Connect with us

Chữ tín thời… loạn

Tin trong nước

Chữ tín thời… loạn

Hàn Quốc trong những năm gần đây nổi lên như là một trong những nhà đầu tư bất động sản có thực lực mạnh tại thị trường Việt Nam. Các công trình nổi cộm như: Kumho, Xii, Cantavil tại TP.HCM, Daewoo, Keangnam tại Hà Nội, càng góp phần đánh bóng thêm tên tuổi của họ.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của thương hiệu, các nhà đầu tư Hàn Quốc rất biết cách làm sao để tên tuổi của mình “đi vào lòng” khách hàng như cái cách mà trào lưu phim Hàn đã tràn vào Việt Nam hơn 10 năm qua.

Chẳng thế mà Tập đoàn GS E&C đã khôn khéo đưa nữ diễn viên Lee Young Ae, “nàng Dae Jang Geum” có thời gian làm say lòng bao khán giả của màn ảnh truyền hình Việt Nam, làm đại diện hình ảnh cho dòng sản phẩm căn hộ cao cấp Xii của GS tại Việt Nam.

Tự tin hơn, Công ty Daewoo vừa ký kết hợp đồng tổng thầu với Công ty Inpyung, chủ đầu tư dự án Cleve, Hà Nội. Đồng thời, thương hiệu nhà ở chung cư Daewoo – Cleve cũng chính thức được ra mắt.

Hà Nội Daewoo – Cleve là dự án đầu tiên tại Việt Nam mang thương hiệu Daewoo -Cleve, biểu trưng cho phong cách chung cư cao cấp Hàn Quốc với những căn hộ có chất lượng thi công cùng thiết kế sáng tạo riêng biệt.

Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, ngay từ khi công bố dự án, kéo dài đến lúc hoàn thành và bàn giao sản phẩm, Keangnam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng và truyền thông. Đã có lúc, công trình này còn được coi như là một biểu tượng mới về công trình kiến trúc của Hà Nội.

Thế nhưng, chỉ không đầy tuần qua, thương hiệu này đang chịu không ít “phẫn nộ” từ chính các cư dân sinh sống tại đây với mức phí quản lý trên trời, chất lượng công trình không xứng với quảng cáo tiêu chuẩn 5 sao.

Đáng lẽ, trong thời điểm thị trường bất động sản đình trệ, cư dân Keangnam và cả các khách hàng khác đang hướng tới phân khúc căn hộ cao cấp, chờ đợi một cách giải quyết hợp tình và tinh tế từ chủ đầu tư, thì sự đối chất từ phía nhà quản lý thương hiệu càng làm cho tất cả phải ngao ngán.

Trong hội nghị tiếp xúc với cư dân Keangnam, ông Ha Jong Suk, Giám đốc Keangnam Vina, cho rằng, nếu tính diện tích của 922 căn hộ tại Keangnam, với mức phí 0,9 USD/m2 thì phí quản lý thu về hằng tháng của công ty là 119.894 USD không đủ chi cho các khoản lên tới 133.082 USD/tháng. Vì vậy, thiệt hại hiện tại khiến Công ty phải chịu một tháng là 13.188 USD và một năm là 158.255 USD (khoảng 3,2 tỷ đồng).

Riêng việc thu phí nhà xe của Keangnam, ông Han cho biết, chi phí xây dựng nhà xe là gần 43,5 triệu USD. Bên cạnh đó, còn nhiều loại chi phí khác như chi phí khấu hao tài sản, vệ sinh, vận hành, bảo hiểm… một tháng khoảng 88.000 USD. Do vậy, Keangnam căn cứ vào đó để thu phí xe máy và ô tô để thu hồi vốn.

Chuyện đúng sai về mức phí dịch vụ, cần phải bàn bạc cụ thể. Nhưng cách hành xử của vị giám đốc Hàn Quốc làm hầu hết cư dân Keangnam không hài lòng.

Tại hội nghị, sau khi trình bày chưa đầy 15 phút, chủ yếu tập trung vào những khó khăn của chủ đầu tư, dù được yêu cầu ở lại để trả lời những câu hỏi chất vấn, nhưng vị này đều loanh quanh tìm cách thoái thác với lý do: “Chưa chuẩn bị cho phần hỏi đáp nên xin phép được trả lời các câu hỏi vào buổi khác”.

Tiếp đến, lại không hề đả động đến vấn đề chất lượng bàn giao nhà không đúng như hợp đồng, khiến nhiều hộ dân bức xúc, như: khóa các cửa phòng đều hỏng, sàn nhà làm bằng gỗ công nghiệp thì cong vênh, tường nứt, trần lem nhem… dù khách hàng đã phải trả 4-5 tỷ đồng để mua căn hộ.

Kết thúc hội nghị một cách chóng vánh, một cư dân Keangnam nhận định: chủ đầu tư không tôn trọng khách hàng, nên họ đang vô tình mở ra một cuộc đối đầu giữa chủ đầu tư và người dân.

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

16 − 6 =

To Top