Tin trong nước
Tụt hạng vẫn vui
Dù có bị tụt hạng so với trước nhưng Việt Nam vẫn là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Kênh bán lẻ hiện đại tiếp tục tăng trưởng mạnh cùng với việc thị trường nông thôn đang ngày càng phát triển.Ưu thế của thị trường trẻ
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường TNS, năm 2010, Việt Nam xếp hạng thứ 12 về mức độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ. Đây là năm thứ ba liên tiếp thị trường bán lẻ của Việt Nam bị tụt hạng.
Nếu như năm 2008, Việt Nam đứng ở vị trí số 1 thế giới thì năm 2009 bị tụt xuống vị trí thứ sáu và hiện tại đang ở vị trí thứ 12 về mức độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ.
Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường bán lẻ Việt Nam không còn hấp dẫn như trước, trong đó, nguyên nhân chính là từ ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao đã làm giảm mức độ đầu tư của các doanh nghiệp so với trước.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cũng giảm xuống, mức độ tăng trưởng về khối lượng và giá trị của hàng tiêu dùng cũng giảm xuống thấp.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là Quy chế ENT (điều kiện khi mở điểm bán lẻ thứ hai) tiếp tục được áp dụng để bảo vệ khu vực kinh tế gia đình và các cửa hàng tạp hóa của thị trường nội địa vẫn là rào cản đối với các nhà bán lẻ nước ngoài.
Bất chấp tình hình như vậy, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Bà Nguyễn Nữ Tuyết Hồng, Phó giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường TNS, đưa ra con số khá thuyết phục về nhận định này: Tỷ lệ tăng trưởng thị trường tiêu dùng của Việt Nam trong quý IV/2010 đạt 21%, cao hơn so với các nước trong khu vực châu Á như Thái Lan (4,5%), Philippines (4,6%), Malaysia (1,9%)…
Mặc dù kênh phân phối truyền thống chiếm lĩnh thị trường bán lẻ nhưng kênh hiện đại vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong hai năm (2008 – 2009), kênh bán lẻ hiện đại chiếm đến 15% thị phần, năm 2010 tăng 17% và đến đầu quý II/2011 lên 21%. Không chỉ tăng thị phần, kênh bán lẻ hiện đại còn tăng điểm bán.
Hiện tại, Big C đã có đến 14 siêu thị, Metro tăng lên 13 điểm bán, Co.opMart nâng lên 50 siêu thị, trở thành hệ thống có nhiều điểm bán nhất trong cả nước.
Nếu như năm 1994, siêu thị đầu tiên ra đời nhằm phục vụ người nước ngoài tại Việt Nam thì đến nay người tiêu dùng trong nước đã mua sắm tại siêu thị mỗi ngày và ngày càng có khuynh hướng lựa chọn kênh bán lẻ hiện đại này.
Nông thôn thẳng tiến
“Do là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nên các nhà đầu tư nước ngoài đang chú ý đến Việt Nam. Nếu chúng ta chưa có sự chuẩn bị đầy đủ mà cho các tập đoàn bán lẻ nước ngoài vào hoạt động thì sẽ làm tê liệt hệ thống phân phối truyền thống (chợ lẻ, quầy tạp hóa…)”, bà Hồng cảnh báo.
Bởi vì, hiện nay, ngoài một số ít doanh nghiệp thành công thì hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn kinh doanh theo kiểu cũ, cảm tính, thiếu tầm nhìn, định hướng. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh nổi sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm.
Nhận định về thị trường bán lẻ Việt Nam, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, những năm qua, các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài chưa đổ bộ rầm rộ vào Việt Nam vì nhiều quan ngại.
Họ cho rằng thị trường Việt Nam vẫn ở dạng tiềm năng với đa số dân vẫn ở mức nhóm thu nhập thấp và quy mô thị trường không phải quá lớn, mặc dù có tăng trưởng ngoạn mục.
Bên cạnh đó, mức độ tập trung trong ngành bán lẻ của Việt Nam còn chưa cao, cơ sở hạ tầng để phát triển ngành bán lẻ còn yếu kém…
“Tuy nhiên, họ chưa vào không có nghĩa là không vào. Vì vậy, các DN cần xây dựng chiến lược, đầu tư đáp ứng nhanh đòi hỏi của thị trường bán lẻ năng động và nhiều biến đổi.
Cùng với việc đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống, các doanh nghiệp trong nước cũng cần nhận thức rõ tác động của công nghệ thông tin, thương mại điện tử…”, bà Loan khuyên.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp nên mở rộng phạm vi hoạt động, không nên co cụm ở những đô thị lớn. Thống kê của Hiệp Hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho thấy, cả nước có hơn 400 siêu thị, trung tâm thương mại thì hầu hết tập trung tại các thành phố, thị xã. Sở dĩ có điều này vì lâu nay chúng ta quan niệm thị trường nông thôn chỉ dành cho các sản phẩm rẻ tiền, sức mua yếu.
Theo các nhà kinh doanh bán lẻ, tư duy này cần phải xóa bỏ. Bởi vì, theo một nghiên cứu mới đây của TNS, có tới 95% gia đình nông thôn được hỏi cho biết sẵn sàng mua tivi, 92% có thể mua bếp điện hoặc bếp gas, 33% có thể mua máy cassette/radio, 30% muốn mua tủ lạnh, máy giặt và 9% muốn mua máy vi tính…
Thống kê của Công ty Vinamilk cũng cho thấy điều đó: hiện nông thôn chiếm 69% dân số cả nước, tiêu thụ 46% giá trị ngành hàng tiêu dùng nhanh và 40% giá trị ngành hàng sữa nước. Bà Nguyễn Hữu Ngọc Trân, Giám đốc Điều hành Công ty Vinamilk, cho rằng, đã đến lúc đầu tư mạnh cho thị trường này.
Vì hiện nay, các DN tuy đã có hệ thống phân phối tại nông thôn nhưng chưa kiểm soát chặt và chưa có độ phủ tốt nhất, dẫn đến thị trường này vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Theo DNSG