Connect with us

Công nghiệp bao bì: xấu không che, tốt khó khoe

Tình huống thương hiệu

Công nghiệp bao bì: xấu không che, tốt khó khoe

Trong hệ thống phân phối hiện đại, khi mà siêu thị và các cửa hàng tiện nghi đang dần thay cho những tiệm tạp hóa và chợ, bao bì đóng một vai trò quan trọng đối với quyết định chọn lựa sản phẩm của người tiêu dùng trong hàng trăm loại hàng hóa cùng loại trên kệ trưng bày. 

Số lượng không làm nên ưu thế

Chính vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) chú trọng đến bao bì cùng với các hình thức quảng bá, phát triển sản phẩm mới. Tuy nhiên, thị trường bao bì hiện nay nằm gọn trong tay các DN nước ngoài với ưu thế về tài chính, kỹ thuật.

Trên thị trường nội địa, DN sản xuất bao bì trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, 70% còn lại do các DN nước ngoài nắm giữ. Trong khi, nếu xét về mặt số lượng, DN bao bì Việt Nam đã vượt con số 1.000, gấp năm, sáu lần số lượng DN ngoại.

Thống kê sơ bộ một số công ty thực phẩm lớn như: Kinh Đô, Vinamit, Kirin Acecook…, gần như toàn bộ bao bì đều đặt hàng các công ty bao bì nước ngoài. Lý do chung được đưa ra là bao bì của các DN nước ngoài thường có kỹ thuật in ấn cao hơn, cho ra những sản phẩm bao bì đẹp mắt, tinh xảo.

Mặt khác, chi phí in ấn của các DN Việt Nam không ổn định do phần lớn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, trong khi tỷ giá ngoại tệ lại biến động thường xuyên.

Ông Kamimura Yosuke, Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Acecook Việt Nam, cho biết, trung bình Công ty cho xuất xưởng 700.000 chai/tháng, bao bì chiếm khoảng 20% giá thành sản phẩm. Do giá bao bì tại Việt Nam tăng mạnh nên Kirin Acecook đang dần chuyển sang đặt hàng bao bì các DN nước ngoài.

Bà Ngô Lệ Thu, Phó giám đốc Kinh doanh Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), cho biết, đối với ngành thực phẩm xuất khẩu, bao bì sản phẩm là vô cùng quan trọng. Song, hiện nay, các DN trong ngành thực phẩm, với quy mô sản xuất nhỏ chưa đánh giá đúng điều này, mặt khác do muốn tiết giảm chi phí nên họ cứ giữ bao bì cũ.

Hiện tại, dù DN thành viên của SATRA vẫn cung cấp bao bì cho toàn hệ thống, tuy nhiên, những sản phẩm bao bì có mẫu mã đẹp và chất lượng cao thì vẫn phải đặt hàng nhà cung ứng bao bì ngoại vì DN thành viên cung ứng bao bì chưa đáp ứng được những yêu cầu ấy.

Là nhà bán lẻ, bà Nguyễn Thị Vũ Linh, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Lotte Việt Nam, cũng cho rằng, bao bì không đạt chất lượng làm cho hàng hóa Việt Nam kém sức hút. Vì vậy, đối với nhiều dòng sản phẩm gia công hoặc đặt hàng tại Việt Nam thì Lotte đảm nhiệm phần thiết kế bao bì.

Theo ông Đào Hiển Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Thương mại Bao bì Sài Gòn (Saigon Trapaco), nhu cầu về bao bì của thị trường trong nước còn rất lớn nên tính cạnh tranh sẽ không nhỏ.

Mặc dù vậy, phần lớn thị phần cung ứng bao bì trong nước đang thuộc về các DN nước ngoài. Theo ông Thắng, DN nước ngoài có thế mạnh về nguồn vốn, cũng như các kỹ thuật, máy móc hiện đại nên họ có thể dự trữ vật tư, ổn định mức giá tương đối lâu cho khách hàng. Đó là nguyên nhân vì sao các công ty lớn ở Việt Nam như Unilever, Nestle… đều đặt hàng của nhà sản xuất bao bì ngoại.

Ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Liksin so sánh: “Ở Mỹ, ngành sản xuất bao bì là 1 trong 10 ngành công nghiệp đứng đầu.

Nhưng tại Việt Nam, nhìn chung ngành này chưa được đánh giá cao lắm. Những DN trong ngành bao bì đa phần là công ty gia đình, DN thuộc loại hình vừa chưa thể đếm được trên đầu ngón tay”.

Theo khảo sát, các DN Việt Nam mới chỉ làm được những sản phẩm đơn giản như bao bì cho mì gói, cà phê, một số mặt hàng thủy hải sản…

Thế nhưng, ngay cả với mặt hàng thế mạnh này vẫn chưa đáp ứng được hai yếu tố cạnh tranh hàng đầu với các DN nước ngoài: giá rẻ và chất lượng cao. Đôi lúc chất lượng tương đồng, nhưng giá cả chỉ cần chênh nhau một khoảng nhỏ cũng có thể mất khách hàng ngay.

Ông Thắng tính toán: đối với ngành bao bì in, mỗi sản phẩm có những trục in khác nhau (cỡ chữ, màu sắc, hình ảnh…), mỗi trục in có giá từ 3 triệu đến 8 triệu đồng, chưa kể chi phí màu in (mỗi sản phẩm thường có từ 5 – 8 màu).

Do đó, để có được một mẫu in bao bì, chi phí cố định phải mất khoảng 15 triệu đến 40 triệu đồng. Đây cũng là chi phí “buộc chân” khách hàng. Thế nhưng với DN nước ngoài, họ sẵn sàng miễn phí luôn chi phí này cho khách!

Những nhà đầu tư lớn vào cuộc

Các DN bao bì nội địa truyền thống có hai điểm yếu là vốn và công nghệ, nay lại thêm cái khó là giá nguyên liệu tăng mạnh. Ông Hoàng Trí Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam, cho biết, trong 3 tháng qua, giá nguyên liệu đã tăng từ 40 – 50%, khiến các nhà sản xuất phải bù lỗ khoảng 1,1 triệu đồng/tấn giấy so với nhập cách đây 3 tháng

Nhưng các DN bao bì Việt Nam vẫn buộc phải làm vì giữ quan hệ với khách hàng lâu năm. Xu hướng đầu tư cầm chừng đang được nhiều DN trong ngành sản xuất bao bì áp dụng từ nay cho đến năm 2012, đặc biệt ở khâu đầu tư mới.

Nguyên nhân chính vẫn là do thị phần nhỏ, biến động ngoại tệ, nguyên liệu nhập khẩu…

Ngay cả Saigon Trapaco – một DN sản xuất bao bì khá lớn của Việt Nam cũng không ngoại lệ, kế hoạch cho năm 2010 – 2015 phải tạm dừng 50%.

Trong khi các DN bao bì truyền thống gặp khó, từ đầu năm đến nay, một loạt dự án đầu tư vào ngành bao bì của nhà đầu tư ngoại và nhà đầu tư nội ngoài ngành đã được công bố hoặc hoàn tất.

Vào giữa tháng 3, Công ty Ball, một nhà sản xuất bao bì kim loại hàng đầu tại Mỹ đã đạt thỏa thuận với Thai Beverage Can Limited (TBC) thành lập nhà máy sản xuất bao bì kim loại đựng nước giải khát tại tỉnh Bình Dương và dự kiến đi vào sản xuất vào nửa đầu năm 2012.

Ông Raymond J. Seabrook, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành toàn cầu của Ball, nhận định: “Trong vài năm tới, thị trường nước giải khát đóng lon trong khu vực ước lượng sẽ tăng hơn 15% mỗi năm. Công suất nhà máy trong năm đầu sẽ đạt 850 triệu lon. Tổng vốn của công ty liên doanh, bao gồm các thiết bị của Ball, khoảng 45 triệu USD”.

Trong khi đó, Công ty CP sản xuất – kinh doanh Dược và Thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV) vừa công bố bổ sung ngành nghề kinh doanh mới là sản xuất sao bì từ Plastic. Hiện tại, AMV đã đầu tư xong dây chuyền sản xuất nhà máy sản xuất bao bì nhựa tại tỉnh Bình Phước, có công suất thiết kế 100 tấn/năm, dự kiến doanh số hàng năm khoảng 20 tỷ đồng, chính thức ra sản phẩm từ cuối tháng 2/2011.

Việc AMV đầu tư sản xuất bao bì cũng là một xu hướng tất yếu. Theo Bộ Y tế, nhu cầu sử dụng bao bì có chất lượng cao trong ngành dược ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện tại, công nghiệp sản xuất bao bì trong nước mới chỉ đáp ứng được trên 30% nhu cầu của các DN sản xuất thuốc. Còn lại, các DN phải nhập từ các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia…

Công ty CP Xây lắp Dầu khí miền Trung (PVC-MT) cũng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bao bì Polypropylene Dung Quất với tổng mức đầu tư hơn 140 tỷ đồng, công suất 36 triệu bao bì các loại mỗi năm, bao gồm bao bì PP, PE, măng và ống PE 3 lớp…

Nhà máy có nguồn nguyên liệu chủ yếu từ hạt nhựa Polypropylene lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, ở Khu Liên hợp lọc hóa dầu Bình Sơn.

Việc đặt vị trí nhà máy ngay sát nhà máy nhựa Polypropylene tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, tiết kiệm rất nhiều chi phí vận chuyển. Theo kế hoạch, nhà máy sản xuất bao bì PP có doanh thu trung bình hằng năm khoảng 150 tỷ đồng.

Tái định vị thị trường

Ngành bao bì Việt Nam hiện nay hầu hết vẫn còn sử dụng máy cũ, máy nhập đã qua sử dụng.

Các công đoạn làm ra thành phẩm sau in còn thủ công, chất lượng thấp và không đồng bộ. Môi trường sản xuất bao bì, in chật hẹp, bảo quản nguyên vật liệu và thành phẩm không đạt yêu cầu, không đảm bảo vệ sinh…

Hầu hết các nhà máy sản xuất bao bì đều đơn lẻ, thiếu đầu tư đồng bộ. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, DN phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua công nghệ mới, sử dụng được 3 năm, sau đó lại phải tiếp tục thay đổi công nghệ khác…

Với quy mô hoạt động như hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc từ các quỹ đầu tư, ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác, DN ngành bao bì sẽ rất khó thay đổi quy trình sản xuất, vì vốn đầu tư cho sản xuất bao bì rất nặng.

“Điều duy nhất các DN ngành bao bì Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước là phải nâng cao kỹ thuật, chất lượng in ấn, cải thiện khâu giao hàng, đồng thời cạnh tranh hơn về mặt giá cả”, ông Kamimura Yosuke nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Sang, Công ty Liksin, ngành công nghiệp bao bì trong nước vẫn có thể cạnh tranh với các DN nước ngoài. Bởi vì, tính từ 5 – 7 năm trở lại đây, bao bì cho xuất khẩu đã có sự tham gia của các DN trong nước. Cụ thể, Unilever, Vissan đã chọn DN cung cấp bao bì Tân Tiến.

Song, nếu để cạnh tranh lâu dài, đòi hỏi các DN trong ngành bao bì phải liên tục cải tiến công nghệ, trang thiết bị, máy móc hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, có hướng đầu tư mới để mở rộng và nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, các DN phải đào tạo được nguồn nhân lực.

Ở thị trường nội địa, DN trong ngành sản xuất bao bì đã khá chật vật cạnh tranh với DN nước ngoài. Do đó, cũng không dễ dàng gì để xâm nhập thị trường xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Công ty Lotus Chemicals, DN chuyên sản xuất bao bì xuất khẩu, nếu không có đội ngũ tiếp thị tận nơi, sẽ khó mở rộng được thị trường xuất khẩu.

Bởi vì, quá trình tiếp cận và đặt hàng của DN là một khoảng thời gian khá dài. Xuất khẩu đòi hỏi sự cố định về năng suất và công nghệ. Trong khi đó, trong một thời gian ngắn thì DN không thể đáp ứng được, nếu đơn hàng lớn. Bởi, ngành sản suất bao bì chỉ nhộn nhịp vào khoảng tháng 6 – 7 trở đi.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

13 + eighteen =

To Top