Connect with us

Tổng Giám đốc HP: Tướng tài hay tướng liều?

Tình huống thương hiệu

Tổng Giám đốc HP: Tướng tài hay tướng liều?

Khai tử TouchPad, WebOS, bộ phận PC, liệu quyết định tái định hình HP từ nhà sản xuất phần cứng sang phần mềm của TGĐ Hewlett-Packard, có thể đưa HP lội ngược dòng như IBM đã làm được?

Vào giữa tháng 8.2011, Tổng Giám đốc Hewlett-Packard (HP), Leo Apotheker đã gây chấn động giới công nghệ khi quyết định chia tách bộ phận máy tính cá nhân (PC) của HP.

Tập đoàn sản xuất máy tính lớn nhất thế giới của Mỹ này từ nay sẽ tập trung vào việc phát triển các lĩnh vực có giá trị cao hơn, là phần mềm doanh nghiệp, dịch vụ, an ninh, lưu trữ dữ liệu và kết nối mạng. Và việc mua lại hãng phần mềm Autonomy Corp (Anh) vào giữa tháng 8.2011 là nhằm phục vụ cho chiến lược mới này.

Apotheker cũng đã đi một bước táo bạo khác là khai tử chiếc máy tính bảng TouchPad mới ra mắt chỉ được 2 tháng và hệ điều hành đã dày công xây dựng là WebOS. Ông cho biết, các khoản đầu tư này không phát huy tác dụng nên ông đã quyết định “cắt lỗ”.

Liệu việc tái định hình HP từ nhà sản xuất phần cứng sang phần mềm có thể đưa HP lội ngược dòng như IBM (Mỹ) đã làm được?

Con đường an toàn

Quyết định chia tách bộ phận PC và chuyển hướng sang tập trung vào mảng dịch vụ và phần mềm cũng là điều dễ hiểu. Mặc dù bộ phận PC chiếm tới 30% doanh số bán của Tập đoàn trong quý III tài chính, nhưng chỉ tạo ra biên lợi nhuận 5,9%. Trong khi đó, bộ phận phần mềm doanh nghiệp đã đem lại 19% biên lợi nhuận, gấp gần 3 lần mảng PC.

Con đường Apotheker đi dường như khá an toàn vì đó là xu hướng các công ty sản xuất máy tính đang lựa chọn và đã chứng minh được hiệu quả. Năm 2005, IBM đã gây sửng sốt giới kinh doanh khi bán lại bộ phận máy tính đang sinh lợi cho Lenovo (Trung Quốc) và bước hẳn sang mảng dịch vụ và phần mềm phục vụ cho doanh nghiệp. Và nay IBM đã trở thành công ty cung cấp dịch vụ công nghệ số 1 thế giới. Ngay cả Dell, nhà sản xuất PC của Mỹ lớn thứ 2 thế giới sau HP, cũng tập trung hơn vào mảng dịch vụ mặc dù PC vẫn còn chiếm tới 50% doanh số bán.

Tuy nhiên, Michael Cusamano, Giáo sư Trường Quản trị Sloan thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, cho rằng: “Từ bỏ tới 1/3 doanh thu, cho dù cuối cùng hãng có trở nên sinh lợi hơn thì đó là một thiệt hại lớn. Là nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới, HP đã có mặt ở nhiều hộ gia đình và văn phòng. Đánh mất bộ phận PC nghĩa là họ mất đi điều đó”.

Mặt khác, không ít người cũng nghi ngại về khả năng thành công của chiến lược mới trước những vấp ngã gần đây của ông. Apotheker từng tuyên bố chiếc TouchPad sẽ là một đối thủ thực sự trên thị trường máy tính bảng. Thế nhưng, TouchPad không mảy may làm suy chuyển vị thế quá vững chắc của iPad (Apple). Người tiêu dùng không thích thú với sản phẩm này. Và cuối cùng ông quyết định khai tử nó chỉ sau 2 tháng tung ra thị trường.

Bộ phận WebOS đã dày công xây dựng cũng cùng chung số phận. Theo Giám đốc Tài chính Cathie Lesjak, xét về hoạt động, bộ phận WebOS đã lỗ 332 triệu USD trong quý III tài chính (kết thúc vào cuối tháng 7) với doanh số bán chỉ 266 triệu USD. Theo bà, mức lỗ sẽ càng gia tăng nếu vẫn tiếp tục duy trì WebOS. “Chúng tôi cần sử dụng nguồn vốn một cách tốt hơn hơn là cố gắng làm sống lại WebOS. Doanh số bán TouchPad cũng không đạt mong đợi của tôi”, Apotheker giải thích.

 

Autonomy có là sai lầm mới?

Sau những vấp ngã với WebOS và TouchPad, liệu Apotheker có tiếp tục sai lầm trong vụ đặt cược vào Autonomy khi sẵn sàng trả cái giá lên tới 10,3 tỉ USD cho hãng phần mềm này? Theo số liệu của Bloomberg, HP đã trả gấp 24 lần lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) của công ty này, so với mức ước tính chỉ 17 lần EBITDA trong 10 thương vụ công nghệ tương tự. Apotheker cho rằng cái giá này là hoàn toàn xứng đáng. Ông cho biết công ty này đã tăng trưởng doanh thu với tốc độ 55% và lợi nhuận hoạt động tăng trưởng 83% trong vòng 5 năm qua. “Chúng ta mua lại một công ty rất vững mạnh. Chúng tôi tin rằng có nhiều lợi ích từ thương vụ này”, ông nói.

Autonomy là công ty phát triển phần mềm lớn thứ 2 nước Anh, cung cấp các chương trình chuyên về tìm kiếm cơ sở dữ liệu. Khách hàng của Công ty gồm có Coca-Cola, Nestle SA và Ủy ban Chứng khoán Mỹ. Ông cũng cho biết, với việc sáp nhập Autonomy, doanh số bán phần mềm sẽ chiếm 8% doanh thu của HP vào năm 2015 (đã tính đến việc chia tách bộ phận PC), từ mức khoảng 3% hiện nay.

Tuy nhiên, cái giá 10,3 tỉ USD sẽ làm cạn kiệt nguồn tiền mặt của HP (hiện là 12,9 tỉ USD), thậm chí có thể sẽ đẩy Công ty rơi vào cảnh nợ nần. Đừng quên rằng thuế là một gánh nặng rất lớn khi chuyển vốn ra khỏi biên giới vì Autonomy là một công ty Anh. Giới phân tích cũng lo ngại là liệu Autonomy có thể cải thiện tình hình ở HP hay không khi công ty này tạo ra chưa tới 1 tỉ USD doanh thu hằng năm. Con số này là quá nhỏ bé so với mức doanh thu hằng năm 126 tỉ USD của HP.

Hơn nữa, đi vào lĩnh vực phần mềm và dịch vụ, HP sẽ phải đối đầu trực diện với 2 đối thủ lớn nhất là IBM và Oracle (Mỹ), vốn đã có chỗ đứng quá vững chắc trên thị trường này. Louis Miscioscia, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn tài chính Collins Stewart (Anh), cho rằng: “Trong lĩnh vực công nghệ, bạn không thể bị tụt lại quá xa và rất khó có thể nhảy cóc vượt lên các đối thủ”. Ông cũng cho biết đó là lý do dẫn đến kết cục bi thảm của chiếc TouchPad.

Trong khi đó, HP đã đi sau IBM, công ty dẫn đầu thị trường dịch vụ công nghệ, không phải là một vài tháng mà là 6 năm (IBM quyết định chuyển hướng sang mảng dịch vụ phần mềm vào năm 2005). Liệu kết cục của nỗ lực mới sẽ tương tự như TouchPad?

Có một điều an ủi rằng phần mềm là sở trường của Apotheker. Trước khi trở thành Tổng Giám đốc tại HP, ông đã có hơn 20 năm giữ nhiều vị trí khác nhau tại tập đoàn phần mềm Đức. Và có lẽ ông ấy biết mình đang làm gì. Nhưng tốt nhất là ông nên cho thấy những dấu hiệu lạc quan trong những quý sắp tới vì sự kiên nhẫn của nhà đầu tư gần như đã cạn kiệt khi từ đầu năm đến nay giá cổ phiếu của HP giảm tới 30%.

Tuy nhiên, ông Miscioscia cho rằng nhà đầu tư sẽ phải đợi lâu vì quá trình cải tổ của HP có thể sẽ mất nhiều năm và tập đoàn này vẫn còn trong giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

17 + 3 =

To Top