Connect with us

Trên Thái, dưới Ấn gạo mình về đâu

Tình huống thương hiệu

Trên Thái, dưới Ấn gạo mình về đâu

Bán gạo giá cao thì không lại với Thái Lan, đua giá thấp thì vấp phải Ấn Độ, gạo Việt Nam đang gặp khó khăn thực sự.

Nhận thấy tình hình thị trường gạo đang có những thay đổi, Công ty Cổ phần Vinh Phát (TP.HCM) đã tăng cường đầu tư máy móc thiết bị nhằm tập trung xuất khẩu gạo đồ, gạo thơm chất lượng tốt với mức giá cao. Tuy nhiên, giải pháp đó chưa chắc đã giúp doanh nghiệp nói riêng cũng như ngành gạo nói chung vượt qua thách thức trong một cục diện thị trường mới.

Không đua được với Ấn Độ về giá

Ấn Độ quyết tâm đạt kỷ lục xuất khẩu gạo với sản lượng 102 triệu tấn trong năm nay và bán với mức giá thấp. Trong khi đó, trang tin Bloomberg (Mỹ) cho hay, Myanmar đang ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Nước này đã lập kế hoạch tăng gấp đôi lượng gạo xuất khẩu lên 1,5 triệu tấn trong năm 2012, lên 2 triệu tấn vào năm 2013 và 3 triệu tấn vào năm 2015. Tương tự Myanmar, Campuchia cũng được đánh giá là nhà xuất khẩu gạo đầy tiềm năng, với lợi thế đất đai màu mỡ.

Mục tiêu đang được Ấn Độ và Myanmar chú ý tới nhiều nhất là thị trường châu Á và châu Phi. Đây cũng là thị trường chính của Thái Lan và Việt Nam. Và thế là cuộc cạnh tranh đang trở nên gay gắt hơn. Ở các thị trường này, đặc biệt là châu Phi, ai có lợi thế về giá thì người đó sẽ chiếm được ưu thế.

Theo Giáo sư Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, gạo của Ấn Độ khô, chất lượng kém, thua xa gạo Việt Nam. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn chiếm được ưu thế vì giá thấp. Tính đến nay, nước này đang có sản lượng xuất khẩu cao nhất thế giới.

Dự báo thị trường gạo xuất khẩu 2012

Chủng loại gạo xuất khẩu 2011

Theo ông Bửu, gạo cấp thấp giá rẻ chỉ chiếm ưu thế trong một thời gian ngắn. Loại gạo cấp thấp này thường được các nước châu Âu mua để viện trợ cho các nước nghèo.

Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu sản xuất gạo trắng, hạt dài, loại gạo đang chiếm 60% lượng tiêu thụ trên thế giới. Ưu điểm của loại gạo này là sản lượng ổn định, chất lượng tương đối và phục vụ nhiều đối tượng khách hàng. Gạo trắng, hạt dài hiện có nhiều loại giá, có loại giá bán khoảng 300-400 USD/tấn, có loại giá tới 500-600 USD/tấn. Với cung giá rộng như vậy, Việt Nam có thể dàn trải sản phẩm xuất khẩu và thu hút được nhiều thị trường khác nhau. Có thể nhận thấy đây là loại gạo đang tạo ưu thế cạnh tranh cho gạo Việt Nam so với các nước khác. Chính vì vậy, theo ông Bửu, Việt Nam nên tập trung cho phân khúc gạo này thay vì chạy theo những sản phẩm vốn là thế mạnh của các nước khác, chẳng hạn gạo thơm.

Không đọ lại thái lan ở phân khúc cao cấp

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chú trọng đầu tư xuất khẩu gạo đồ và gạo thơm. Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore là những khách hàng chính của loại gạo này. Ở phân khúc này, Việt Nam lại đụng phải đối thủ mạnh là Thái Lan. Thái Lan vốn có thế mạnh về loại gạo cao cấp từ rất lâu và khó có nước nào có thể cạnh tranh lại gạo thơm của nước này. Trung bình lượng tiêu thụ gạo thơm hằng năm trên thế giới vào khoảng 2-3 triệu tấn, trong đó riêng Thái Lan đã xuất khẩu khoảng 1,5-1,8 triệu tấn. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam rất khó chen chân vào cánh cửa hẹp này.

Hiện nay, các nhà xuất khẩu gạo mới xuất hiện trên thị trường thế giới đang đẩy Việt Nam và Thái Lan vào thế bị động. Với mong muốn vượt qua khó khăn, Thái Lan đang muốn hợp tác với Việt Nam về buôn bán gạo. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom dự định sẽ dẫn đầu một phái đoàn Thái Lan đến thăm Việt Nam vào tháng tới, để bàn việc liên kết với Việt Nam nhằm giữ giá lúa gạo ở mức cao. Điều này nhằm mục đích giảm bớt khó khăn cho cả 2 nước trong thời gian tới. Đề nghị này từng được Thái Lan đưa ra trước đây nhưng chưa đi đến thống nhất giữa hai nước.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

17 − 13 =

To Top