Connect with us

Uber ra đi, mô hình ở lại

Tin trong nước

Uber ra đi, mô hình ở lại

Dù Uber thành công hay thất bại, Đông Nam Á với hơn 650 triệu dân là một thị trường lớn cho các nguồn vốn nhắm vào những mô hình gọi xe công nghệ.

Ông chủ thực sự của các mô hình gọi xe công nghệ là các nhà đầu tư tài chính khổng lồ không ngừng đổ vốn vào để các công ty khai phá thị trường. Đông Nam Á với hơn 650 triệu dân là một thị trường lớn cho các nguồn vốn nhắm vào những mô hình này, cho dù Uber thành công hay thất bại.

Sau thông cáo Grab chính thức phát đi sáng 26/3 về việc mua lại toàn bộ Uber Đông Nam Á, chiều cùng ngày Uber cũng chính thức thông tin đến khách hàng: “Uber sẽ hợp nhất các hoạt động với Grab. Chúng tôi sẽ chuyển đổi các dịch vụ sang nền tảng Grab vào ngày 4/8/2018, các yêu cầu đặt xe sau ngày này cần được đặt từ ứng dụng Grab. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng Uber tại hơn 80 quốc gia trên toàn cầu”.

Grab ra đời năm 2012, vào Việt Nam năm 2014. Uber ra đời năm 2009 và vào Việt Nam cùng thời điểm 2014. Hiện Grab có mặt ở 195 thành phố của 8 quốc gia Đông Nam Á, với khoảng 2,5 triệu chuyến đi hằng ngày. Một tốc độ phát triển khá nhanh nhưng vẫn “tí hon” trước Uber: cuối năm 2017, ứng dụng này có mặt tại 616 thành phố của 77 quốc gia, thực hiện được hơn 5 tỷ chuyến đi, và mỗi ngày phục vụ hơn 10 triệu chuyến.

180418 Uber Grab 2

Uber rời Đông Nam Á, nhưng mô hình của họ “ở lại” với 27,5% cổ phần nắm giữ tại Grab sau sáp nhập. Thương vụ này không mới mẻ với Uber, năm 2016 họ từng áp dụng chiến lược này khi bán lại mảng kinh doanh tại Trung Quốc và nắm giữ 17,5% cổ phần trong công ty đối thủ nội địa là Didi Chuxing. Uber cũng thực hiện bước đi tương tự tại Nga khi sáp nhập với Yandex và nắm 37% cổ phần trong công ty này.

Sức ảnh hưởng lớn nhất của những công ty như Uber chính ở vai trò tác động thay đổi những mô hình kinh doanh ở những thị trường Uber có mặt, đồng thời thúc đẩy các công ty nội địa tham gia cạnh tranh. Chính vì đó mà nguồn tài chính đã không ngừng rót vào mô hình kinh doanh như Uber để thống lĩnh các thị trường tiềm năng. Trên nền tảng đó, các công ty xây dựng một hệ sinh thái rộng lớn hơn có giá trị gia tăng cao hơn nhiều lần chứ không đơn thuần chỉ là các dịch vụ cho người gọi xe.

Sau thương vụ này, Softbank của Nhật tiếp tục khẳng định vai trò ông chủ thật sự của các mô hình đi xe chung hàng đầu hiện nay gồm Uber, Didi, Grab và Ola. Nguồn vốn Softbank liên tục rót vào phân chia lại toàn bộ thị trường này, đặc biệt tại châu Á.

Cuối năm 2017, SoftBank công bố giành quyền nắm 15% cổ phần Uber, trị giá hiện hơn 9 tỷ USD. Cũng năm 2017, Softbank và nhóm nhà đầu tư rót vào Grab hơn 2,5 tỷ USD. Softbank cũng là nhà đầu tư lớn vào Didi Chuxing với 5 tỷ USD để nắm 20% cổ phần công ty này. Bước tiếp theo, Softbank và Didi cùng đổ 2 tỷ USD vào Grab với tham vọng đưa Grab thống lĩnh thị trường Đông Nam Á.

Báo cáo do Google thu thập, dự báo nền kinh tế internet Đông Nam Á sẽ đạt quy mô 200 tỷ USD mỗi năm từ năm 2025, so với mức 50 tỷ USD của năm 2017. Ước tính tổng số tiền chi trả cho các ứng dụng xe taxi đã tăng gấp đôi trong vòng 2 năm và vượt 5 tỷ USD từ năm 2017; toàn ngành công nghiệp gọi xe dự báo sẽ đạt 20,1 tỷ USD vào năm 2025 với 6 triệu lượt xe được đặt thông qua các ứng dụng hằng ngày.

Grab mua Uber đồng nghĩa với hàng hàng loạt dịch vụ sẽ được thúc đẩy trên toàn thị trường 650 triệu dân Đông Nam Á. Chẳng hạn dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood sẽ nhanh chóng mở rộng đến tất cả các quốc gia Đông Nam Á trong quý tới so với hiện nay mới có mặt tại 2 thị trường.

Đặc biệt nhất là thực hiện tham vọng mở rộng các dịch vụ tài chính công nghệ thông qua nền tảng GrabFinancial. Ứng dụng Grab được tải trên hàng trăm triệu thiết bị di động cũng đồng nghĩa kết nối thành một quy mô một thị trường rộng lớn, qua đó khách hàng tiếp cận mạng lưới thanh toán vi mô theo hướng “cá nhân hóa tiêu dùng tài chính”, cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, bảo hiểm, mua sắm, cho vay tiêu dùng…

Grab đã đi trước một bước khi những năm qua liên tục mua lại các nền tảng thanh toán di động. Chẳng hạn thâu tóm công ty thanh toán di động iKaaz của Ấn Độ để sở hữu nhiều tính năng công nghệ (NFC, mã QR, giọng nói…) nhằm phổ biến nền tảng này trong toàn khu vực; trước đó Grab cũng thâu tóm công ty thanh toán điện tử Kudo của thị trường Indonesia.

Tại Việt Nam, Uber rút khỏi thị trường để lại nỗi lo công ty hợp nhất Grab không còn đối thủ cạnh tranh có thể ảnh hưởng đến dịch vụ và giá cung cấp cho người dùng. Chưa kể, những phản ứng của các công ty taxi truyền thống về thuế và chính sách khiến việc cạnh tranh không công bằng vẫn còn là đề tài thời sự.

Việc hợp nhất Uber – Grab sẽ là thách thức mới với các nhà quản lý và ra chính sách, khi họ luôn chậm chân với những mô hình kinh doanh mới và các biến động khó lường của thị trường.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

16 + 5 =

To Top