Connect with us

Cấm quảng cáo trên xe buýt ở TPHCM: 10 năm nhìn lại

Tin trong nước

Cấm quảng cáo trên xe buýt ở TPHCM: 10 năm nhìn lại

Trong khi loại hình quảng cáo trên xe buýt đã trở nên khá phổ biến ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, thì đã hơn mười năm, xe buýt tại TP.HCM vẫn không được phép quảng cáo.

Nhắc lại việc TP.HCM vẫn bị “treo” quảng cáo trên xe buýt, ông Nguyễn Quý Cáp, Phó chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM (HAA), bức xúc:

“Sau gần mười năm, những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo đã sử dụng tất cả các kênh từ cơ sở pháp lý đến yêu cầu thực tiễn và gửi rất nhiều đơn thư, đề xuất nhưng vẫn chưa có lời giải cho vấn đề.

Nếu tiếp tục không cho phép thực hiện quảng cáo trên xe buýt, thì cũng sớm thông báo rõ bằng văn bản hoặc họp công khai với đại diện các sở, ngành. Đồng thời, HAA xin được đăng ký gặp mặt để góp ý cụ thể nhằm tìm ra hướng đi rõ ràng và chắc chắn cho vấn đề này”.

Để hiểu rõ hơn bức xúc của ông Cáp, cũng cần lật lại hồ sơ về vệc cấp phép quảng cáo trên xe buýt trước đó. Trước năm 2013, văn bản pháp luật cao nhất về quảng cáo là Pháp lệnh về Quảng cáo do UBTV Quốc hội ban hành ngày 16/11/2001 (Số 39/2001/PLUBTVQH10). Tại khoản 8, điều 9, pháp lệnh này cho phép quảng cáo trên xe buýt như một vật thể di động.

Bên cạnh đó, Nghị định 24/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/3/2003 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về Quảng cáo; Thông tư số 43/2003/TT-BVHTT của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện Nghị định 24/2003/NĐ-CP, Thông tư 67 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu phí trên phương tiện giao thông, Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL – UBTVQH10 ngày 28/8/2001 cũng có quy định khoản thu cụ thể về quảng cáo.

Gần đây nhất, trong Luật Quảng cáo (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013), tại khoản 5, điều 17, khoản 1 – 2, điều 32 cho thấy “phương tiện giao thông” là phương tiện quảng cáo được cho phép và công nhận.

Trở lại năm 1992, khi chưa có pháp lệnh, hướng dẫn cụ thể nào về việc quảng cáo trên các phương tiện giao thông, TP.HCM là một trong những đơn vị tiên phong cho phép thực hiện loại hình quảng cáo này.

Tuy nhiên, đến năm 2001, khi Pháp lệnh về quảng cáo được ban hành và không có nội dung cấm quảng cáo thì năm 2002, TP.HCM ra Quyết định 108 không cho thực hiện “quảng cáo trên các phương tiện giao thông công cộng”. Quyết định này tạo nên một làn sóng dư luận lúc bấy giờ.

Năm 2008, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã làm đề án quảng cáo thương mại ngoài thân xe buýt. UBND TP.HCM ra Quyết định 39 thay thế Quyết định 108 có điều chỉnh một số nội dung nhưng vẫn tiếp tục không mở đường cho “quảng cáo trên các phương tiện giao thông công cộng”.

Đến năm 2010, Cục Văn hóa Cơ sở thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch có văn bản chính thức gửi Sở Văn hóa và Thể thao và Du lịch và UBND TP.HCM xác nhận việc cấm quảng cáo trên các phương tiện giao thông tại TP.HCM là trái pháp luật, và đề nghị UBND TP.HCM sớm giải quyết và cho phép thực hiện quảng cáo trên phương tiện giao thông.

Năm 2011, UBND TP.HCM mới chấp thuận và giao cho Công ty CP Tầm Nhìn (Vision) thực hiện đề án “Xây dựng hệ thống thương hiệu và khai thác quảng cáo thương mại trên xe buýt”. Tuy nhiên, sau gần 2 năm được giao thực hiện nhưng đến nay đề án này vẫn chưa có bước tiến triển nào.

Có thể thấy, việc chỉ có riêng TP.HCM cấm quảng cáo trên các phương tiện giao thông vận tải hoàn toàn không căn cứ trên cơ sở pháp luật nào. Đồng thời, quyết định cấm quảng cáo trên xe buýt tại TP.HCM cũng không thống nhất với các địa phương khác trên cả nước, gây nên tình trạng xung đột về pháp luật, cùng một hoạt động như nhau nhưng nơi này cho phép thực hiện, nơi khác lại không cho phép.

Từ đó dẫn đến nhiều bất cập như: xe buýt do TP.HCM chủ quản thì không được quảng cáo, nhưng xe buýt cũng hoạt động tại TP.HCM nhưng do tỉnh, thành phố khác hoặc bộ, ngành trung ương chủ quản lại được phép quảng cáo, như tuyến Đồng Nai – Bến xe Miền Đông, Tây Ninh – Bến Thành, Long An – Bến xe Chợ Lớn…

Và trên hết, việc không thống nhất trong việc cho phép quảng cáo nêu trên đã gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo, gây thất thu cho ngân sách, thiệt thòi cho các chủ xe trong địa bàn thành phố.

Hiện nay, tại TP.HCM có 143 tuyến có xe buýt với hơn 3.200 xe. Mức giá cho thuê quảng cáo cho các loại xe buýt từ 33 triệu – 50 triệu đồng/xe/năm. Nếu quảng cáo trên 3.000 xe buýt, số tiền thành phố thu được từ quảng cáo sẽ từ 120 – 150 tỷ đồng/năm. Tính từ năm 2002 đến nay, chắc con số thất thu đã lên đến ngàn tỷ đồng!

Cho dù số tiền này thành phố không thể giữ lại hết vì phải phân chia lợi nhuận cho các đơn vị công ty, hợp tác xã và phí quản lý thì cũng không thể phủ nhận đây là số tiền sẽ góp phần giảm ngân sách trợ giá xe buýt cho thành phố.

Ngoài chuyện ngân sách không có điều kiện thu thêm, thì chất lượng xe buýt cũng sẽ giậm chân tại chỗ vì xã viên, chủ xe thiếu kinh phí đầu tư sửa chữa, thay mới, giúp xe buýt sạch và văn minh hơn.

Gần đây nhất, khi Luật Quảng cáo đã có hiệu lực, cơ sở pháp lý đã đầy đủ, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch xác định quảng cáo trên xe buýt đương nhiên được chấp thuận và đề nghị duyệt đề án xây dựng trên xe buýt.

HAA được yêu cầu cử người lập Hội đồng thẩm định và chờ quyết định họp từ thành phố. Hội đồng đã được lập từ tháng 6/2012, nhưng đến nay HAA vẫn chưa nhận được tin gì thêm, nên vẫn tiếp tục… chờ.

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

fourteen − eleven =

To Top