Connect with us

Website đấu giá: Kinh doanh hay trò chơi?

Tình huống thương hiệu

Website đấu giá: Kinh doanh hay trò chơi?

Việt Nam có đến 100 website đấu giá trực tuyến, trong đó chỉ có khoảng 10 website đấu giá chuyên nghiệp,chia thành 2 loại là đấu giá thuận và đấu giá ngược.

Hàng ngàn người vẫn mua vé số dù chưa bao giờ trúng. Đó là vì họ mua hy vọng. Các website đấu giá cũng kiếm lời dựa vào tâm lý này của khách hàng.

Xuất hiện đã gần 7 năm song đến nay không có nhiều website đấu giá trực tuyến thành công. Thậm chí, nhiều website dạng này đã chết hẳn như heya.com.vn, bancanbiet.com, saigondaugia.com… Bên cạnh đó là rất nhiều website được duy trì nhưng không bán buôn gì.

Bất chấp những cái chết yểu đó, nhiều doanh nghiệp vẫn nuôi mộng xây dựng một “eBay Việt Nam”. Theo ông Đỗ Mạnh Tuyên, người chịu trách nhiệm phát triển website đấu giá trực tuyến vimua.com, hiện Việt Nam có đến 100 website đấu giá trực tuyến, trong đó chỉ có khoảng 10 website đấu giá chuyên nghiệp. Các website này được chia thành 2 loại là đấu giá thuận và đấu giá ngược, trong đó nhiều nhất là đấu giá thuận.

Đấu giá thuận loay hoay

Hình dung một cách đơn giản, đấu giá thuận là hình thức người mua hàng đưa ra mức giá mình muốn mua, kết thúc phiên nếu đó là giá cao nhất thì sẽ được mua món hàng. Trong quá trình đấu giá, khách hàng có thể theo dõi mức giá của những người khác để đưa ra mức giá hợp lý.

Mô hình đấu giá thuận lại chia ra làm 2 loại. Một loại đặt mục đích kinh doanh lên hàng đầu, là nơi để người bán và người mua gặp nhau và thu phí trên mỗi giao dịch giống như eBay. Loại hình thứ 2 thường không chú trọng kiếm lời từ phí giao dịch mà được xem như một kênh quảng bá thương hiệu.

Ví dụ như vimua.com, hiện tại Công ty Giải pháp Kinh doanh Trực tuyến FPT tự mua hàng về tổ chức đấu giá trên mạng. Giá bán thường thấp hơn giá thị trường 20-30% với mục tiêu quảng bá cho vimua.com, vốn không chỉ kinh doanh đấu giá.

Sự phát triển của eBay trên thế giới và sự kiện eBay chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam tưởng như đang chứng minh tính hấp dẫn của mô hình đấu giá thuận là rất lớn tại Việt Nam. Thế nhưng, đối tác của eBay tại Việt Nam là chodientu.vn lại không còn muốn duy trì hình thức đấu giá nữa. Bà Đào Thị Thục Vân, Trưởng phòng Marketing của Công ty Cổ phần Giải pháp Phần mềm Hòa Bình (chodientu.vn) cho biết eBay thường có những hình thức đấu giá độc như đấu giá cuộc đời, đấu giá trinh tiết, đồ cổ… nên rất thu hút khách hàng. Còn tại Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp muốn quảng bá sản phẩm nên tổ chức đấu giá và bán với giá thấp, tương tự như thực hiện một đợt khuyến mãi giảm giá. Bên cạnh đó, trang mạng tổ chức đấu giá không kiểm soát được chất lượng và giá trị thật của từng món hàng. Do đó, mô hình này càng ngày càng kém thu hút.

Đấu giá ngược mới chỉ là trò chơi?

Khác với đấu giá thuận, khi tham gia đấu giá ngược khách hàng không biết những người cùng chơi đang đặt mức giá bao nhiêu. Họ sẽ tự ra giá mà họ cho là thỏa mãn 2 yếu tố: thấp nhất và duy nhất. Kết thúc phiên, người nào có mức giá thấp nhất và duy nhất sẽ chiến thắng. Hình thức đấu giá ngược (giống mô hình priceline.com) mới phát triển tại Việt Nam khoảng 3 năm nay. Ra đời rất nhiều, nhưng đến nay chỉ còn một vài trang hoạt động như daugia.sohoa.net, kết hợp giữa báo Số Hóa và Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online). Còn lại đa phần là những trang web bán hàng qua mạng có tích hợp đấu giá như thegioididong.com, 123mua.com, nhatcuong.vn…

Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Kinh doanh Khối Nội dung và Quảng cáo của FPT Online cho biết, doanh thu của trang daugia.sohoa.net chủ yếu đến từ tin nhắn SMS và quảng cáo. Theo đó, cước phí mỗi tin nhắn đấu giá là 15.000 đồng thì doanh nghiệp sẽ chia với nhà mạng theo tỉ lệ 50-50.

Ông Phương nhấn mạnh, hình thức đấu giá ngược mà FPT Online đang xây dựng chỉ là một trò chơi, mang tính may rủi nhiều hơn là một hình thức kinh doanh. Số tiền đấu giá chỉ mang tính chất để xác định người thắng cuộc. Người chiến thắng không phải bỏ khoản tiền để mua sản phẩm mà chỉ mất tiền nhắn tin.

Niềm tin là quyết định

Năm 2010, Việt Nam có trên 23 triệu người sử dụng internet, chiếm 1/4 dân số, theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam. Cùng với nhu cầu sử dụng internet ngày càng tăng, tiềm năng phát triển của mô hình đấu giá trực tuyến là rất lớn. Vấn đề còn lại sẽ phụ thuộc vào tính hấp dẫn và độ tin cậy của dịch vụ mà nhà cung cấp đem đến cho khách hàng.

Ông Tuyên của vimua.com đánh giá, để tồn tại được, doanh nghiệp phải đầu tư dài hạn. Quan trọng nhất là phải làm cho khách hàng tin là họ sẽ mua được hàng giá rẻ thông qua chương trình đấu giá. Đã có những đơn vị thất bại vì đưa sản phẩm ra đấu giá nhưng không cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm, chế độ hậu mãi, bảo hành… dẫn đến việc khách hàng mất niềm tin. Ông cho rằng, thời gian tới sẽ có sự đào thải dần. Những website nào còn trụ lại và giữ được lòng tin của khách hàng sẽ trở thành kênh bán hàng rất tốt.

Cùng chung nhận định, ông Phương, Công ty FPT Online, cũng cho rằng niềm tin của khách hàng là yếu tố quan trọng nhất. Trang đấu giá cần công khai thông tin người chơi thắng cuộc để tất cả khách hàng có thể kiểm chứng. Hơn nữa, sản phẩm mang ra đấu giá phải được đảm bảo là hàng chính hãng, hàng mới 100%.

Đánh giá về tiềm năng của hình thức đấu giá trực tuyến, ông Phương lấy ví dụ như việc khách hàng mua vé số. Hằng ngày có hàng triệu tấm vé số được phát hành và vẫn bán được. Trong số những người mua có hàng ngàn người chưa bao giờ trúng, dù là giải khuyến khích, nhưng họ vẫn tiếp tục mua. Đấu giá ngược cũng vậy. Khách hàng chỉ bỏ ra mười mấy ngàn đồng nhưng có cơ hội sở hữu sản phẩm có giá hàng chục triệu đồng. Vậy nên, hy vọng vẫn còn. Tuy nhiên, chỉ những doanh nghiệp có đủ tiềm lực công nghệ và tài chính, có phương pháp đúng thì mới có khả năng trụ được và lôi kéo khách hàng đến với mình.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

9 + 10 =

To Top