Connect with us

Xa dần giấc mơ bay

Tình huống thương hiệu

Xa dần giấc mơ bay

Nếu Dự thảo về tăng vốn pháp định trở thành hiện thực, các hãng hàng không sẽ càng dễ bị rút giấy phép hoạt động do khó huy động vốn để đáp ứng yêu cầu. 

Dự thảo của Cục Hàng không Việt Nam về yêu cầu nâng vốn pháp định tối thiểu thêm 50-60% đối với việc thành lập các hãng hàng không tiếp tục đẩy giấc mơ bay ra xa tầm với của các nhà đầu tư.

Tất cả các hãng hàng không trong nước đều thua lỗ trên các đường bay nội địa. Vietnam Airlines đã phải bù lỗ 600 tỉ đồng trong năm 2010.

 “Các hãng hàng không tư nhân đang đối mặt với một chân trời bất định và u ám, mặc dù họ từng được kỳ vọng rất nhiều trong việc tạo cú hích cho hoạt động hàng không nội địa”, một quan chức Bộ Giao thông Vận tải (đề nghị không nêu tên) cho biết.

Khó khăn triền miên

Ông Lê Song Lai, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific, cho biết trong cả năm 2010 và 5 tháng đầu năm nay, các hãng hàng không nội địa phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Như trường hợp Jetstar Pacific, có những thời điểm xăng dầu chiếm hơn 50% tổng chi phí hoạt động. Do đó, mọi biến động giá xăng dầu đều ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động của Hãng. “Trong cả năm 2010, tổng chi phí xăng dầu của Jetstar Pacific tăng 21,5% do giá dầu thế giới tăng bình quân 30% và tiền đồng mất giá khoảng 14% so với USD, gây thiệt hại cho Hãng tới 8 triệu USD”, ông Lai nói.

Trong khi đầu vào tăng, đầu ra là giá vé máy bay vẫn tiếp tục bị khống chế. Mặc dù trần giá vé đã được Bộ Tài chính điều chỉnh từ tháng 4.2010 nhưng vẫn chưa đủ bù chi phí hoạt động thực tế. Điều này dẫn đến hệ quả là tất cả các hãng hàng không trong nước đều thua lỗ trên các đường bay nội địa. Gần đây, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lần đầu tiên cho biết đã phải bù lỗ hơn 30 triệu USD (khoảng 600 tỉ đồng) cho các đường bay trong nước trong năm 2010.

Khó khăn đã lên cao với Jetstar Pacific khi Hãng nợ quá hạn gần 200 tỉ đồng tiền mua nhiên liệu của Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco). Vinapco đã yêu cầu Hãng xuất trình bảo lãnh của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC, cơ quan chủ quản của Jetstar Pacific) hay một tổ chức tín dụng trước ngày 4.6, nếu không sẽ thực hiện biện pháp thu tiền xăng khoảng 3,6 tỉ đồng mỗi ngày. Jetstar Pacific đã có văn bản đề nghị Vinapco đồng ý với lộ trình trả nợ. Theo đó, Hãng cam kết xử lý dứt điểm toàn bộ công nợ trước ngày 31.7 để từ 1.8 việc thanh toán sẽ diễn ra bình thường như trước.

Công ty Cổ phần Hàng không Mê Kông (Air Mekong) đã cất cánh từ ngày 9.10.2010 với đội bay gồm 4 chiếc Bombardier CRJ 900 (Canada) trên 3 nhóm đường bay ngách gồm đường bay Hà Nội – TP.HCM, đường bay biển đảo tới Phú Quốc, Côn Đảo, đường bay cao nguyên tới Pleiku, Đà Lạt và Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Air Mekong, cho biết gần 80% chi phí hàng không là nhập khẩu phải thanh toán bằng ngoại tệ, như xăng dầu, thuê máy bay, phi công, chuyên gia nước ngoài và phụ tùng bảo dưỡng. Vì vậy, việc cùng lúc tăng giá xăng và tỉ giá đã tác động lớn đến các hãng hàng không trong nước. Một người (đề nghị không nêu tên) từng nằm trong ban lãnh đạo của Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương (Indochina Airlines) nói: “Tôi đoán chắc, tính đến nay khoản lỗ của Air Mekong phải lên tới hàng chục tỉ đồng và một trong những giải pháp đã được tính từ trước là họ sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài”.

 

Nguy cơ bị rút phép

Sau khi Indochina Airlines ngưng hoạt động, các hãng đã được cấp phép như Công ty Cổ phần Hàng không VietJet, Công ty Cổ phần Hàng không Trãi Thiên (Trãi Thiên Air Cargo) đang tìm cách đối phó với thời hạn rút giấy phép của Cục Hàng không Việt Nam.

Tháng 10.2009, Trãi Thiên Air Cago thuộc Công ty Hàng hải Trãi Thiên đã trở thành hãng tư nhân đầu tiên nhận giấy phép cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường không. Gần một năm sau, Hãng tuyên bố sắp ký hợp đồng thuê máy bay B737-300F của Công ty Airmark (Singapore) để chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên từ TP.HCM đi Hồng Kông vào ngày 5.9.2010. Tuy nhiên, sau nhiều lần trì hoãn, đến nay giấc mơ bay của Trãi Thiên Air Cargo gần như đã tan biến vì không chứng minh được năng lực tài chính. Hãng đang đối mặt với thời hạn chót bị rút giấy phép hoạt động vào tháng 8.2011.

Một hãng hàng không khác là VietJet, doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được cấp phép bay thương mại từ năm 2007, cũng đang trong tình cảnh tương tự. Hãng dự định cất cánh trước ngày 30.6.2011 song nay vẫn chưa bắt đầu và đang đứng trước nguy cơ bị rút giấy phép. Hiện VietJet đang đăng thông báo tuyển dụng cho nhiều vị trí khác nhau trên một số tờ báo. Tuy nhiên, động thái này là khá mập mờ vì ngày dự kiến cất cánh là thông tin quan trọng nhất cần được công bố đầu tiên lại không thấy đề cập đến.

Nếu Dự thảo về tăng vốn nói ở trên được thông qua, các hãng hàng không sẽ càng dễ bị rút phép hơn, do khó huy động nguồn lực để đáp ứng yêu cầu tăng vốn pháp định thêm 50-60% so với hiện nay.

Tìm đâu ra vốn mà tăng?

Trong khi khó khăn chồng chất như vậy, các hãng hàng không sẽ càng đau đầu với bài toán tăng vốn theo tinh thần của Dự thảo.

Tháng 4.2011, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất với Chính phủ về việc Air Mekong muốn bán 30% cổ phần, tương đương 8,57 triệu cổ phiếu cho Tập đoàn Hàng không SkyWest (Mỹ). “Chúng tôi bán 30% cổ phần cho SkyWest như những cổ đông bình thường chứ không có bất cứ ràng buộc hay liên danh, liên kết nào cả”, ông Việt, Air Mekong, nói. Nếu thương vụ này được chấp thuận, Hãng có thể sẽ giải được cơn khát vốn, nhằm tăng đội bay lên 14 chiếc trong năm 2012 và triển khai các đường bay mới.

Nhưng không phải hãng nào cũng có triển vọng bán được cổ phần như Air Mekong. Với tình hình kinh tế vĩ mô chưa hoàn toàn sáng sủa, các nhà đầu tư đã chùn tay trước khi quyết định bỏ tiền mua cổ phần các hãng hàng không.

“Chủ tịch Công ty Hàng hải Trãi Thiên từng sang Mỹ để thực hiện niêm yết 300.000 cổ phiếu Trãi Thiên trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) nhằm huy động vốn. Tuy nhiên, kế hoạch thất bại vì không nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế”, ông Lê Giang Long, nguyên Phó Tổng Giám đốc Trãi Thiên Air Cargo, cho biết.

Đối với Jetstar Pacific, vấn đề bổ sung vốn đã được tính đến tại Đại hội Cổ đông 2011 hôm 19.5 vừa qua. Các cổ đông đã thông qua phương án phát hành cổ phần mới cho các cổ đông hiện hữu và cổ đông ngoài để tăng vốn điều lệ lên 55-60 triệu USD (khoảng 1.100-1.200 tỉ đồng) nhằm phục vụ chiến lược kinh doanh 5 năm (2011-2015) của Hãng. Tuy nhiên, giới kinh doanh trong ngành cho rằng đây có thể là nhiệm vụ bất khả thi vì Jetstar Pacific chưa bao giờ có lãi.

Trong khi đó, Hãng Hàng không giá rẻ AirAsia (Malaysia) đã quyết định rút 30% vốn khỏi VietJet vì không đủ kiên nhẫn chờ đợi phán quyết của Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam về vấn đề thương hiệu chung VietJet AirAsia.

Mới đây, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vận tải Ngoại thương, cho biết Đại hội Cổ đông 2011 của Công ty đã biểu quyết kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 142 tỉ đồng nhằm bổ sung nguồn vốn phát triển hoạt động kinh doanh, trong đó có dự án thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa, dự kiến khai thác vào quý I/2012.

Tuy nhiên, tính khả thi của kế hoạch này đang bị đặt dấu hỏi trong bối cảnh các hãng hàng không đi trước đều đang khó khăn bế tắc.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 × two =

To Top