cửa hàng/tháng. “Với giá bán chủ yếu phục vụ mọi đối tượng khách hàng, một cửa hàng Guardian có thể hòa vốn sau 2 năm; tương tự như ở Malaysia, Singapore, Indonesia”, ông Micheal Lim, một nhà đầu tư Singapore tại TP.HCM, cho biết.
Tiếp tục đa dạng hóa chiến lược kinh doanh tại Việt Nam, cuối năm 2011, Dairy Farm quyết định tham gia liên doanh vốn 25 triệu USD với một đối tác trong nước để khai trương đại siêu thị Giant đầu tiên, diện tích 3.500 m2 có vốn đầu tư 5 triệu USD tại tầng hầm trung tâm mua sắm Crescent Mall, quận 7, TP.HCM. Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dairy Farm Micheal Kok cho biết sẽ mở rộng chuỗi Giant tại đây với quy mô như ở Malaysia. Ở đó, nhà bán lẻ này đã mở 13 siêu thị mới trong năm 2011 và 2012, nâng tổng số lên 77 tính đến nay.
Sau gần một năm hoạt động tại Việt Nam với hơn 10.000 mặt hàng, giới kinh doanh bán lẻ trong nước đánh giá Giant có thể sẽ trở thành đối thủ nặng ký của Big C, Metro và Co.opMart.
Tháng 6 vừa qua, tổ chức tư vấn A.T. Kearney (Mỹ) công bố báo cáo về chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu, trong đó Việt Nam đã rơi xuống vị trí 32 so với ngôi đầu của năm 2008. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Co.opMart cho rằng, kết quả này không ngăn bước những nhà đầu tư thâm nhập ngành bán lẻ Việt Nam.
Năm nay, thị trường tiếp tục chứng kiến tốc độ phát triển chóng mặt của 3 thương hiệu lớn nhất là Metro, Big C và Co.opMart. Hôm 17.10, Metro đã mở trung tâm bán sỉ thứ 19 tại Việt Nam sau hơn một thập niên gia nhập thị trường. Nhỉnh hơn Metro, hiện Big C đã có tới 20 cửa hàng tại Việt Nam, còn thương hiệu bán lẻ nội địa Co.opMart sẽ tiếp tục mục tiêu mở 10 siêu thị/năm để đạt mức 100 siêu thị vào năm 2015.
Chiến lược mở rộng chuỗi bán lẻ tại Việt Nam luôn đồng hành với cửa ải lớn nhất là vấn đề mặt bằng. Các nhà đầu tư vẫn rất khó khăn khi tìm kiếm mặt bằng kinh doanh có diện tích lớn với giá thuê hợp lý.
Hiện giá thuê mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam trung bình khoảng 65 USD/m2/tháng. Nhưng tại khu vực trung tâm TP.HCM, mức giá có thể lên tới 200 USD/m2/tháng. Một nhà kinh doanh siêu thị có tiếng tại TP.HCM tính toán: “Để có lãi sau 5 năm đối với một siêu thị diện tích 1.000 m2, doanh thu phải đạt ít nhất 200 triệu đồng/ngày cùng giá thuê mặt bằng khu vực trung tâm không quá 20 USD/m2/tháng, xa trung tâm không quá 10 USD/m2/tháng”.
Trong thực tế, khó khăn về mặt bằng vẫn có thể được hóa giải từ các đại gia bán lẻ hàng đầu là Metro, Big C và Co.opMart bằng những cách khác nhau. Co.opMart có Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Saigon Co-op với chức năng chuyên săn lùng các mặt bằng đẹp trong cả nước. Còn cách làm của Metro khá giống với Wall-Mart (Mỹ) là thường mua đứt hay thuê mặt bằng dài hạn. Trong khi đó, Big C lại thích hợp tác với từng địa phương để mở siêu thị với pháp nhân độc lập, hoạt động theo hình thức nhượng quyền hay chuyển giao công nghệ. Tất nhiên, đa phần chủ đầu tư ở mỗi địa phương sẽ phải lo luôn chuyện mặt bằng.
M&A, đích của Dairy Farm?
Trước thị phần áp đảo của 3 chuỗi bán lẻ lớn nhất nước này, Dairy Farm phải chọn chiến lược tối ưu nào để có thể đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tại Việt Nam?
“Với tiềm lực và kinh nghiệm quốc tế của nhà bán lẻ này, tôi nghĩ mua bán – sáp nhập (M&A) sẽ là con đường ngắn nhất mà họ sẽ nhắm tới”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nói. Hiện siêu thị Giant đầu tiên tại quận 7 chính là sản phẩm liên doanh 25 triệu USD giữa Dairy Farm với Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội. Nhưng theo giới bán lẻ trong nước, không loại trừ khả năng tập đoàn này sẽ lấn dần bằng cách mua lại cổ phần của đối tác Việt Nam. Một khả năng M&A khác là Dairy Farm cũng có thể sẽ nhắm các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang kinh doanh kém hiệu quả để thâu tóm.
Tại Campuchia và Philippines, trong quý II/2012, Dairy Farm đã hoàn tất 2 thương vụ M&A có tổng giá trị 289 triệu USD. “Chiến lược M&A đã giúp chúng tôi đạt mức tăng trưởn g doanh thu 10% lên 5,5 tỉ USD trong nửa đầu năm nay”, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dairy Farm Micheal Kok, cho biết.
Theo NCĐT