Connect with us

Con đường thâu tóm Vinacafé Biên Hòa

Tình huống thương hiệu

Con đường thâu tóm Vinacafé Biên Hòa

Tập đoàn Masan, thông qua Masan Consumer đã công khai chào mua hoàn tất 13,32 triệu cổ phiếu VCF của Vinacafé Biên Hòa, tương đương 50,11% vốn điều lệ.

Công khai và chóng vánh

Là một trong những ông lớn ngành cà phê, trong nhiều năm qua, Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa (VCF) luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, doanh thu và lợi nhuận hàng năm tăng theo mục tiêu đề ra và khẳng định vị trí là nhà sản xuất cà phê hòa tan hàng đầu Việt Nam.

Năm 2009, công ty đã đạt doanh số trên 1.000 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm 2010, VCF đạt  doanh thu 797 tỷ đồng, tăng 26% (so với cùng kỳ năm ngoái); lợi nhuận sau thuế đạt 103 tỷ đồng, tăng 27%.

Có thể thấy, tính đến năm 2010, VCF đang kinh doanh rất hiệu quả, không có dấu hiệu thiếu vốn. Chính vì vậy, chẳng có lý do gì để VCF buộc phải bán cổ phần. Thế nhưng, ông lớn ngành cà phê này cuối cùng vẫn bị thâu tóm.

Không phải là liên doanh nên Tập đoàn Masan không thể thâu tóm VCF thông qua con đường “kinh điển” tạo thua lỗ triền miên khiến đối tác không đủ lực chịu lỗ rồi bán lại cổ phần. Masan công khai thâu tóm VCF thông qua thị trường chứng khoán. Thực chất, Masan “nuốt trôi” VCF vì mua lại cổ phần từ cổ đông lớn của công ty này.

Đầu tiên, Masan đã mua lại cổ phần từ tay các cổ đông lớn là VinaCapital, VF1, Quỹ Vietcombank, Vietnam Holding. Thông qua con đường này, Masan có trong tay 20% vốn điều lệ của VCF. Điều đáng nói, thương vụ này diễn ra trước khi VCF niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM ngày 28/1/2011.

Tới đầu tháng 5/2011, VCF thông báo Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) đã thực hiện bán ra hơn 3,44 triệu cổ phiếu VCF, giảm từ lệ nắm giữ từ 50,26% xuống chỉ còn 9,91 triệu cổ phiếu, tương đương 37,3% vốn. Mặc dù VCF không công bố bên mua nhưng dựa vào các con số, người ta vẫn có thể đoán được hơn 13% cổ phần mà Vinacafe thoái vốn đang nằm trong tay ai.

Chỉ 4 tháng sau đó, Tập đoàn Masan, thông qua Masan Consumer đã công khai chào mua 13,32 triệu cổ phiếu VCF, tương đương 50,11% vốn điều lệ VCF từ ngày 12/9/2011 đến ngày 11/10/2011. Giá chào mua được xác định là 80.000 đồng/cổ phần. Trong báo cáo tài chính năm 2011, Masan cho biết tổng số tiền bỏ ra để mua 13,32 triệu cổ phần của VCF là 1.069 tỷ đồng, không bao gồm chi phí giao dịch. 

Sau khi chinh phục 3 quỹ đầu tư lớn, Masan tiếp tục mua lại 16,34% cổ phần VCF từ tay ông Trần Quang Lộc và Chứng khoán Beta.

Đến ngày 11/10/2011, Masan Consumer thông báo đã hoàn tất việc chào mua 13,32 triệu cổ phiếu VCF, tương đương 50,11% vốn điều lệ của VCF. Như vậy, thương vụ thâu tóm VCF đã diễn ra thành công chóng vánh.

Sau khi hoàn tất thâu tóm, Masan vẫn muốn tăng quyền lực của mình tại công ty ăn nên làm ra này bằng cách tiếp tục mua thêm cổ phần. Tính tới cuối năm 2012, Masan đã nắm giữ hơn 14,14 triệu cổ phiếu VCF, nâng tỷ lệ sở hữu lên 53,2%.

Cả hai cùng “hốt bạc”

Thương vụ này khác với những vụ thâu tóm qua liên doanh. Trong liên doanh, thông thường, phía nước ngoài cố dùng chiêu “dìm” đối tác Việt tới mức công ty làm ăn bết bát. Sau khi đối tác Việt thoái vốn, phía nước ngoài mới đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng ở đây, sau khi bị thâu tóm, cả VCF và Masan đều lên như diều gặp gió.

Ngày 28/1/2011, VCF lên sàn với mức giá chào sàn là 50.000 đồng/CP và giao dịch ở quanh mức giá này trong khoản thời gian khá dài. Tuy nhiên, sau khi bị thâu tóm, VCF bỗng nhiên trở thành cổ phiếu “nóng”, được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Tính từ đó đến nay, VCF đã tăng hơn 400% lên mức 210.000 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 5/7/2013).

Không chỉ tăng vì hiệu ứng trên thị trường chứng khoán, VCF còn ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng chưa từng có. 

Cả Masan và Vinacafé Biên Hòa đều hưởng lợi sau thâu tóm… 

Chính vì vậy mà đầu năm 2012, công ty đã đặt kế hoạch rất tham vọng là 3.000 tỷ doanh thu và 360 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11, công ty đã phải giảm kế hoạch xuống còn tương ứng là 2.300 tỷ và 300 tỷ đồng. Kết thúc năm, VCF dù không hoàn thành kế hoạch doanh thu nhưng vẫn cán mức lợi nhuận điều chỉnh nhờ sự tăng trưởng rất mạnh trong quý 4.

Dù không đạt được mục tiêu như kế hoạch hồi đầu năm, năm qua vẫn là năm Vinacafe Biên Hòa đạt mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay; tốc độ tăng trưởng cũng cao nhất trong 3 năm vừa qua.

Lãnh đạo cấp cao của VCF cũng hưởng lợi lớn khi công ty này ăn nên làm ra. Theo báo cáo thường niên trong năm 2012, riêng tiền lương của các thành viên Ban tổng giám đốc đều trên 1 tỷ đồng. Trong đó, mức lương vị trí tổng giám đốc của ông Phạm Quang Vũ là hơn 1,51 tỷ đồng, tương đương bình quân 126 triệu đồng/tháng. Cộng thêm gần 1 tỷ phụ cấp và thưởng, tổng thu nhập trong năm của ông Vũ đạt gần 2,5 tỷ đồng.

Trong năm 2013, con số này còn tăng lên gấp bội khi công ty dành tổng mức chi cho năm 2013 dự kiến trên 4,33 tỷ đồng, tăng 52% so với thực hiện năm 2012 cho lãnh đạo.

VCF ăn nên làm ra, Masan được hưởng lợi trực tiếp. Bên cạnh đó, việc thâu tóm VCF cũng giúp cổ phiếu MSN tăng mạnh trong thời gian công bố thương vụ.

“Thị phi” quảng cáo

Lợi nhuận cùng nhau đi lên nhưng VCF dường như đã “lây” phong cách quảng cáo đầy thị phi của Masan. Là một Tập đoàn lớn với nhiều sản phẩm tiêu dùng, Masan liên tục tung ra các TVC quảng cáo ấn tượng. Ấn tượng nhưng đầy thị phi.

Thấu hiểu tâm lý người tiêu dùng, Masan luôn rót vào tai họ những slogan ngọt ngào  như: “Nước mắm ngon vì sức khỏe”, “Hạt nêm không bột ngọt”, “Mì gói không sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần”. Thế nhưng những quảng cáo đó nhanh chóng bị bóc mẽ khiến người tiêu dùng thất vọng.

…và cùng tạo ra “thị phi” quảng cáo 

Masan đã tung ra quảng cáo “hạt nêm không bột ngọt” cho hạt nêm Chinsu. Tuy nhiên, Trung Tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học công nghệ Tp.HCM khẳng định hạt nêm này có hàm lượng 1,21% monosodium glumate (còn gọi là bột ngọt).

Mắm Nam Ngư “Vì sức khỏe” nhưng thực chất lại chứa màu tổng hợp (HT155). Nhiều quốc gia trên thế giới đưa ra lệnh cấm dùng chất HT155 như: Bỉ, Áo, Đan Mạch, Pháp, Đức, Mỹ, Nauy, Thụy Sĩ và Thụy Điển. 

Clip quảng cáo với thông điệp “Mỳ Tiến Vua –  Mỳ vì sức khỏe”, “Mỳ Tiến Vua không sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, không chứa Transfat (loại chất béo gây chứng đột quỵ, đau tim và bệnh mạch vành)” được phát trên truyền hình,  đã gây được ấn tượng mạnh với người tiêu dùng vì chất béo Transfat được cảnh báo là có hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm mẫu mỳ Tiến Vua khiến nhiều người tiêu dùng “ngã ngửa” vì trong thành phần của mì cũng có… Transfat.

Lây bệnh “quảng cáo láo” của Masan, VCF đã gây xôn xao dư luận trong tháng 3 năm nay khi trong clip phát sóng trên Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam có lời dẫn “Được tuyển chọn từ hạt cà phê của 8 vùng đặc sản (Buôn Mê Thuột, Cầu Đất, Đăk Hà, Đăk Mil, Khe Sanh, Chiềng Ban, Long Khánh, Chư Sê) ngon nhất Việt Nam”… để khẳng định chỉ có cà phê của mình mới là thật và ngon nhất.

Quảng cáo này bị bóc mẽ là lừa dối người tiêu dùng về chỉ dẫn địa lý cũng như khái niệm cà phê thật. Không chỉ có vậy, VCF còn bị bóc mẽ khi thực hiện một clip dạy người tiêu dùng cách phân biệt cà phê thật.

Thay vì đứng lên “trần tình”, lãnh đạo VCF chọn cách im lặng để sự việc tự trôi qua.

Theo vtc

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

18 − twelve =

To Top