Connect with us

Vang ngoại ồ ạt vào Việt Nam

Tin trong nước

Vang ngoại ồ ạt vào Việt Nam

Vang trở thành một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất tại thị trường rượu bia của Việt Nam. Thị trường vang Việt Nam có những thay đổi mạnh mẽ cùng sự xuất hiện ồ ạt của các nhãn vang trên thế giới.

13 triệu lít + 53,2 triệu USD

Vài năm gần đây, rượu vang đã trở thành thức uống phổ biến trong những dịp gặp gỡ bạn bè, trong tất cả các bữa tiệc. Chính vì sự phổ biến ấy mà rượu vang được bày bán khắp nơi, từ cửa hàng, siêu thị cho đến các nhà hàng, khách sạn, quán bar…

Theo Hiệp hội Rượu Bia và Nước giải khát Việt Nam, hiện cả nước có hơn 15 doanh nghiệp (DN) sản xuất và “đóng chai” rượu vang với sản lượng mỗi năm tăng khoảng 12 – 13 triệu lít. Các nhãn hiệu rượu vang trong nước đã quen thuộc với người tiêu dùng như vang Đà Lạt của Công ty Thực phẩm Lâm Đồng, vang Thăng Long, vang Đông Đô…

Ngoài một lượng lớn rượu vang sản xuất trong nước, thị trường còn chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ từ “vang ngoại”. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kể từ năm 2004 đến nay, rượu vang nhập khẩu đã tăng khoảng 25%/năm.

Riêng năm 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu rượu vang đạt 53,2 triệu USD, tăng 85% so với năm 2009. Trong đó, Pháp giữ vị trí hàng đầu trong các quốc gia cung cấp rượu vang tại thị trường Việt Nam với doanh số đạt khoảng 9,8 triệu USD. Kế đến là Chile với lượng nhập khẩu đạt 8,1 triệu USD.

Trong khi đó, dù chậm chân hơn nhưng lượng rượu vang nhập khẩu từ Ý cũng đã tăng 28% so với năm 2009. Mạnh nhất là Tây Ban Nha với kim ngạch rượu vang xuất khẩu vào Việt Nam đã tăng 155% trong năm 2010, từ 300.000USD lên 700.000USD. Ngoài nhập trực tiếp, một lượng rượu vang rất lớn từ các nước này đã vào Việt Nam thông qua Hồng Kông, Sigapore, Malaysia…

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đã thành công trong việc vượt qua khủng hoảng kinh tế năm 2010. Năm này cũng đánh dấu những chuyển biến tích cực của các ngành du lịch, ẩm thực và dịch vụ.

Doanh thu từ bộ phận khách sạn và nhà hàng, dịch vụ và du lịch trong năm 2010 tăng lần lượt là 21,8%, 23,8% và 28,5% so với năm trước. Sự tăng trưởng nhanh của mặt hàng rượu vang trong những năm vừa qua cũng một phần nhờ vào sự tăng trưởng của các ngành trên.

Ông Marco Saladini, Tham tán Thương mại Ý, cho biết: “Hiện nay, rượu vang không còn là món hàng xa xỉ đối với người dân Việt Nam do mức thu nhập đã được cải thiện. Tuy không là thực phẩm tiêu dùng hằng ngày nhưng rượu vang rất thích hợp và được lựa chọn trong những dịp đặc biệt. Hơn nữa, nhờ có nhiều loại, với nhiều mức giá khác nên cũng thích hợp với nhiều người tiêu dùng hơn”.

Cuộc đổ bộ của vang ngoại

Rượu vang Ý bắt đầu xuất hiện và được biết đến tại Việt Nam từ những năm 1990 thông qua các nhà hàng Ý tại Hà Nội và TP.HCM. Nhưng hiện nay, vang Ý với nhiều mức giá khác nhau đã có mặt ở tất cả các quầy rượu trong các siêu thị, các cửa hàng rượu vang, nhà hàng, khách sạn, quầy bar, các công ty nhập khẩu và phân phối rượu vang… trên cả nước.

Tại Việt Nam, dù thị trường rượu vang đang có sự cạnh tranh gay gắt, nhưng vang Ý đã khẳng định được vị trí và ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong nước nhờ vào sự đa dạng về chủng loại, chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp và giá cả phong phú.

Vang Pháp thì đã quá nổi tiếng đến độ ai cũng hiểu màu Bordeaux là màu gì. Và khi nhắc đến vang Pháp người ta nghĩ ngay đến thương hiệu Bordeaux.

Dù đang chiếm thị phần lớn nhất về lượng rượu vang xuất khẩu vào Việt Nam nhưng các DN Pháp vẫn tăng tốc, thâm nhập thị trường Việt Nam. Hiện Pháp đang liên kết với Ý và Tây Ban Nha để quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng này tại Việt Nam.

Cơ quan tham tán thương mại của ba nước này đang xúc tiến, tổ chức hội chợ truyền thống chất lượng rượu vang vào ngày 5/7 tại TP.HCM và ngày 7/7 tại Hà Nội. Tại đây, 19 DN sản xuất và kinh doanh rượu vang của 3 nước này sẽ gặp gỡ các đối tác Việt Nam để tìm hiểu, mở rộng thị trường.

Ông Alber Cerdán Borja, Tham tán kinh tế thương mại, Đại sứ quán Tây Ban Nha, cho biết, 6 DN Tây Ban Nha tham gia hội chợ lần này là những nhà sản xuất rượu vang nổi tiếng. Ngoài “hội chợ chung” này, vài năm trở lại đây, cơ quan thương mại Ý, Pháp, Tây Ban Nha còn tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại riêng lẻ nhằm tăng thị phần tại Việt Nam.

Cũng xem thị trường hơn 87 triệu dân nhiều tiềm năng nên trước đó, vào giữa năm 2010, Phòng Thương mại Chile cũng đã tổ chức hội chợ giới thiệu rượu vang với sự tham gia của 34 nhà sản xuất đến từ nước này.

Hiệu quả từ những lần xúc tiến thương mại như thế này tăng lên thấy rõ. Ngay sau khi hội chợ kết thúc, nhiều đơn hàng nhập khẩu đã được xác lập. Và cũng nhờ đó mà doanh số xuất khẩu rượu vang từ Chile vào Việt Nam đã tăng lên 54,9% trong năm 2010, đạt 8,1 triệu USD.

Không dừng lại ở những hội chợ như thế này, các DN sản xuất rượu vang châu Âu khẳng định, sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seventeen + five =

To Top