Tin quốc tế
Câu chuyện buồn của Ofo
Câu chuyện buồn của Ofo, từ một startup trị giá 2 tỷ USD bây giờ chẳng còn lại gì ngoài những đống xe đạp hỏng chất cao như núi.Về cơ bản, Ofo chẳng còn bất cứ tài sản nào.
Mới đây, một tòa án Trung Quốc đã đưa ra phán quyết rằng Ofo, một startup cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp từng có giá trị 2 tỷ USD, không có khả năng thanh toán các khoản nợ cho các đối tác và cả người dùng. Vụ việc này là cảnh báo mới nhất cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực startup Trung Quốc.
Theo phán quyết của tòa án Thiên Tân vào hôm 17/6, Ofo về cơ bản không còn bất cứ tài sản nào nên không thể trả nợ cho Công ty xe đạp Thiên Tân Fuji-Ta. Trước đó, Thiên Tân Fuji-Ta đã đâm đơn kiện Ofo với mục đích thu hồi khoản nợ 36 triệu USD. Cụ thể theo tòa án, các tài khoản ngân hàng của Ofo hiện tại đều có số dư bằng 0 hoặc đã bị đóng băng. Startup này cũng không có bất động sản, xe hơi hoặc các khoản đầu tư nào khác.
Ofo, được thành lập 5 năm trước, từng kỳ vọng rằng ngày càng nhiều người Trung Quốc sẽ sử dụng xe đạp để di chuyển những quãng ngắn để đi đến/ra về từ bãi đỗ xe hoặc điểm bắt phương tiện công cộng. Trong 8 vòng gây vốn từ năm 2015 đến 2018, Ofo đã huy động được tới 2,2 tỷ USD từ các hãng tên tuổi như Alibaba, Didi Chuxing và các nhà đầu tư khác. Trong cùng thời gian đó khi mảng chia sẻ xe đạp phát triển, Mobike, đối thủ chính của Ofo, cũng huy động được 900 triệu USD. Thậm chí, nó còn truyền cảm hứng cho một loạt loại hình kinh doanh chia sẻ khác.
Các hãng chia sẻ xe đạp đã thiết lập một số điểm cung cấp xe trên khắp các thành phố của Trung Quốc, nơi người dùng có thể thuê xe với mức phí chỉ từ 99 CNY, thậm chí thuê theo giờ còn rẻ hơn nữa. Nhưng vấn đề là những chiếc xe đạp cho thuê ấy phải đối mặt với hành vi phá hoại hoặc trộm cắp và bị bỏ lại chất đống ở vỉa hè, lòng đường khiến chính quyền các thành phố cũng phải đau đầu. Có thời điểm, Ofo mất hoặc bị trộm tới 90% số xe đạp của mình.
Và quan trọng hơn, làm thế nào để tạo ra lợi nhuận khi chỉ thu phí vài đồng mỗi lượt thuê trong khi phải bỏ tiền ra mua hàng trăm ngàn chiếc xe đạp. Vào năm 2017, một số startup chia sẻ xe đạp đã có dấu hiệu chùn bước.
Tháng 12 năm ngoái, hàng trăm người dùng Ofo đã bao vây bên ngoài trụ sở của công ty này ở Bắc Kinh để yêu cầu trả lại tiền đặt cọc. Tổng cộng 12 triệu người dùng đã đang ký tài khoản với công ty này muốn được nhận lại số tiền đặt cọc của họ, tổng số tiền lên tới gần 170 triệu USD. CEO của Ofo cũng đã bị một tòa án đưa vào danh sách đen gồm những người bị vỡ nợ.
Sự tăng trưởng thần kỳ rồi vấp ngã của Ofo là ví dụ điển hình cho nhiều nhà đầu tư tập trung vào Trung Quốc, những người đặt cược lớn vào các startup đốt tiền với dự tính chúng sẽ mau chóng IPO để rút tiền đầu tư ra kèm theo lợi nhuận. Với việc nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại và hiệu suất kém cỏi của các công ty công nghệ Trung Quốc mới IPO năm ngoái, các nhà đầu tư không còn muốn mạo hiểm nữa, và điều này khiến tương lai của các startup nhỏ trở nên mịt mù.
Năm ngoái, Ant Financial (công ty con chuyên về tài chính của Alibaba) đã đề xuất mua lại Ofo với giá 2 tỷ USD nhưng cuối cùng lại từ bỏ. Tuy nhiên, đối thủ Mobike lại được cứu bởi thương vụ mua lại trị giá 2,7 tỷ USD của nhà cung cấp dịch vụ theo yêu cầu Meituan Dianping. Hiện tại, Mobike đã đổi tên thành Meituan Bike.
Trong khi đó, Ofo đã thu hẹp hoặc rút hoàn toàn các hoạt động mở rộng ra thị trường nước ngoài, bao gồm cả các dự án ở Mỹ, Nhật Bản và Singapore. Ở trong nước, dù Ofo chưa chính thức tuyên bố ngừng kinh doanh nhưng người dùng cho biết họ hiếm khi thấy những chiếc xe đạp màu vàng trên đường phố.
Ofo không có tuyên bố gì về vụ việc này nhưng trước đó đã chia sẻ công khai rằng họ vẫn hoạt động bình thường. Ngày 1/4, trang Twitter của công ty đã đăng tải dòng trạng thái với nội dung: “Mọi người đang được trả lại tiền”. Rõ ràng, với tình trạng của mình, đây là một tuyên bố có tính xác thực cao bởi Ofo chẳng còn tâm trí nào để đùa cợt.
Theo Tri Thức Trẻ