Connect with us

VietJet Air chấp chới

Tin trong nước

VietJet Air chấp chới

Việc Hãng hàng không AirAsia không tham gia vốn đang là thách thức lớn đối với kế hoạch bay thương mại vào cuối năm nay của Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VietJet Air).

Trung tuần tháng 10, Hãng hàng không AirAsia công bố quyết định không mua 30% cổ phần trong tổng số 600 tỷ đồng vốn điều lệ của Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VietJet Air), do không đạt được thỏa thuận về việc sử dụng thương hiệu AirAsia trong các hoạt động thương mại.

Về phía VietJet Air, mặc dù vừa bị trả vốn, lại vừa không được AirAsia hậu thuẫn về kinh nghiệm chuyên môn, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng và an ninh hàng không, nhân sự và chuyển giao công nghệ, nhưng Hãng vẫn khẳng định, đã hoàn tất về mặt kỹ thuật, nhân sự, đào tạo tiếp viên, phi công để sẵn sàng cho chuyến bay thương mại vào cuối năm 2011.

Cụ thể, giai đoạn đầu, bằng máy bay Airbus A320, VietJet Air sẽ khai thác các chặng bay trên trục Bắc – Nam, gồm Hà Nội – Đà Nẵng, Hà Nội – TP.HCM, Đà Nẵng – TP.HCM và ngược lại. Tiếp theo, Hãng có kế hoạch mở rộng tuyến bay tới các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á, như Bangkok, Singapore, Malaysia và các điểm thuộc khu vực Đông Bắc Á, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Kế hoạch của VietJet Air được nêu ra rất cụ thể, nhưng dư luận xem ra còn nhiều nghi ngại và chưa quên 5 lần thất hứa cất cánh của VietJet Air, kể từ khi thành lập năm 2007. Thêm vào đó, ông Lại Xuân Thanh, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, VietJet Air chưa hoàn tất quy trình xin cấp Chứng chỉ Nhà khai thác tàu bay (AOC) cũng như chưa báo cáo về kế hoạch thuê tàu bay.

Trở lại với Hãng hàng không AirAsia, đây là lần thứ hai, kế hoạch bắt tay với đối tác Việt Nam nhằm thâm nhập thị trường hàng không giá rẻ bất thành (tháng 8/2007, Hãng có ý định hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam để thành lập một liên doanh hàng không giá rẻ).

Trong khi đó, AirAsia đang không ngừng nỗ lực gia tăng thị phần trong thị trường hàng không giá rẻ với các đối thủ như Jetstar Pacific Airlines, GoAir (Ấn Độ) và Cebu Pacific (Philippines). Đặc biệt, ngày 16/12 tới, AirAsia sẽ mở đường bay thẳng từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Đà Nẵng, với tần suất 4 chuyến/tuần vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và Chủ nhật bằng máy bay Airbus A320.

Không thể phủ nhận rằng, nhờ sự hiện diện của các hãng hàng không giá rẻ mà thị trường hàng không Việt Nam đã được cải thiện về chất lượng dịch vụ, giá vé giảm hơn. Tuy nhiên, việc này cũng tạo ra không ít thách thức đối với các hãng hàng không nội địa mới đi vào hoạt động hoặc sắp gia nhập thị trường. Với sự đổ vỡ của Indochina Airlines mới đây, có thể thấy, để gia nhập thị trường và tồn tại lâu dài, trước hết, phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh.

Thêm vào đó, việc Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) nung nấu ý định thâm nhập thị trường hàng không giá rẻ cũng tạo sức ép lớn đối với thị trường này. Trong tình hình kinh tế khó khăn, giá xăng dầu cao, song VNA vẫn vào cuộc đua giảm giá, liên tục tung chiêu khuyến mãi trên cả trục bay nội địa lẫn quốc tế. Ngoài ra, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc VNA cho biết, đến năm 2015, Hãng sẽ có 115 máy bay và đến năm 2020 sẽ tăng lên 170 chiếc.

Ngoài ra, VNA phải tăng cường đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống sân bay cũng như cơ sở hạ tầng cùng đội ngũ phi công. Thời gian qua, khi tăng cường dịch vụ và mở thêm các đường bay mới, VNA đã gặp nhiều khó khăn, thậm chí có lúc phải hủy chuyến, thay đổi lịch bay do thiếu phi công.

Với những khó khăn và hạn chế như vậy, có thể thấy, VNA và VietJet Air không dễ gì giành được miếng bánh bầu trời trong cuộc chiến dịch vụ hàng không giá rẻ rất khốc liệt hiện nay.

Theo Báo Đầu Tư

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

13 − 5 =

To Top