Connect with us

Hàng không giá rẻ so kè gay gắt

Tình huống thương hiệu

Hàng không giá rẻ so kè gay gắt

Không hẹn mà gặp, các hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam tích cực triển khai kế hoạch kinh doanh lớn cho cả 2 mảng nội địa lẫn quốc tế.

Lấy nội địa làm bàn đạp…

Mới chỉ cất cánh bay thương mại từ ngày 25.12.2011, nhưng VietJetAir hiện đã có 4 đường bay hằng ngày kết nối Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Nha Trang với đội bay gồm 3 chiếc A320.

Jetstar Pacific sau khi được đặt dưới trướng của Vietnam Airlines cũng vừa mở lại đường bay Hà Nội – Đà Nẵng, Nha Trang (là 2 đường bay Jetstar Pacific đã kinh doanh không hiệu quả và buộc phải ngưng hoạt động) để giành thị phần nội địa.

Chưa hết, tuần qua, Jetstar Pacific đã tái khẳng định thông điệp với cam kết, nếu khách hàng nào tìm thấy giá vé bán trên internet của hãng khác thấp hơn giá vé thấp nhất đang mở bán tại trang web www.jetstar.com thì Hãng sẽ bán cho hành khách đó với giá thấp hơn 10% so với giá tìm thấy.

Cuộc so kè giữa 2 hãng giá rẻ này đang làm cho tình trạng cạnh tranh giành thị phần nội địa nóng dần lên, đồng thời gây sức ép ngày càng lớn lên các hãng giá rẻ nước ngoài.

Đại gia hàng không giá rẻ khu vực châu Á là AirAsia cũng rất muốn thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua chiến lược liên doanh với một đối tác trong nước.

“Với gần 90 triệu dân, Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của AirAsia tại Đông Nam Á. Chúng tôi sẽ mở 5 liên doanh nữa trong khu vực thời gian tới và Việt Nam có nhiều khả năng lọt vào danh sách này”, bà Jasmine Lee, Giám đốc Thương mại AirAsia Malaysia, cho biết.

…để bay quốc tế

Trong khi AirAsia chưa thể bước vào thị trường nội địa của Việt Nam, thì ngược lại, các hãng giá rẻ của Việt Nam cũng chưa bước ra được vũ đài quốc tế. AirAsia đang đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng nhằm giành thị phần tối đa có thể ở mảng này.

Bắt đầu khai thác thị trường Việt Nam từ năm 2007 với các chuyến bay nối Kuala Lumpur với Hà Nội, hiện AirAsia có 60 chuyến bay/tuần từ Kuala Lumpur, Bangkok, Jakarta đến Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng từ 10-15%/năm, AirAsia đang chuẩn bị cho kế hoạch tăng tần suất bay, cũng như khai thác các điểm đến mới là Huế và Nha Trang. “Công suất sử dụng ghế của AirAsia luôn đạt trên 80%, nghĩa là đã trên mức hòa vốn”, bà Jasmine cho biết.

Hiện các hãng giá rẻ nước ngoài đang khai thác từ 10-12 đường bay hằng ngày đến Việt Nam chủ yếu từ khu vực Đông Nam Á nên mức độ cạnh tranh khá khốc liệt. Do đó, nếu hãng nào nhanh chân khai thác đường bay từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật đến Việt Nam thì sẽ có lợi thế, bởi du khách từ các thị trường này tới Việt Nam ngày một nhiều.

Ông Đỗ Xuân Quang, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vector Aviations, cho biết: “Các hãng hàng không giá rẻ đều áp dụng chiến lược lấy ngắn nuôi dài, nghĩa là bay nội địa để kết nối quốc tế nhằm chấm dứt lỗ trong thời gian sớm nhất”.

Đây cũng chính là kế hoạch lâu dài mà VietJetAir nhắm đến trong quá trình đàm phán liên doanh với AirAsia trước đây. Mặc dù đang hoạt động độc lập, nhưng Hãng vẫn tập trung cho mục tiêu phát triển các điểm đến chính nội địa trong năm nay và có thể triển khai thị trường quốc tế ngay trong năm sau.

“Điểm đến đầu tiên của VietJetAir nhiều khả năng sẽ là Đông Bắc Á. Nếu công suất sử dụng ghế được duy trì trên 80% cho cả nội địa lẫn quốc tế, VietJetAir có thể hòa vốn sau vài năm”, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Điều hành VietJetAir, cho biết.

Đối với Jetstar Pacific, bay quốc tế cũng nằm trong mục tiêu kinh doanh lâu dài của Hãng, nhưng kế hoạch này không thể thực hiện trong tình trạng càng bay càng lỗ như trước đây.

Tuy nhiên, Vietnam Airlines chắc chắn sẽ quan tâm đến kế hoạch này để dùng Jetstar Pacific phát triển mảng kinh doanh giá rẻ nội địa lẫn quốc tế. Đó là cách Vietnam Airlines có thể áp dụng nhằm củng cố vị thế của mình trước thời điểm thực thi cam kết mở cửa bầu trời trong toàn khu vực từ năm 2015. 

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 + six =

To Top