Connect with us

Ứng dụng gọi taxi qua định vị GPS: Khó cân bằng lợi ích

Tin trong nước

Ứng dụng gọi taxi qua định vị GPS: Khó cân bằng lợi ích

Sau nhiều tháng triển khai tại Việt Nam, các ứng dụng gọi taxi qua điện thoại thông minh như GrabTaxi, EasyTaxi hay PingTaxi... đang nhanh chóng thu hút người dùng và các lái xe taxi tham gia vào hệ thống.

Qua tìm hiểu, những ứng dụng này mang lại nhiều lợi ích như không cần gọi tới tổng đài, biết được vị trí xe taxi trên bản đồ, có thông tin đầy đủ về tài xế, lộ trình cũng như giá cước… Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng, “chiêu trò” trên của các doanh nghiệp phần mềm là vi phạm luật và gây ảnh hưởng không tốt tới hoạt động kinh doanh của một số hãng taxi.

Rõ ràng, sẽ khó có thể cân bằng lợi ích từ các bên tham gia, hoạt động cùng có lợi mà thương hiệu cũng như uy tín của các hãng taxi không bị mất đi.

Mới ra mắt chưa lâu, song các ứng dụng gọi taxi trên thiết bị di động đang giúp người tiêu dùng có cơ hội tham gia sử dụng dịch vụ taxi với giá rẻ, tiện lợi, an toàn, đồng thời giúp các tài xế taxi có thêm thu nhập.

Theo anh Nguyễn Thiệu, quản lý nội dung diễn đàn công nghệ và phần mềm GSM, hiện nay, GrabTaxi và EasyTaxi thực hiện chức năng là dịch vụ điều phối, giúp đặt trước chỗ taxi, đồng thời hỗ trợ tài xế tiếp cận khách hàng một cách chắc chắn và tiết kiệm hơn.

Các ứng dụng này hoạt động dựa trên kết nối Internet, xác định vị trí từ hệ thống định vị toàn cầu GPS tích hợp trong thiết bị di động. Nhờ đó, ứng dụng sẽ cho người sử dụng biết đang ở đâu, bản đồ thành phố, thông báo các xe taxi đang ở gần vị trí, xe chưa có khách. Đồng thời, ứng dụng cũng giúp cả hành khách và tài xế xe biết được tên, số điện thoại, vị trí, và quãng đường đi để gửi tin nhắn hay gọi điện trực tiếp.

Qua tìm hiểu, để thu hút người sử dụng và các tài xế taxi tham gia, hiện EasyTaxi liên tục triển khai các chương trình khuyến mãi cho những đăng kí mới 50.000 đồng/chuyến, hay những chuyến đi ngắn từ 15.000 đến 30.000 đồng/chuyến…

Đơn vị GrabTaxi triển khai khuyến mãi tặng Iphone 6 cho hành khách gọi taxi, đồng thời cũng triển khai khuyến mãi từ 20.000-70.000 đồng/chuyến cho hành khách; hỗ trợ lái xe mua trả góp thiết bị di động và cài đặt ứng dụng.

Về phía người tiêu dùng, anh Tạ Hoàng Long, nhân viên làm việc tại sân bay Nội Bài-Hà Nội, thường xuyên sử dụng dịch vụ GrabTaxi và Easy Taxi để đặt xe cho biết, chỉ cần cài đặt phần mềm và bằng các thao tác đơn giản thông qua phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động, hành khách có nhu cầu sử dụng taxi sẽ được người lái xe liên hệ và đến đón, mà không phải gọi điện thông qua tổng đài và chờ đợi điều phối xe.

Bên cạnh đó, hành khách có thể biết được quãng đường đi cũng như chi phí phải trả cho lộ trình đó. Điều này rất hữu ích cho người đi du lịch khi không thuộc đường phố, sẽ không lo gặp taxi dù, bị “chặt chém”.

Người sử dụng dịch vụ, thông qua việc biết rõ thông tin, hình ảnh của xe và lái xe sẽ dễ dàng tìm được đồ dùng để quên.

Ở góc nhìn của lái xe, anh Nguyễn Mạnh Quân, lái xe hãng Phù Đổng cho hay, nhờ sử dụng phần mềm gọi taxi qua định vị, lượng khách một ngày đã tăng lên đáng kể. Nếu như ngày bình thường, chỉ chạy được khoảng 15 chuyến, thì nay có thể tăng lên 25-30 chuyến/ngày. Ứng dụng này giúp lái xe chủ động xác nhận hành khách đã bắt xe hay chưa, đồng thời nhờ vào quãng đường đi hành khách đăng kí, có thể tính ra giá cước, tính toán đường đi…

Hành khách còn có thể đánh giá về sự phục vụ của tài xế để hệ thống tổng hợp. Những tài xế có nhận xét kém sẽ bị loại ra khỏi chương trình để bảo vệ người tiêu dùng.

Cả EasyTaxi và GrabTaxi hiện đang chi ra khoản tiền không nhỏ để liên tục thực hiện các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ giá cho người gọi taxi. Theo đại diện EasyTaxi, đơn vị này đã chi hàng triệu USD cho các chương trình khuyến mãi, và sẽ huy động thêm tài chính để mở rộng thị trường, thu hút người sử dụng. Và rõ ràng, khi đã thu hút đủ số lượng người sử dụng thực tế, chắc chắn những đơn vị này sẽ ngừng các hoạt động khuyến mãi để thực hiện thu phí sử dụng ứng dụng để tìm kiếm lợi nhuận.

Về vấn đề này, phụ trách bán hàng của GrabTaxi tại Việt Nam Lê Anh Tài cho biết, GrabTaxi không phải là một hãng taxi, mà sẽ chỉ thực hiện là cầu nối giữa người lái xe và hành khách, để tạo môi trường tham gia đi taxi thân thiện, an toàn và tăng thu nhập cho lái xe.

GrabTaxi sau thời gian triển khai khuyến mãi, sẽ thực hiện thu phí từ các tài xế với mức thu nhỏ, vài phần trăm cho từng chuyến đi.

Theo anh Nguyễn Mạnh Quân, lái xe taxi Phù Đổng, việc sử dụng phần mềm gọi taxi qua định vị GPS sẽ góp phần làm tăng thương hiệu và doanh thu hơn cho các hãng taxi; giúp lái xe tăng được số chuyến đi, đảm bảo an toàn khi biết rõ thông tin về hành khách.

Về quản lý điều hành xe, anh Quân cho rằng, phần mềm giúp lái xe nhận diện và xác nhận hành khách, sau đó báo về tổng đài mà không can thiệp vào hệ thống quản lý cũng như tính cước của công ty.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù có nhiều tiện ích như vậy, song loại hình này đang vi phạm pháp luật và nhiều doanh nghiệp taxi đã yêu cầu lái xe không sử dụng ứng dụng để đón khách do nguy cơ xảy ra tai nạn; việc quản lý điều hành của đơn vị sẽ bị gián đoạn và lo ngại về việc cạnh tranh thị phần.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội – quản lý hoạt động taxi cho rằng, lợi ích từ các ứng dụng này là khá rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các doanh nghiệp phần mềm như GrabTaxi, EasyTaxi đang vi phạm luật pháp Việt Nam.

Dẫn giải vấn đề này, vị đại diện Hiệp hội cho rằng, chiếu theo các quy định trong Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải có hiệu lực từ 1/12/2014 thì GrabTaxi hay EasyTaxi… không nằm trong quy định được pháp luật bảo hộ; các doanh nghiệp này sẽ khiến nhà nước thất thu thuế, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của các hãng taxi.

Hiện nhiều doanh nghiệp đã kêu cứu lên Hiệp hội vận tải về hoạt động của các hình thức đặt xe qua định vị GPS này, đơn cử như Hương Lúa…

Ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch doanh nghiệp taxi Hương Lúa cho hay, hầu hết các doanh nghiệp làm ăn chân chính, lâu năm đã đầu tư khoản kinh phí lớn, gây dựng uy tín, hạ tầng, bến bãi, xe cộ và giấy kinh doanh. Nhưng các doanh nghiệp phần mềm như GrabTaxi hay EasyTaxi… nhảy vào kiếm lời, nghiễm nhiên điều hành trực tiếp phương tiện và người lao động của doanh nghiệp và hưởng lợi từ việc sử dụng bộ máy, thương hiệu của hãng taxi mà không cần phải hợp đồng hoặc bất cứ chi phí nào. Điều này về lâu dài sẽ khiến các doanh nghiệp taxi mất dần thương hiệu sau nhiều năm gây dựng.

Theo ông Đinh Văn Sáu, taxi Hương Lúa cấm lái xe của hãng sử dụng ứng dụng này vì lý do không quản lý được địa chỉ đón khách từ lái xe. Đây cũng là vấn đề sẽ gây khó khăn cho công tác hậu mãi và quản lý, đảm bảo quyền lợi khách hàng của doanh nghiệp khi xảy ra sự cố. Do đó, cần sự vào cuộc từ các cơ quan chủ quản để quản lý hoạt động vận tải thông qua hình thức này, tránh sự “nhập nhèm”, gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Theo Vietnam+

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

13 + nineteen =

To Top