Connect with us

10 doanh nghiệp nhượng quyền hàng đầu của Mỹ

Tin quốc tế

10 doanh nghiệp nhượng quyền hàng đầu của Mỹ

Entrepreneur, một tạp chí kinh doanh của Mỹ, vừa công bố bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp nhượng quyền hàng đầu của Mỹ hiện nay.

Để có mặt trong danh sách này, doanh nghiệp phải hội đủ các yếu tố: chất lượng dịch vụ vượt trội, tính linh hoạt cao và có cải tiến về chiến lược.

1. Hampton

Để có được vị trí số 1, tăng 3 bậc so với năm 2010, thương hiệu khách sạn hạng trung Hampton đã nỗ lực thu hút khách hàng bằng các chính sách như cung cấp dịch vụ, tiện ích cao cấp cho khách miễn phí thay vì là giá cắt cổ như những khách sạn hạng sang khác, cam kết hoàn tiền vì bất cứ lý do gì khiến khách hàng không hài lòng, hay là chào đón họ bằng những chiếc bánh waffle miễn phí. Mặc dù vậy, chìa khóa tạo nên thành công của Hampton chính là thái độ lắng nghe và tiếp thu ý kiến khách hàng một cách chân thành.

Trong năm nay, Hampton sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nhượng quyền (bắt đầu thực hiện từ năm 1984) ở Anh, Mexico, Ấn Độ, Romania, Trididad và Tobago.

 

2. Ampm

Ampm đã bán bánh hot dog và sôcôla Snickers cho người tiêu dùng Mỹ trong hơn 30 năm qua, nhưng có vẻ tên của chuỗi cửa hàng này vẫn còn xa lạ với nhiều người. Nguyên nhân là ampm, công ty con thuộc lĩnh vực kinh doanh cửa hàng tiện ích của công ty kinh doanh xăng Arco, chỉ hiện diện ở 5 bang miền Tây nước Mỹ. Năm 2000, tập đoàn dầu khí của Anh BP đã mua lại Arco và 6 năm sau, BP quyết định mở rộng hoạt động của ampm trên toàn nước Mỹ.

Ban đầu, ampm chỉ là cửa hàng tiện lợi cạnh trạm xăng nhưng nay là một trong những thương hiệu nhượng quyền nổi tiếng nhất tại Mỹ.

 

3. McDonald’s

Nhiều người bất ngờ khi biết rằng trong năm 2010, McDonald’s đã mở thêm 100 cửa hàng tại Bắc Mỹ, nâng tổng số cửa hàng của Tập đoàn tại khu vực này lên gần 14.000. Những tưởng gã khổng lồ trong lĩnh vực thức ăn nhanh này đã chạm đến ngưỡng bão hòa nhưng thực tế lại khác hẳn, McDonald’s vẫn là thương hiệu năng động bậc nhất trong việc mở rộng kinh doanh không chỉ ở Bắc Mỹ, thị trường chủ lực, mà còn tại các thị trường chiến lược là Ấn Độ và Trung Quốc. Theo kế hoạch, đến năm 2013, McDonald’s sẽ có thêm 600 cửa hàng tại 2 thị trường này. Nâng cao chất lượng phục vụ và trải nghiệm của khách hàng cũng là chính sách ưu tiên của McDonald’s.

 

4. 7-Eleven

Không chỉ chú trọng địa thế, 7-Eleven còn đầu tư rất kỹ cho các nghiên cứu nhân khẩu học và những tiêu chuẩn cơ bản khác để đảm bảo thành công cho hoạt động nhượng quyền. Do đó, chẳng bất ngờ khi vài năm trở lại đây, 7-Eleven luôn đi đầu trong các hoạt động nhượng quyền nhờ vào khả năng thích nghi của mình. Nếu bạn muốn biến cửa hàng tạp hóa nhỏ và truyền thống của mình thành cửa hàng tiện ích hiện đại, hay nếu đang sở hữu một trạm xăng nhưng không đủ tiền mở cửa hàng tiện ích cạnh bên, 7-Eleven sẵn sàng có mặt để giúp bạn. Hiện nay, Tập đoàn có 39.300 cửa hàng trên khắp thế giới, hơn 8.300 cửa hàng tại Bắc Mỹ, trong đó có 285 cửa hàng mới ra mắt hồi năm ngoái. Tính ra, cứ mỗi 6,5 giờ thì có 1 cửa hàng 7-Eleven ra đời.

 

5. Supercuts

Trước khủng hoảng kinh tế, chuỗi cửa hiệu chăm sóc tóc Supercuts, chỉ phát triển theo một kịch bản: nơi nào có trung tâm mua sắm, nơi đó có Supercuts. Nhưng sau khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, các dự án xây dựng bị treo lại, Supercuts buộc phải cân nhắc lại chiến lược của mình. Năm 2011, Công ty dự kiến mở thêm 100 cửa hàng và tăng gấp đôi con số đó vào năm sau.

6. Days Inn

Nhà hàng, khách sạn luôn là lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng lại phục hồi chậm nhất sau khi suy thoái đi qua. Những năm qua, để đối mặt với quy luật khắc nghiệt này, Days Inn đã thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng và nâng cao chất lượng dịch vụ để có thể liên tục mở khách sạn mới ở Trung Quốc, Anh, Costa Rica và Nga.

 

7. Vanguard Cleaning Systems

Sự hiện diện trong danh sách chính là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ và dịch vụ chăm sóc khách hàng của Vanguard Cleaning Systems. Công ty kinh doanh dịch vụ vệ sinh này rất cẩn trọng trong việc lựa chọn đối tác nhượng quyền và dành ưu tiên đặc biệt cho chương trình huấn luyện nhân viên. “Các doanh nghiệp lựa chọn chúng tôi bởi chất lượng dịch vụ, chất lượng đào tạo và chương trình chăm sóc khách hàng”, Mark Heisten, Phó Giám Đốc phụ trách phát triển kinh doanh của Công ty, cho biết.

 

8. Servpro

Servpro được biết đến như một công ty hàng đầu trong việc khắc phục hậu quả của các thảm họa thiên nhiên tại Mỹ. Trong thảm họa lũ lụt diễn ra tại thủ phủ Nashville của bang Tennessy hồi tháng 5.2010, Servpro đã huy động hơn 700 đội cứu hộ từ gần 1.600 cơ sở của mình để hỗ trợ khắc phục hậu quả.

 

9. Subway

Trong năm 2010, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Subway đã mở thêm hơn 2.000 cửa hàng mới, trong đó 800 cửa hàng nằm ngoài nước Mỹ. Năm nay, Hãng kỳ vọng số cửa hàng mới sẽ là 2.100. Subway tuyên bố hiện có hơn 2 triệu loại bánh sandwich trong chuỗi cửa hàng của mình.

10. Denny’s

Từng là một thương hiệu không mấy thành công, năm 2009, Denny’s thực hiện một cú đột phá bằng chương trình quảng cáo Super Bowl. Trong chương trình, khách hàng nào sẵn lòng chờ đợi thì sẽ được một bữa sáng miễn phí. Hơn 2 triệu lượt người tham gia chương trình đã đưa tiếng tăm của Denny’s bay xa.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 + nine =

To Top