Connect with us

CN điện tử Việt Nam: Nhìn từ con chuột máy tính

Tình huống thương hiệu

CN điện tử Việt Nam: Nhìn từ con chuột máy tính

Một năm nhìn lại sức sống của thị trường ở một số lĩnh vực để có thể giới thiệu giản lược được bộ mặt phát triển nói chung.

Trong “một tư duy khác về kinh tế và xã hội Việt Nam”, Tiến sĩ Alan Phan có kể rằng, một doanh nghiệp Trung Quốc đã thẳng thắn nói: “Họ (doanh nghiệp Việt Nam – NV) đang cố học và làm những gì chúng tôi đang muốn quên”. Vị tiến sĩ Việt kiều này không bình luận gì thêm về nhận xét trên. Ông chỉ hờ hững như thế để người đọc tự suy ngẫm…

Nhiều người hỏi một cách nghiêm túc: Bao giờ Việt Nam (VN) mới sản xuất được con chuột máy tính, bàn phím, điều khiển từ xa? Những món đó có khó gì đâu mà phải nhập khẩu từ Trung Quốc? Đúng! Nếu nhìn từ góc độ công nghệ, những sản phẩm đó chẳng có gì là cao siêu cả nhưng tại sao đến bây giờ chúng ta vẫn chưa tự lực sản xuất mà vẫn phải nhập khẩu? Có phải chăng công nghiệp điện tử Việt Nam chưa đủ sức sản xuất con chuột hay vì bị chi phối quan niệm về một thế giới phẳng?

Xây nhà máy, từ con chuột đến bán dẫn

Vern, doanh nhân lắp ráp máy tính “thương hiệu Việt” cũng đã có thời bắt tay sản xuất chuột. Nói cho sang là “sản xuất” nhưng bản chất cũng là lắp ráp từ linh kiện nhập bên Trung Quốc. Tính đi tính lại, những con chuột của Vern không thể có giá rẻ hơn hàng nhập từ Trung Quốc, chưa kể đến chất lượng, vậy là “tan tác một giấc mơ hoang”.

Ông Lê Văn Chính, cố vấn của Soncamedia cho rằng, nếu sản xuất 10.000 con chuột/năm sẽ đắt hơn hàng Trung Quốc 3%, còn sản xuất 100.000 con chuột/năm sẽ cao hơn hàng Trung Quốc 0,5%, chỉ có thể đánh bật hàng Trung Quốc nếu sản xuất 1 triệu con chuột/năm với điều kiện chất lượng phải tốt hơn nhóm hàng này. “Tại sao chúng ta phải nghĩ đến việc đầu tư nhà máy hàng triệu USD chỉ để sản xuất con chuột? Đó là lối tư duy duy ý chí”, ông Chính thể hiện quan điểm “chống” sản xuất những sản phẩm mà ở đó không có gì là cao siêu cả, điển hình là con chuột, bàn phím máy tính… “Tại sao chúng ta không nghĩ: khi đi mua một con chuột do các doanh nghiệp bên Trung Quốc sản xuất mới thấy thương cho những ai đã làm ra nó! Tôi cho rằng, những gì mà Nhật, Mỹ không làm thì chúng ta không nên làm”, ông Chính có vẻ cực đoan khi đưa ra ý kiến đó. Nhưng ngẫm lại, thấy lời ông Chính nói có lý.

Ước mơ xây dựng một ngành công nghiệp điện tử hiện đại, ngang tầm với khu vực các nước Đông Nam Á đã có từ 35 năm trước. Năm 1976, ngân sách nhà nước chi hàng chục triệu rúp để xây hai nhà máy sản xuất linh kiện điện tử. Một nhà máy đặt ở miền Bắc có tên là Sao Mai (hay còn gọi là Z181, Bộ Quốc Phòng) chuyên sản xuất bán dẫn ST301/302, ST601… theo công nghệ của Tiệp Khắc. Còn nhà máy đặt tại miền Nam là Công ty sản xuất điện tử Hòa Bình, chuyên sản xuất linh kiện thụ động: tụ điện, điện trở… theo công nghiệp của Ba Lan, Pháp và Tiệp Khắc. Sau đó vài năm, tiếp tục đầu tư Vietronics Tân Bình (viết tắt là VTB)  chuyên sản xuất tụ xoay cũng từ công nghệ Tiệp Khắc.

Ông Nguyễn Văn Đạo, nay là Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam, nhớ lại: “Vào thời điểm đó, nhìn 2 nhà máy, nhiều người tin rằng trong vòng chục năm nữa, công nghiệp điện tử của Việt Nam sẽ “cất cánh”. Lúc khai trương, nhìn thấy những dây chuyền sáng bóng, vui lắm, tràn ngập niềm tin”. Từ những linh kiện của 2 nhà máy, những sản phẩm điện tử hoàn chỉnh như chiếc radio 3 băng. Theo lời ông Đỗ Khoa Tân, hiện là Giám đốc Công ty Điện tử Biên Hòa (Belco), vào thời điểm đó phải là cán bộ cấp cao mới được mua chiếc radio đó. Bây giờ Sao Mai không còn sản xuất bán dẫn nữa, chuyển sang lắp ráp hàng điện gia dụng. Bình Hòa đang “thoi thóp”, làm nhiều thứ, từ sản xuất theo đơn đặt hàng cho đến gia công bo mạch (PCB) để lấy tiền nuôi công nhân.

Vào những năm 1980 – 1982, những nhà máy sản xuất hàng điện tử có mặt tại thị trường VN từ những năm 1969, như National, Sony, Sanyo… được quy hoạch thành liên hiệp Các xí nghiệp điện tử, gọi tắt là Vietronics với nhiều thành viên như Biên Hòa, Thủ Đức, Tân Bình, Cửu Long… Nhiệm vụ chính của tổ hợp này là từ nguồn linh kiện CKD nhập khẩu từ các quốc gia từ khối các nước Đông Âu lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, như radio, tivi… Một vài nhà máy trong tổ hợp này đến nay vẫn còn hoạt động như Biên Hòa, Thủ Đức, Tân Bình…, vị trí và vai trò của tổ hợp này trong ngành công nghiệp điện tử chỉ là con số khiêm tốn vì không thể “địch” lại các đối thủ trong và ngoài nước, từ công nghệ cho đến sản phẩm.

Những năm đầu của thế kỷ 21, các doanh nghiệp tư nhân trong nước rộ “phong trào”: đầu tư những dây chuyền sản xuất (thực chất là lắp ráp) để sản xuất máy tính, từ máy tính để bàn cho đến máy tính xách tay. Tiên phong là FPT, sau đó là Vitek, rồi Nguyễn Hoàng… bỏ ra hàng chục triệu đôla Mỹ chỉ để muốn chứng minh với người tiêu dùng trong nước rằng những chiếc máy tính có mang dòng chữ “made in Vietnam”. Nhưng chỉ vài năm sau đó, những hệ thống lắp ráp trên, hoặc là “trùm mềm” hoặc là bán tống bán tháo với giá chỉ bằng 1/5 giá đầu tư ban đầu.

Làm chủ công nghệ trước

Công nghiệp điện tử VN hiện nay đã có gì, là một câu hỏi đơn giản nhưng để tìm câu trả lời đúng với thực tế, nhiều người có trách nhiệm đều không dám đối mặt với sự thật. Những doanh nghiệp như Tổng công ty Điện tử và Tin học VN, các thành viên của Vietronics… từng một thời là “quả đấm” đến nay đã già yếu. Các doanh nghiệp tư nhân, dù có năng động và trí tuệ nhưng nguồn vốn ít ỏi, lại không được chính sách hỗ trợ từ Nhà nước nên chấp nhận “làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Những con số thể hiện trong các báo cáo thống kê mỗi tháng, mỗi năm của ngành công nghiệp điện tử đều do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như tổ hợp Samsung, Panasonic, Sanyo, Canon, Funjitsu… quyết định.

Việc đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất phần cứng theo chuyển giao công nghệ của nước ngoài là việc nên làm nhưng lẽ ra, phải song song với việc đầu tư chất xám để sáng tạo những gì thiên hạ đang làm hoặc chưa làm, mới tạo được lực đẩy cho ngành công nghiệp điện tử VN phát triển trong kỳ vọng, như lời nhận xét của ông Đỗ Khoa Tân.

TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, chia sẻ: “Phải đầu tư chất xám để thâm nhập vào những công nghệ lõi, mới tạo ra nền tảng phát triển vững chắc. Chấp nhận đi sau thiên hạ nhưng ta phải làm chủ được công nghệ thiết kế – sản xuất chip xử lý không chỉ sử dụng trong những sản phẩm dân dụng mà quan trọng nhất là dùng trong an ninh – quốc phòng”. TS Quân cũng xác nhận lâu nay chưa quan tâm đến việc đầu tư cho chất xám, nhiều đề tài “bị quên trong tủ”. Vì quan niệm như vậy, trong gần 1.000 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học công nghệ cả nước trong năm 2011, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định dành 124,8 tỷ đồng để sử dụng con chip 32bit của Trung tâm Nghiên cứu thiết kế vi mạch (viết tắt là ICDREC, trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) thiết kế thành công vào việc sản xuất gói sản phẩm, từ thẻ cho đến đầu đọc theo công nghệ RFID (Radio Frequency Identification – nhận dạng bằng sóng radio). TS Quân xác nhận, đây là sản phẩm quốc gia vì được sản xuất trên nền tảng chip do chính người VN thiết kế và chế tạo, mở đầu cho công nghiệp điện tử VN.

“Làm chủ công nghệ”, câu nói thường nghe từ những bài phát biểu của giới lãnh đạo nhưng làm chủ công nghệ gì, tác động của nó đến nền tảng phát triển của quốc gia như thế nào chưa được đề cập và mổ xẻ một cách thấu đáo để tạo động lực cho công nghệ nền tảng phát triển, hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất phát triển. TS Lê Hoài Quốc, Giám đốc Khu công nghệ cao TP.HCM, nói: “Lâu nay giới khoa học chỉ dừng lại ở lời khẳng định: tôi làm được. Không chỉ làm được mà phải bắt công nghệ đó mở ra thị trường với mục tiêu là có nhiều sản phẩm cao cấp hơn với chuỗi giá trị liên hoàn mang tính toàn cầu. Đóng góp của chất xám vào sản phẩm phần cứng hay phần mềm đều đem lại những giá trị như nhau”.

Công nghiệp điện tử VN đã có nhiều quyết sách để phát triển nhưng nhiều quá đến loạn! Quyết sách thì nhiều, nhưng những vấn đề không kém phần quan trọng như tài chính, thị trường… lại chưa có gì là cụ thể. Nhà nước, không chỉ là một khách hàng lớn của các sản phẩm điện tử “sản xuất tại VN” mà còn có một trọng trách là thể hiện vai trò “bà đỡ” thực thụ chứ không phải trên lý thuyết!

Theo SGTT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

14 − 2 =

To Top