Connect with us

Bay dưới bóng Vietnam Airlines

Tình huống thương hiệu

Bay dưới bóng Vietnam Airlines

Nếu mua được 70% cổ phần Jetstar Pacific, Vietnam Airlines sẽ có cơ hội chiếm lĩnh hơn 90% thị phần nội địa, nghĩa là cả Air Mekong và VietJet Air sẽ còn chưa tới 10% thị phần.

Sắp cất cánh, VietJet Air lập tức đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên mạng bay nội địa, cùng với khó khăn tiềm ẩn nếu Vietnam Airlines mua được 70% cổ phần Jetstar Pacific.

Trước ngày cất cánh, lập tức những người trong và ngoài ngành đã bắt đầu nói tới những khó khăn và thử thách đang chờ đón Hãng hàng không giá rẻ VietJet Air. “Chính thức khai thác thương mại sẽ ngốn tiền tỉ mỗi ngày. Sự rút lui của Hãng hàng không giá rẻ AirAsia là bất lợi rất lớn đối với VietJet Air vì Hãng phải tự bơi một mình. “Tôi hy vọng doanh nghiệp này đã thuộc lòng bài học từ Indochina Airlines hay Jetstar Pacific”, một cựu lãnh đạo của Indochina Airlines (không tiện nêu tên), cho biết.

Vietjet Air một mình cất cánh

Vietjet Air vừa thông báo việc khai trương bán vé qua mạng và dự kiến chính thức gia nhập thị trường vận chuyển nội địa kể từ ngày 25.12 tới đây. Theo quan sát của NCĐT, các bước chuẩn bị sau cùng cho chuyến bay thương mại đầu tiên của VietJet Air khá kín tiếng. Hoạt động truyền thông chỉ dừng lại ở mức tối thiểu bằng hình thức gửi thông cáo báo chí. Quảng cáo lại khá khiêm tốn… Cách duy nhất hiện nay khách hàng có thể tiếp cận để mua vé là qua trang web của Hãng hay gọi vào tổng đài 1900 1886 và 3 phòng vé tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cùng một số đại lý bán vé.

Trên trang web của VietJet Air, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Thanh Hà cho biết tháng 10.2011, Hãng đã ký hợp đồng thuê 3 máy bay A320-200 từ đối tác ALAFCO (Kuwait). VietJet Air sẽ chính thức tiếp nhận 3 máy bay đầu tiên vào đầu tháng 12.2011. Tuy nhiên, ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết Cục cần thời gian thẩm định các máy bay trước khi cấp Chứng chỉ nhà khai thác máy bay (AOC) cho VietJet Air để Hãng có thể chính thức cất cánh.

Hồi tháng 10.2011, AirAsia đã chính thức công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Kuala Lumpur thông tin rút lui khỏi dự án liên doanh với VietJet Air. Lý do là Hãng không đạt được thỏa thuận về việc sử dụng thương hiệu AirAsia trong các hoạt động thương mại với nhà chức trách Việt Nam. Cần nhắc lại rằng tháng 2.2011, AirAsia tuyên bố mua 30% cổ phần của VietJet Air để trở thành cổ đông nước ngoài duy nhất của Hãng và hai bên dự kiến sẽ vận hành các chuyến bay thương mại trong và ngoài nước mang thương hiệu VietJet AirAsia. Tuy nhiên, sau đó Vietnam Airlines đã gửi kiến nghị phản đối tới Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng việc liên doanh là không hợp pháp vì điều này cho phép AirAsia tham gia vào mạng bay nội địa, vốn chỉ dành cho doanh nghiệp trong nước.

Một quan ngại khác liên quan đến khả năng cạnh tranh của VietJet Air chính là thông tin Vietnam Airlines đang có ý định thâu tóm gần 70% cổ phần của Jetstar Pacific thông qua việc chuyển nhượng vốn từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Nếu thương vụ này được thực hiện, Vietnam Airlines sẽ có cơ hội chiếm lĩnh hơn 90% thị phần nội địa, nghĩa là 2 hãng còn lại gồm Air Mekong và VietJet Air sẽ còn chưa tới 10% thị phần. Mới đây, một cán bộ quản lý của Air Mekong cho biết: “Việc Vietnam Airlines nắm giữ cổ phần chi phối trong Jetstar Pacific sẽ tạo ra thị phần trên 90%. Tôi e rằng cạnh tranh sẽ giảm, độc quyền sẽ tăng”.

 

Cái bóng quá lớn của Vietnam Airlines

Khó khăn triền miên là cụm từ mô tả chính xác nhất về hiện trạng của các hãng hàng không tư nhân trong nước. Ông Lê Song Lai, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific, cho biết trong 10 tháng đầu năm nay, các hãng hàng không nội địa phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Đối với Jetstar Pacific, có những thời điểm xăng dầu chiếm tới hơn phân nửa tổng chi phí hoạt động. Do đó, mọi biến động giá xăng dầu đều ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động của Hãng. “Tính đến hết tháng 10.2011, tổng chi phí xăng dầu của Jetstar Pacific đã tăng 22% so với cùng kỳ năm 2010, làm đội chi phí thêm hơn 200 tỉ đồng nữa”, ông Lai nói. Trong khi đầu vào tăng, đầu ra là giá vé máy bay vẫn tiếp tục bị khống chế. Mặc dù trần giá vé đã được Bộ Tài chính điều chỉnh từ tháng 4.2010 nhưng vẫn chưa đủ bù chi phí hoạt động thực tế. Điều này dẫn đến hệ quả là tất cả các hãng hàng không trong nước tới nay vẫn bị thua lỗ trên mạng bay nội địa.

Ngược lại với tình hình của các hãng hàng không tư nhân, Vietnam Airlines đang ngày càng khẳng định vị thế thượng phong về mọi mặt như vốn hoạt động, thương hiệu, chuỗi dịch vụ, hệ thống kinh doanh… Đặc biệt, với đội bay hơn 60 chiếc gồm B777, A330, A320, A321, ATR72 và Fokker, mạng bay trong nước lẫn quốc tế của Hãng ngày càng mở rộng. Vì vậy, nếu được sở hữu gần 70% cổ phần của Jetstar Pacific thì Vietnam Airlines sẽ có cơ hội tiếp tục khẳng định vị thế của mình.

“Tôi chưa có số liệu để kiểm tra kỹ lưỡng xem Jetstar Pacific lỗ như thế nào, nhưng nếu việc này xảy ra thì chứng tỏ Hãng không thể tiếp tục trụ lại trên thị trường. Đây là tín hiệu không tốt, dẫn tới sự độc quyền hoàn toàn, gây bất lợi cho người tiêu dùng cả về giá và chất lượng dịch vụ”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết. Còn Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng Phòng Nghiên cứu Phát triển Kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội thì cho rằng: “Tôi chưa dám khẳng định việc chuyển giao cổ phần như vậy bắt nguồn từ đâu và vì lý do gì nhưng rõ ràng, việc giảm dần tỉ trọng vốn ngoài nhà nước, tăng tỉ trọng vốn nhà nước, tất yếu dẫn tới tăng độc quyền. Đây là xu hướng đi ngược lại điều mà chúng ta mong muốn”.

Trong quá trình thực hiện bài viết này, NCĐT đã lần lượt liên hệ với Vietnam Airlines, Air Mekong và với một Cục phó Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, nhưng tất cả đều từ chối bình luận về thương vụ Vietnam Airlines sẽ nắm giữ gần 70% cổ phần của Jetstar Pacific trong tương lai. Riêng ông Lai, Jetstar Pacific, cho biết: “Tôi nghĩ Hãng Qantas hiện có 27% cổ phần trong Jetstar Pacific sẽ có ý kiến khi vụ này được đưa ra bàn bạc, còn nếu có mang yếu tố vi phạm Luật Cạnh tranh thì Cục Quản lý Cạnh tranh sẽ vào cuộc”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cái bóng của Vietnam Airlines hiện vẫn quá lớn và tiếp tục bao phủ thị trường hàng không trong nước, nên các bên liên quan có vẻ không muốn va chạm với đơn vị này. Như vậy, tính độc quyền của Vietnam Airlines sẽ càng được củng cố và điều này đi ngược lại chủ trương mở cửa bầu trời của Chính phủ. Trước mắt, ban lãnh đạo VietJet Air cần phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc nếu không muốn hãng hàng không non trẻ của mình đi theo vết xe đổ của Indochina Airlines.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

five × one =

To Top