Tình huống thương hiệu
Apple, vượt rào cấm vận vào Iran
Mặc cho Mỹ và các nước đồng minh thắt chặt lệnh cấm vận, những sản phẩm mới nhất của Apple vẫn đễ dàng đến tay người tiêu dùng Iran. Apple đang thực sự bùng nổ tại Iran, quốc gia đang bị phương Tây “chèn ép” đến ngột thở!Cơn “khát” công nghệ Apple của người Iran
Tại một cửa hàng RadanMac, những sản phẩm công nghệ mới nhất của Apple đều được bày bán, từ iPad, iPhone, iPod đến laptop…
Thế nhưng đó không phải là một cửa hàng bình thường. RadanMac nằm ở Tehran, thủ đô Iran, nơi mà các sản phẩm của Apple và những thương hiệu máy tính khác của Mỹ bị cấm bán do lệnh trừng phạt thương mại vào những năm qua. Mặc dù vậy, RadanMac chỉ là một trong hàng trăm cửa hàng tại thủ đô Iran cung cấp các sản phẩm của Apple với mức giá chỉ nhỉnh hơn một chút so với ở Mỹ.
“Kinh doanh thực sự bùng nổ trong ba năm qua”, ông Majid Tavassoli, chủ cửa hàng RadanMac cho biết. Công ty RadanMac của ông có hơn 20 nhân viên và cung cấp sản phẩm Apple cho người tiêu dùng Iran kể từ năm 2005. RadanMac sở hữu những khách hàng lớn như ngân hàng trung ương Iran, các đài truyền hình, báo chí và các chuyên gia thiết kế.
Sự bùng nổ lĩnh vực kinh doanh sản phẩm Apple cho thấy những hạn chế của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ cũng như các quốc gia khác đã áp dụng nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran. Các doanh nghiệp Mỹ bị cấm bán sản phẩm cũng như dịch vụ sang Iran nếu như không nhận được sự cho phép của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, các sản phẩm tiêu dùng và những thiết bị máy tính lại là chuyện khác. Mặc dù bị cấm nhưng các thương nhân Iran vẫn tiếp tục kinh doanh thông qua các lộ trình giao dịch ngầm tại Trung Đông.
Với Apple, việc mua lại nhạc, video hay phần mềm phải được thực hiện trực tiếp thông qua các dịch vụ trực tuyến iTunes hay App Store của công ty. Nhưng người Iran đăng ký tài khoản tại Apple bằng cách chọn địa chỉ ngẫu nhiên ngoài quốc gia và sử dụng các thẻ quà tặng nước ngoài để thực hiện việc mua bán. Iran hiện là một thị trường phát triển nhanh về các sản phẩm phần mềm.
Bị cấm cản, kinh doanh vẫn bùng nổ
Người phát ngôn của Apple cho biết, Apple áp dụng chính sách quản lý xuất khẩu, theo đó họ cấm mọi đơn vị, chi nhánh xuất khẩu sản phẩm sang Iran.
Từng một thời được cho là khan hiếm, giờ đây iPhone, iPad là những thứ trong tầm tay đối với những ai có khả năng chi trả. Trung tâm thương mại là khu mua sắm công nghệ nhộn nhịp và lớn nhất thủ đô Tehran, Capital Computer Complex, nơi có hơn 350 điểm giao dịch cung cấp sản phẩm số lượng khách hàng “khát” công nghệ ngày một gia tăng.
Một trong số các đối thủ của RadanMac là Apple Iran, doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn. Website của họ gần như là giống hệt của Apple, chỉ khác ở ngôn ngữ. Một nguồn tin cho hay, Apple đang nỗ lực để đánh sập trang web này. Tuy nhiên đại diện của phía Apple Iran cho biết. họ rất tự hào về điều đó.
Cũng giống như RadanMac, Apple Iran sở hữu số lượng khách hàng doanh nghiệp khá ấn tượng. Bên cạnh những ngân hàng trong nước, khách hàng của Apple Iran còn là đài truyền hình quốc gia Iran và nhiều tạp chí, báo đài khác.
“Có ít nhất 1.000 biên tập viên sử dụng Mac, nếu không muốn nói là nhiều hơn”, anh Ali Afghah, người phát ngôn của Apple Iran cho biết. Anh cũng là người được mệnh danh là “thủ lĩnh Mac” khi sở hữu chiếc máy tính của Apple lần đầu tiên vào năm 2002.
Trong những tháng gần đây, doanh số bán hàng của Apple Iran giảm do Mỹ và các nước đồng minh thắt chặt lệnh trừng phạt lên khu vực tài chính của Iran. Các biện pháp trừng phạt mới khiến cho đồng tiền của Iran bị sụt giảm và việc thành toán quốc tế từ các ngân hàng Iran trở nên vô cùng phức tạp.
Tuy nhiên, nhu cầu khá lớn của những đối tượng khách hàng ưa sáng tạo như nhạc sĩ, biên tập phim và nhiếp ảnh gia đối với thương hiệu Apple, việc kinh doanh của công ty nhờ thế mà được duy trì tương đối ổn định.
Trong cái khó, ló cái khôn
Tavassoli đã thành lập RadanMac sau khi công ty máy tính Trung Đông- nơi ông từng làm việc- rút khỏi Iran. Tại đó, Tavassoli làm kỹ sư dịch vụ cho các sản phẩm Apple. Ông cho biết đã đầu tư vài ngàn USD vào lĩnh vực kinh doanh mình lựa chọn. Và cùng tình yêu với công nghệ Apple, ông đã giành 15 năm tiếp theo để thực hiện ước mơ.
“Khởi đầu của tôi là một chuỗi những khó khăn, thử thách. Bốn đồng nghiệp của tôi đã từ bỏ để trở về Mỹ. Nhưng tôi yêu thích những gì tôi làm”, doanh nhân 51 tuổi nói.
Mặc dù bị áp lệnh trừng phạt, Tavassoli cho biết, việc kinh doanh tại đất nước này là không giới hạn bởi tình yêu của người Iran dành cho các sản phẩm công nghệ mới nhất là vô cùng lớn. Dẫu vậy, việc mua bán đi cùng với nhiều lo lắng và những rủi ro lớn trong đầu tư.
Giống nhiều thương nhân khác, Tavassoli chuộng phương thức đặt hàng trực tiếp từ các nhà phân phối Hong Kong, Singapore và Malaysia hơn. Tuy nhiên, những quy định ngặt nghèo của lệnh cấm vận đối với hệ thống tài chính Iran kể từ đầu năm nay khiến cho việc nhập hàng trực tiếp gặp nhiều khó khăn đặc biệt là với số lượng giao dịch lớn.
Ông cũng có thể sử dụng Dubai hoặc Turkey như một biện pháp thay thế nhưng phải trả thêm các khoản thuế khác và chi phí vận chuyển. Hải quan Iran cũng thu phí, cụ thể là 4% đối với các sản phẩm xách tay và 60% đối với các sản phẩm lớn như iMacs, màn hình…
Tuy nhiên, giá cả tại đây lại khá cạnh tranh. Hiện, chiếc MacBook Pro tại Tehran có giá 1.250 USD so với 1.200 USD (trước thuế) tại New York và thậm chí còn rẻ hơn nhiều so với các nước châu Âu. Đương nhiên, sự giao động về tỷ giá đô la tại thị trường mở đồng nghĩa với việc giá cả sẽ thay đổi hàng ngày.
Các thương nhân tại Iran thường cố gắng để lấy được phiên bản mới nhất của Apple ngay trong tuần đầu ra mắt với giá phải chăng. Thậm chí những sản phẩm mới nhất còn được xuất hiện sớm hơn do những du khách cơ hội mua ở nước ngoài và về nước bán lại với giá cao hơn.
RadanMac thu hút khách hàng bằng việc đưa ra một hợp đồng dịch vụ “Chăm sóc Apple Iran” (bảo hành và hỗ trợ kỹ thuật) thời hạn 1 năm với tất cả các sản phẩm.
Tuy nhiên, việc thiếu nguồn cung linh kiện thay thế chính là khó khăn lớn nhất mà RadanMac phải đối mặt. Họ phải mượn tạm những linh kiện từ sản phẩm mới để thay thế cho sản phẩm của khách hàng trong trường hợp phải bảo hành hoặc sửa chữa…
Nhu cầu của người Iran đối với các cửa hàng trực tuyến của Apple cũng đang gia tăng trông thấy. Anh Sina, kỹ sư 30 tuổi đã lập tài khoản iTunes cho bạn gái của mình sau khi mua cho cô ấy một chiếc iPod.
Người sử dụng máy tính tại Iran cố tải nhạc trực tiếp từ iTunes nhưng toàn bị báo lỗi bởi dịch vụ này đã bị chặn kết nối với Iran. Tuy nhiên, Sina nói anh đã phá khóa chặn bằng cách sử dụng mạng cá nhân ảo và bảo mật để kết nối với website Apple. Sau đó anh tải iTunes thông qua một địa chỉ đăng ký Canada. Kỹ sư này cũng mua trực tuyến một thẻ quà tặng Canada để thuận lợi cho việc giao dịch.
Anh còn cho biết, nhiều thành niên Iran sử dụng thẻ quà tặng để mua Games, và ứng dụng chứ không phải chỉ âm nhạc. Tại nước này, việc sử dụng các sản phẩm âm nhạc hầu hết là sao chép, vi phạm bản quyền. Người dùng chỉ việc copy iTunes từ các nguồn khác.
Tavassoli nói, công ty của ông đang tập trung phát triển các công cụ hướng dẫn bằng ngôn ngữ Farsi cho khách hàng. Ông đã thực hiện những video hướng dẫn, thậm chí là tổ chức các hội thảo và tạo ra một ứng dụng cho người dùng iPhone sử dụng iTunes. “Nếu bạn cung cấp cho khách hàng của mình những thứ mà họ cần thì không có lý do gì bạn thất bại”, ông Tavassoli- doanh nhân từng sống và làm việc tại Mỹ 7 năm cho biết.
Theo Vef