Tình huống thương hiệu
Truyền hình trả tiền: Ai đủ sức chia lại thị trường?
Trước khi AVG tham gia, đã có: VCTV, HCTV phía Bắc và SCTV, HTVC ở phía Nam. AVG tạo “khớp nối” cho thị trường toàn quốc. Nhưng tham vọng của AVG chưa thành hiện thực thì đã gặp phải cơn bão mới mang tên: Viettel.Bất ngờ nhưng… hợp lý
Viettel tuyên bố tham gia thị trường THTT chưa đầy một tháng. Chính xác hơn, trong một thông cáo phát đi cuối tháng 2/2012, Viettel chính thức thông báo: “Thiếu tướng Dương Văn Tính, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, năm 2012, tập đoàn tiếp tục thực hiện chiến lược 4 trụ (bất động sản; viễn thông; đầu tư nước ngoài và sản xuất thiết bị) và bắt đầu thực hiện thêm nhiệm vụ chiến lược mới: kinh doanh truyền hình cáp (THC) và đưa viễn thông công nghệ thông tin vào mọi ngõ ngách của cuộc sống…”.
Bộ phận truyền thông của Viettel cho biết cụ thể hơn, dịch vụ THC của Viettel sẽ được chính thức khai trương vào giữa năm 2012 trên diện rộng chứ không chỉ loanh quanh ở các thành phố lớn.
Việc Viettel tuyên bố tham gia thị trường THTT có thể nói là gây bất ngờ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc của Viettel, lý giải động thái này của Viettel như sau: Thị trường thông tin di động sắp đi vào bão hòa, vì thế việc bước sang thị trường THTT giúp Viettel mở rộng thị trường và tăng doanh thu.
Và cũng theo ông, với 4,5 triệu thuê bao THTT hiện có, thì mật độ thuê bao THTT còn thấp so với các nước, do đó Viettel còn nhiều cơ hội kinh doanh trên thị trường này.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao Viettel không lấn sân sang các thị trường dịch vụ khác mà lại là THC? Thứ nhất là Viettel đã sẵn có mạng lưới truyền dẫn rộng khắp cả nước, có đường cáp đi đến cấp huyện và thậm chí cấp xã.
Với hạ tầng như vậy, khi đầu tư vào dịch vụ THC Viettel không những có lợi thế hơn bất cứ tên tuổi nào trong làng THC hiện tại, mà còn có thể làm ra dịch vụ với giá thành thấp hơn.
Thứ hai, thách thức lớn nhất được cho là nội dung, thì Viettel đã đầu tư trung tâm nội dung và đang có kế hoạch tung ra các dịch vụ nội dung truyền hình đa dạng. Theo đó, THC đi cùng với viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng trên cùng một thuê bao THTT.
Ẩn số Viettel?
Trước khi AVG chính thức khai trương, nhiều thông tin có tính chất PR trên báo chí và mạng internet cho rằng đây là tên tuổi đáng gờm. Tuy nhiên, sau khi AVG ra mắt, người ta cảm nhận rằng AVG với vốn điều lệ lên đến 1.800 tỷ đồng không “ghê gớm” đến mức như vậy.
AVG cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số đa kênh, với mức giá thuê bao từ 60.000 – 150.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, trong hai năm đầu khai trương hoặc 2 triệu thuê bao đầu tiên, AVG áp dụng 3 gói cước giá rẻ lần lượt là 33.000 đồng, 66.000 đồng và 88.000 đồng. Với hai gói “Như ý” và “Cao cấp” AVG tặng thiết bị thu sóng miễn phí.
Thế nhưng trong khi cái tên AVG sau khai trương chìm nghỉm về mặt kinh doanh dịch vụ THTT thì lại ồn ào trong cuộc chiến bản quyền truyền hình với VPF – “đứa con” bất tuân lệnh “mẹ” là VFF.
Bị vướng vào cuộc chiến này, cái tên AVG cũng đồng thời mất dần thiện cảm trong mắt người tiêu dùng vì họ bị cho rằng cùng với một số người trong banh lãnh đạo VFF đã lấy đi nhiều quyền lợi khiến cho bóng đá Việt Nam và người hâm mộ bị thiệt thòi.
Trong khi đó, với các chiến dịch bền bỉ giảm giá, khuyến mãi và PR thì K+ đã thu được những kết quả khả quan, dù trên thị trường hiện nay, họ vẫn đang là nhà đài có các gói cước giá cao nhất. K+ có lợi thế về chất lượng hình ảnh, âm thanh, đặc biệt là sở hữu bản quyền 7 giải bóng đá quốc tế hấp dẫn.
Đến cuối năm 2011, K+ đã đạt khoảng 300.000 thuê bao mà phần lớn thuộc gói Access+ có giá cước 50.000 đồng/tháng và Premium+ giá cước 190.000 đồng/tháng.
VCTV, SCTV là những tên tuổi lớn hiện chiếm thị phần lớn nhất ở phía Bắc và phía Nam. Tuy nhiên nếu đặt câu hỏi họ có lợi thế gì đặc biệt thì rất khó tìm ra câu trả lời nào ngoài việc họ tham gia thị trường lâu. Về nội dung, cả hai nhà đài này không có nhiều chương trình đặc sắc.
Theo một thông tin được tiết lộ, Viettel khi quyết định bước sang lĩnh vực THTT đã sang khảo sát SCTV trong ý đồ mua lại để tiện mở rộng lĩnh vực kinh doanh nhưng sau đó đã chọn phương án tự phát triển vì thấy SCTV không đáp ứng được đòi hỏi của họ.
Ở các nước phát triển, thị trường THTT được xem là bão hòa khi thuê bao chiếm tới 60 – 70% hộ gia đình. Với khoảng 20 triệu hộ gia đình hiện nay, khoảng trống thị trường còn khá lớn cho các nhà đài giành giật thị phần. Đó là lí do thứ hai lí giải Viettel chọn THC để mở rộng lĩnh vực kinh doanh.
Theo Viettel, họ sẽ tung ra các gói cước giá rẻ để nhằm đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình ở khu vực nông thôn theo phương châm đưa THC về khắp mọi miền đất nước. Mức giá đó có thể còn rẻ hơn gói cước giá “mềm” nhất của AVG hiện nay, nghĩa là chỉ khoảng 30.000 đồng/ tháng với trên 50 kênh nội dung.
Nói về cạnh tranh giá, xưa nay ít ai đọ nổi với Viettel. Nhớ lại thời điểm mạng di động Viettel khai trương năm 2004 thì rõ, chỉ cầu sau đó hai năm họ đã khiến cho MobiFone và VinaPhone “hụt hơi” vì phải liên tục chạy theo các đợt khuyến mãi và giảm cước.
Khả năng Viettel sẽ dùng chiến lược cạnh tranh giá để thu hút mạnh thuê bao trong giai đoạn đầu song song với việc củng cố sản xuất nội dung. Và đây, mới là tên tuổi lớn thực sự trong làng THTT trong một, hai năm tới.
Theo DNSG